Sáng 19/3, tại không gian vườn hoa đền Bà Kiệu - Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Phút hồi sinh”; nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng trở về của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đầy (3/1973 - 3/2023) và chào mừng 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).
Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhớ lại: Theo Hiệp định Paris, từ năm 1973, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước bị địch bắt, tù đày đã được trở về với cách mạng, với nhân dân trong niềm vui chiến thắng… Năm 1973, bên dòng Thạch Hãn, cờ giải phóng tung bay, thời khắc lịch sử của ngày chiến thắng đã đến. Dẫu thân thể không còn lành lặn, nhiều chiến sĩ vẫn giương cao khẩu hiệu, hát vang các bài ca cách mạng. Tại điểm trao trả ở sân bay Lộc Ninh, các chiến sĩ trở về trong niềm vui khôn xiết, hô vang khẩu hiệu cách mạng…
“Chiến tranh và quá khứ đau thương đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hoa lửa bi hùng vẫn sẽ mãi không phai mờ trong tâm trí của những người chiến sĩ năm xưa. Càng trân quý hơn, khi chính những người chiến sĩ dù ở nơi địa ngục trần gian hay trong cuộc sống đời thường hôm nay, vẫn là những chiến sĩ kiên trung, bất khuất, tình nghĩa thủy chung...” - ông Hồng nói.
Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung, gồm: Mở cửa ngục tù; Ngày chiến thắng trở về; Viết tiếp bản hùng ca. Ở phần nội dung thứ nhất “Mở cửa ngục tù”, thể hiện hình ảnh sau năm 1954, hệ thống nhà tù, trại giam được đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập khắp miền Nam. 6 nhà tù, trại giam được mệnh danh là “địa ngục trần gian” lớn nhất miền Nam: Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp, Thủ Đức. Tại đây, kiên cường đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Nội dung thứ 2 với chủ đề “Ngày chiến thắng trở về” nói về quá trình thực hiện Hiệp định Paris, các cuộc trao trả tù binh, tù chính trị giữa ta và địch được triển khai từ tháng 2/1973. Các cuộc trao trả diễn ra nhiều đợt tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó hai địa điểm trao trả lớn nhất là sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).
“Viết tiếp bản hùng ca”, nội dung thứ ba thể hiện thời gian sau ngày chiến thắng trở về, vượt qua nỗi đau thương tật, hoàn cảnh khó khăn, các cựu tù binh, tù chính trị vẫn vươn lên trong quá trình học tập, công tác với nỗ lực bền bỉ. Luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh tại nơi “địa ngục trần gian” năm xưa, những người tù đã phối hợp với lực lượng vũ trang của địa phương tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, thăm hỏi các bạn tù có hoàn cảnh khó khăn…
Không chỉ những người đã trải qua một thời đạn lửa, những chiến sĩ cách mạng bị tù đày trong nhà tù của địch, mà lớp trẻ hôm nay khi được xem những bức ảnh, những kỷ vật của 50 năm trước đều hết sức xúc động; càng thêm trân quý giá trị của độc lập, tự do ngày hôm nay. Đặc biệt, triển lãm đặc biệt này lại được trưng bày ở không gian mở, ngay bên hồ Gươm linh thiêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là cách làm tốt, cần được phát huy nhất là khi hệ thống bảo tàng chưa thu hút được người thưởng lãm.