Tròn 2 tháng kể từ thời điểm đấu thầu 4 lô “đất vàng” tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) cùng với diễn biến “rất nóng” liên tiếp nhiều tuần qua, đến nay đã có 2 trong 4 doanh nghiệp trúng đấu giá xin không tiếp tục thực hiện dự án tại các dự án “đất vàng” này. Hệ lụy đấu giá đất cao bất thường rồi bỏ cọc đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản…
Cùng “kịch bản” bỏ cọc
Tính đến ngày 10/2, ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết Cục Thuế thành phố đã nhận được văn bản xin bỏ cọc trúng đấu giá đất tại KĐTM Thủ Thiêm của 2 đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh và Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Trong đó, công ty Bình Minh xin bỏ cọc lô đất có ký hiệu 3-9, với diện tích 5.009,1 m2 mà đơn vị này trúng thầu đấu giá vào cuối năm 2021. Kế đó, phía công ty “con” thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng xin bỏ cọc lô đất số 3-12, với diện tích lên tới 10.059,7m2 cùng số tiền “khủng” trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng.
Ông Lê Duy Minh cho biết, cơ quan Thuế TP HCM chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc xin bỏ cọc trúng thầu đấu giá đất tại các lô đất khác của các doanh nghiệp còn lại. Riêng đối với công ty Bình Minh đã trình bày nguyên nhân trong văn bản gửi Cục Thuế TP HCM về việc xin không triển khai dự án đã trúng thầu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình tài chính khó khăn. Do đó, đơn vị này không đủ vốn để đầu tư vào lô đất trên.
Trước đó, phía công ty Bình Minh đã nộp hơn 140 tỷ đồng tiền đặt cọc cho lô 3-9 trước khi thực hiện đấu giá và cùng với việc từ bỏ thực hiện dự án này, đồng nghĩa doanh nghiệp chấp nhận mất khoản đã đặt cọc.
Công ty Bình Minh là đơn vị thứ hai có văn bản chính thức gửi Cục Thuế TP HCM về việc chấp nhận bỏ cọc lô đất trúng thầu tại KĐTM Thủ Thiêm. Trước đó, Công ty Ngôi Sao Việt có văn bản xin bỏ cọc một lô “đất vàng” khác tại đây cũng giải thích do những nguyên nhân khó khăn tương tự.
Theo đại diện Cục Thuế TP HCM, đơn vị này đã ban hành các thông báo đối với các doanh nghiệp đã trúng thầu đấu giá đất tại KĐTM Thủ Thiêm từ ngày 6/1/2022. Trong đó, tổng số tiền sử dụng đất là 37.364 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng lệ phí trước bạ.
Theo thông báo này, trong vòng 30 ngày kể từ ngày 6/1, bốn đơn vị trúng thầu phải có nghĩa vụ thanh toán đủ số tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ kể trên. Riêng Công ty Bình Minh phải nộp số tiền là 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ.
Hiện nay, chỉ còn 2 doanh nghiệp trúng thầu các lô đất vàng còn lại tại KĐTM Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic (lô 3-5, diện tích 6.446 m2) và Công ty CP Sheen Mega (lô 3-8, diện tích 8.568,1 m2).
Các doanh nghiệp này cũng đang chịu áp lực rất lớn để thanh toán các khoản tiền theo thông báo của Cục Thuế TP HCM, lần lượt là hơn 4.320 tỷ đồng và hơn 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất và tiền lệ phí trước bạ. Dù vậy, cho đến nay cả 2 doanh nghiệp này cũng có thông báo chính thức về việc nộp tiền đợt 1 theo quy định.
Xử nghiêm nếu trục lợi đấu giá
Theo đại diện Cục Thuế TP HCM, đơn vị này đang trong quá trình đốc thúc hai đơn vị còn lại trúng thầu đấu giá đất KĐTM Thủ Thiêm đóng các khoản tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ theo quy định của thông báo cũng như theo hợp đồng đã ký.
Ngoài việc phải hoàn thành nghĩa vụ đóng lệ phí trước bạ và nộp 50% tiền sử dụng đất thì trong vòng 60 ngày tiếp theo, các đơn vị này phải nộp đủ 50% tiền sử dụng đất còn lại, với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Theo Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, trong trường hợp nếu các doanh nghiệp còn cố tình tiếp tục chưa thực hiện nộp thuế theo thông báo lần 1 và cũng không có thông báo bỏ cọc thì phía Cục Thuế TP HCM sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo, như phong tỏa tài khoản ngân hàng, thu hồi bên thứ 3, hóa đơn…
Hiện Bộ Xây dựng cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các kết quả đấu giá đất cao bất thường đến thị trường bất động sản. Theo văn bản được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ký, cơ quan này cho rằng hiện tượng đấu giá rất cao một số lô đất, sau đó bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo đã từng diễn ra ở một số nơi. Hậu quả dẫn đến việc thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính.
Đối với kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm tại KĐTM Thủ Thiêm cũng là trường hợp cụ thể đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Trong đó, Bộ Xây dựng đánh giá các tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực.
Cụ thể, sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá các lô đất tại KĐTM Thủ Thiêm thì giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng cao nhưng lại ghi nhận rất ít các giao dịch. Đây là dấu hiệu của việc thị trường bị tăng giá ảo, ảnh hưởng chung đến cả thị trường khu vực.
Để chấn chỉnh các dấu hiệu trục lợi có thể xảy ra trong hoạt động đấu giá đất tại Thủ Thiêm cũng như các địa phương, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất.
Trong quá trình đó, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá cũng như dấu hiệu trục lợi trong đấu giá đất sẽ xử lý nghiêm.
Hiện nay, ngoài một số Bộ ngành, địa phương và Cục Thuế TP HCM có văn bản liên quan, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đang trong quá trình rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
2 tháng kể từ thời điểm đấu thầu 4 lô “đất vàng” tại Thủ Thiêm, trước mắt chủ trương thu hút đầu tư thông qua đấu giá đất của UBND TP HCM đã bị bỏ lỡ tiến độ bán và cuối cùng không thu được tiền như kỳ vọng do 50% doanh nghiệp trúng thầu bỏ cọc.
Trong khi đó, quá trình quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm đã bị quy hoạch “treo” gần 30 năm kể từ thời điểm chủ trương đầu tư. Tất cả khiến một hình hài trung tâm tài chính tầm vóc quốc tế sau hàng chục năm vẫn chỉ là dự án… nằm trên giấy.