Xưởng sản xuất than tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) không có bất kỳ giấy tờ, thủ tục nào nhưng vẫn hoạt động kể từ năm 2014. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần đến hiện trường kiểm tra, xác minh nhưng tới nay, xưởng than vẫn tồn tại, hoạt động.
Kêu trời vì ô nhiễm
Tìm hiểu được biết, xưởng than trên xây dựng vào khoảng năm 2014, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Bình. Quy mô xưởng than vào khoảng trên 2ha, nằm ngay phía chân núi thuộc thôn Hòa Lâm (xã Trường Lâm). Từ trục đường QL1A (đoạn qua thôn Hòa Lâm), men theo con đường nhỏ đi khoảng 200m sẽ thấy khu vực xưởng than hoạt động. Nhiều người dân cho biết, vị trí xưởng than án ngữ trước kia có 1 mỏ khai thác đất. Sau khi hết thời hạn, vị trí đất này được ông Bình thuê lại để xây dựng xưởng than.
Mặt hàng xưởng này cung cấp cho thị trường là than hoa, tiêu thụ tại Thanh Hóa và các khu vực lân cận. Dù đã hoạt động gần 10 năm nhưng tới nay, xưởng đốt than với nhiều lán trại xập xệ vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ...
Theo phản ánh của người dân thôn Hòa Lâm, kể từ khi có xưởng than, đời sống của gần 20 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quá trình đốt than, khói đã bay theo chiều gió, bao phủ vào khu vực dân cư.
Bà Lê Thị Lý (53 tuổi, trú thôn Hòa Lâm) cho biết: “Thời kỳ sản xuất cao điểm, xe chở gỗ ra, vào liên tục để cung cấp cho xưởng than. Có nguyên liệu, họ đốt cả ngày lẫn đêm khiến người dân xung quanh không chịu nổi. Nhiều đêm, gia đình tôi đang ngủ thì chợt tỉnh giấc vì quá khó thở. Nhiều hộ dân trong thôn đã cùng nhau ký tên rồi kiến nghị lên xã, nhưng đến nay vẫn không thể xử lý dứt điểm”.
Cách xưởng than không xa là Trường THCS Trường Lâm. Bà Lữ Thị Huê - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước thời điểm vào học buổi sáng, học sinh trong trường thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi khói bay ra từ lò đốt than. Việc này khiến chất lượng dạy học và sức khỏe của học sinh bị suy giảm. Trước thực trạng trên, nhà trường đã kiến nghị lên UBND xã và sau đó đơn vị đã vào cuộc xác minh vào năm 2018. Sau đó, lò than phía sau trường học đã được dỡ bỏ.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, các công nhân trong xưởng than vẫn miệt mài đưa gỗ nguyên liệu vào lò để đốt. Sau đó là những làn khói bốc lên nghi ngút trong suốt nhiều giờ.
Vì sao biết nhưng không xử lý?
Ông Cao Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Trường Lâm cho biết: Việc xưởng than hoạt động không phép là có. “Các phòng, ban của thị xã, lâm trường, lâm nghiệp cũng về kiểm tra nhiều lần rồi. Chủ xưởng than cũng đóng thuế hàng tháng nên cũng tạo điều kiện. Mà họ cũng làm rất nhiều năm rồi chứ không phải mới làm. Họ làm nhỏ lẻ chứ không làm ăn lớn?” - ông Sự nói.
Khi được hỏi vì sao chính quyền biết xưởng than hoạt động trái phép suốt nhiều năm nhưng không dỡ bỏ thì ông Sự cho rằng: “Các anh nên đi gặp chủ xưởng than để tìm hiểu”. Ông Sự cũng thông tin thêm, nếu muốn dẹp xưởng than thì xã phối hợp với cơ quan cấp trên là sẽ làm được chứ không khó khăn gì hết. Nhưng kết luận lại, ông Sự nói rằng việc này… khá tế nhị?
Ông Hoàng Bá Trung - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Nghi Sơn khẳng định: Xưởng than tại thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm hoàn toàn xây dựng tự phát, không có bất kỳ giấy tờ thủ tục nào. Hiện tại, phòng đã chỉ đạo UBND xã Trường Lâm có biện pháp xử lý với xưởng than này.
Gần 10 năm qua, chính quyền từ xã Trường Lâm tới huyện Tĩnh Gia trước đây, nay là thị xã Nghi Sơn cùng các đoàn liên ngành đã kiểm tra nhiều lần nhưng không hiểu vì sao không hướng dẫn chủ xưởng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hoặc dẹp bỏ.
Trước đó, vào thời điểm tháng 1/2022, Báo Đại Đoàn Kết cũng đã có bài phản ánh: “Gần 10 năm không dẹp được xưởng than trái phép” tại thôn Yên Phú, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi báo đăng, UBND huyện Hà Trung đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND xã Hà Tiến xử lý, tháo dỡ các công trình sai phạm và đã cơ bản hoàn thành trước ngày 31/3.