0h ngày 26/8 Sở GTVT Hà Nội thực hiện phân luồng, tổ chức giao thông, cấm ô tô di chuyển trên cầu Thăng Long để phục vụ việc kiểm định cầu sau gần 40 năm được đưa vào khai thác.
Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 đến 1985. Cầu bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300 trên quốc lộ Nam Thăng Long, con đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Hà Nội. Cầu có phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Móng trụ cầu chính đều dùng giếng chính. Phần cầu dẫn ở hai bên bờ đều dùng dầm bê tông dự ứng lực. Các trụ dẫn cầu đều dùng móng cọc ống phi 55 cm.
Cầu Thăng Long có hai tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435 mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5 m (có thể chạy ô tô 10 tấn). Tầng 2 là đường ô tô rộng 15 m, cho bốn làn xe chạy; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5 m.
Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) hơn 5,5 km, tính theo đường ô tô (tầng trên) hơn 3,1 km, theo đường xe thô sơ hơn 2,6 km.
Sau gần 40 năm đi vào hoạt động, để đảm bảo an toàn giao thông cũng như chất lượng công trình Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Cục Đường sắt Việt Nam) đã cho phép thử tải, kiểm định lại chất lượng của cầu Thăng Long.
Tiến sĩ Trần Việt Hưng - Khoa Công Trình Trường Đại học GTVT (đơn vị kiểm định) cho hay, cầu Thăng Long được đưa vào khai thác từ những năm 1985 đến nay đã được gần 40 năm. Hiện cầu vẫn đáp ứng được nhu cầu vận tải lên các tỉnh phía Bắc và có vai trò rất quan trọng khi nối với tuyến đường Vành đai 3 trên cao.
"Sau 40 năm khai thác cầu cũng đã xuất hiện một số hư hỏng, năm 2021 cầu đã được sửa chữa phần giàn thép qua sông. Từ đó đến nay phần mặt trên đã được ổn định, bê tông nhựa không còn xuất hiện vết hằn lún, xô lệch. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác an toàn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cho phép được thử tải, kiểm định toàn bộ các phần còn lại của cây cầu", ông Hưng cho hay.
Cũng theo Tiến sĩ Hưng, quá trình thử tải, kiểm định lần này sẽ đo đạc lại chính xác khả năng chịu tải của cây cầu sau gần 40 năm khai thác để có thể đưa ra những khuyến nghị (nếu có) để duy trì được sức chịu tải của công trình, cũng như đảm bảo an toàn giao thông. Bởi sau nhiều năm khai thác cầu có thể hư hỏng phần gối cầu, gối cầu bị nghiêng, nứt lẻ, hay nhiều vấn đề khác.
"Đêm 26/8, chúng tôi thử tải tại tầng 2 của cầu. Quá trình thử tải chúng tôi sử dụng 4 chiếc xe tải, mỗi chiếc nặng 30 tấn để đo độ võng, ứng suất, dao động và các thông số khác để phục vụ cho việc kiểm tra mức độ chịu tải của cầu.
Hơn 1 tháng qua, cầu đã được đo đạc, kiểm định tại phần cầu dẫn, cầu chính của đường sắt. Tuy nhiên, công tác kiểm định đó thì không cần phải cấm cầu. Việc kiểm định cầu lần này sẽ diễn ra trong vòng 3 tháng”.
Ông Lê Thanh Tùng, Kỹ sư Công ty TNHH Giao thông vận tải cho hay, đêm 26/8, đơn vị đã đo ứng suất dầm, độ võng, đo hạ tải, đo ứng suất bản mặt cầu. Sơ bộ kết quả khá ổn định, còn kết quả chi tiết thì cần đánh giá thêm.
"Để kiểm định, chúng tôi phải sử dụng máy đo ứng suất điện tử dùng để đo ứng suất của dầm chủ và ứng suất của bản mặt cầu kèm theo các thiết bị đồng hồ để đo được độ võng của kết cấu dầm.
Chúng tôi sử dụng 2 loại đồng hồ, một là đồng hồ điện tử có thể đo tự động, hai là đồng hồ cơ để có thể đọc được thông số của độ võng thay đổi bằng mắt thường. Vì vậy, để có đáp án chính xác nhất chúng tôi phải bố trí cả 2 loại đồng hồ", Kỹ sư Tùng cho hay.