Dù đạt kim ngạch hơn 11 tỷ USD trong năm 2022, song khi dự báo về bức tranh xuất khẩu thủy sản trong năm nay, các chuyên gia trong ngành cho rằng, xuất khẩu thủy sản sẽ đối diện nhiều thách thức.
Xuất khẩu giảm ngay tháng đầu năm
Ngành thủy sản đã vượt khó ngoạn mục trong năm 2022 khi đem về cho nền kinh tế con số hơn 11 tỷ USD xuất khẩu. Giới chuyên gia đánh giá, để có được thành quả đó, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) thủy sản đã phải có những nỗ lực lớn để vượt qua các rào cản trong năm qua. Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), để có thể “can qua” thời kỳ khó khăn, các DN thủy sản đã rất linh hoạt trong việc thay đổi thị trường, đa dạng sản phẩm để phù hợp với nguồn cung trong nước.
Một DN xuất khẩu tôm cho hay, có thời điểm gặp khó khăn vì nguồn nguyên liệu thiếu hụt, các DN đã chú trọng vào việc sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng để hướng đến những thị trường có giá cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Còn trước những sự biến động tiền tệ, nhiều DN đã lựa chọn thị trường ít biến động hơn như Mexico để khai thác.
Bà Hằng nhận định, thời gian qua, các DN thuỷ sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và đạt kết quả ấn tượng. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, trong đó, tôm mang về 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD, cá ngừ và hải sản khác lần lượt mang về 1 tỷ USD và 3,2 tỷ USD.
Với những con số ấn tượng nói trên, có thể khẳng định, đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới và kết quả nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi giá trị cung ứng ngành thủy sản, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, ngay từ tháng đầu của năm 2023, ngành thủy sản đã phải đối mặt với những khó khăn hiện hữu. Vasep cho biết, trong tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối của năm trước, cùng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ước trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu của thủy sản giảm rất sâu, như: Cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%... Duy chỉ có sản phẩm mực và bạch tuộc là vẫn giữ được tăng trưởng dương, nhưng cũng không cao, ở mức 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.
Phác thảo bức tranh xuất khẩu thủy sản trong năm 2023, nhiều chuyên gia cho biết, ngành này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023 hầu như không còn vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới. Do đó, xuất khẩu trong cả quý I/2023 sẽ sụt giảm. Thông tin từ các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cho thấy, hiện nay các đơn hàng gần như bị sụt giảm rất mạnh, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng cho quý I/2023.
Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm đơn hàng được các chuyên gia, DN mổ xẻ, là do biến động về tỷ giá, lạm phát khiến nguồn chi của người tiêu dùng bị thắt chặt. Trong khi đó, DN trong nước gặp khó vì thiếu vốn, lại thêm khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Khi DN không đủ vốn để mua nguyên liệu thì tất yếu dẫn đến việc bị chậm, trễ đơn hàng cho khách hàng.
Phấn đấu đạt 10 tỷ USD
Trước những khó khăn, thách thức mà ngành thủy sản đang phải đối diện, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2023, mục tiêu của toàn ngành sẽ đạt kim ngạch khoảng 10 tỷ USD.
Nêu lên lý do của con số mục tiêu này, các chuyên gia trong ngành nhận định, yếu tố chi phối nhất đến xuất khẩu chính là thị trường. Do đó, sự bất ổn của thị trường nhập khẩu sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2023 không đạt được mức kỷ lục như năm 2022, và con số kim ngạch xuất khẩu lạc quan nhất chỉ có thể ở mức 10 tỷ USD. Đó là sự lạc quan vào những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, sau khi nước này chính thức bỏ kiểm soát, kiểm dịch đối với người và hàng hóa nhập cảnh theo chính sách “Không Covid”. Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản sang ASEAN sẽ tiếp tục khả quan và là kỳ vọng tăng trưởng cho ngành thủy sản trong năm 2023.
Để có thể vượt khó khăn, rào cản nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng là DN thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động hơn để có thể tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như thuế xuất nhập khẩu, các cơ hội khác và tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại. Và để tận dụng được những lợi thế đó, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep, trước hết các DN thủy sản cần nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA; tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như tại các nước đối tác trong FTA...