Xuất khẩu thủy sản sát mốc 10 tỷ USD

Lê Bảo 05/11/2022 14:00

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thủy sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thủy sản trong chỉ số GDP của cả nước.

Năm 2022 dự kiến ngành thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Ảnh: Vasep.

Xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD

Theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành xuất nhập khẩu, trong đó có ngành thủy sản, nhưng với sự nỗ lực của các DN thủy sản Việt Nam, đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) trong năm 2022. Kết quả là tính đến hết tháng 10, XK thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó tới tháng 10/2022, XK tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19%. XK tôm năm 2022 dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021.

Đối với mặt hàng cá tra đa số các thị trường đều tăng từ 40 – 200% nhập khẩu cá tra của Việt Nam. XK cá tra tính đến cuối tháng 10/2022 đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, XK cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021.

Thực tế dù từ đầu năm đến nay, Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm tra với hàng thực phẩm nhập khẩu nhưng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đạt 631 triệu USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ cũng chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 9 tháng, với hơn 461 triệu USD, tăng 87% so với 9 tháng của năm 2021.

Một tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành Kết quả cuối cùng của Cuộc rà soát quản lý thuế chống bán phá giá lần thứ 18 (POR18). Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho từng công ty dựa trên kết quả của POR17. Do đó, quyết định này không ảnh hưởng đến xu hướng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm nay.

Tương tự XK cá ngừ tính đến hết tháng 10 ước đạt 890 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng XK trên 1 tỷ USD.

Theo kết quả trên, ước tính đến cuối tháng 11, XK thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Thủy sản Việt chiếm 7% thị phần thị trường thế giới

Theo nhận định của VASEP, năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng XK hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch XK khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thủy sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thủy sản trong chỉ số GDP của cả nước, đặc biệt trong ngành hàng nông lâm thủy sản XK.

Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia XK lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy, 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính thủy sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới.

Mặc dù đạt được kết quả trên song nhiều chuyên gia thủy sản Việt Nam hiện vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, nguồn lợi hải sản khai thác biển suy giảm, trong khi giá xăng dầu tăng cao thời gian dài, lợi nhuận tàu cá giảm hoặc thua lỗ. Đáng chú ý, sau gần 5 năm, vấn để tháo “gỡ thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn còn nhiều gian nan.

Riêng ở lĩnh vực nuôi trồng, tính đến hết tháng 9 năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ. Dù vậy, vấn đề vốn sản xuất, rủi ro dịch bệnh, sự thiếu liên kết trong chuỗi ngành hàng... đang là những điểm nghẽn khiến ngành thủy sản vẫn “chật vật” trong việc giữ vững vị trí top thế giới.

Theo ông Trương Đình Hòe -Tổng thư ký VASEP, việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu thủy sản sát mốc 10 tỷ USD