Y đức từ cổng trở vào

Ngọc Anh 13/07/2016 14:05

Bảo vệ thì không phải bác sĩ. Hiển nhiên là thế. Nhưng một hành động sai trái của bảo vệ, ở trong khuôn viên bệnh viện, lại đương nhiên bị quàng vào cùng với y đức. Mà suy luận ấy của dư luận không sai. Dù biết nhiều bác sĩ đang giữ gìn y đức có thể giãy nảy lên, thì nói gì thì nói, để tồn tại những điều phi nhân tính ở nơi đáng lẽ phải gặp toàn sự xót thương, là có lỗi của những người có trách nhiệm tạo ra một môi trường y đức, ngay từ cánh cổng.

Từ một vụ việc cụ thể ở Viện Nhi, vỡ lở ra nhiều vấn đề khác, liên quan đến môi trường bệnh viện. Thời thực dân Pháp cai trị Việt Nam, các bệnh viện được gọi là nhà thương như nhà thương Đồn Thủy, nhà thương Phủ Doãn… Nghĩa là mặc nhiên, nơi ấy là nơi dành cho tình yêu thương con người. Cho nên, thật rùng mình khi biết ở nơi cổng viện ngày nay có những sự móc ngoặc hoặc thực thi bằng luật rừng, lạnh lùng, vô cảm để móc túi những con người đang lúc khốn cùng nhất. Chỗ này đã được mua thì sẽ có sự bảo kê để không một cái xe nào khác có thể xâm phạm vào.

Bất kể ai đi trên đường khi nghe tiếng còi của xe cứu thương vang lên, có lẽ đều bất giác nép vào bên đường, nhường đường cho một sự sống. Nhưng giờ đây, vỡ lẽ ra rằng có thể đã có sự móc ngoặc, độc quyền, tranh giành lợi lộc từ cái phương tiện theo nghĩa đen chỉ là để làm phúc. Mấy chữ “xe cứu thương” mới thật trớ trêu làm sao.

Khi có lỗi từ những người gác cổng, y đức trở thành tội đồ để chì chiết. Đó là sự đáng tiếc xót xa mà có lẽ các nhà quản lý bệnh viện và ngành y tế đang quá thấm thía.

Rõ ràng sự khó khăn đến với bệnh nhân và người nhà của họ lâu nay phần lớn không phải đến từ những bác sĩ khám chữa điều trị, mà lại chủ yếu ở các khâu hành chính, sự vụ… Một vị giáo sư rất giỏi nói rằng ông chỉ giúp được về mặt chuyên môn, còn mọi thủ tục giấy tờ, các bước xét nghiệm thì ông đành chịu và luôn đưa ra lời an ủi với người nhà bệnh nhân: Thôi thì chịu khó xếp hàng, họ bảo đứng thì đứng ngồi thì ngồi, thủ tục bắt buộc phải thế biết làm sao được.

Người viết bài này từng chứng kiến cảnh một bệnh nhân hôm ấy có hẹn bác sĩ để vào khám, nhưng không được bảo vệ cho vào khu nhà điều trị của khoa. Thái độ của bảo vệ thì sừng sộ và dẫn đến to tiếng. May cho bệnh nhân là đúng lúc vị bác sĩ đi qua cổng, bà dừng lại hỏi có chuyện gì và gật đầu xác nhận có hẹn bệnh nhân vào khám.

Những câu chuyện thực tiễn, những kết quả điều tra xã hội học cho thấy khi đi khám chữa bệnh, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bị gây khó dễ từ những nhân viên làm thủ tục, những người thực thi y lệnh chứ không phải vị giáo sư bác sĩ giương mục kỉnh lên bắt bệnh.
Ai cũng nhận ra, bản thân các bác sĩ cũng nhận ra vậy thì tại sao không thay đổi được. Vấn đề ở đây là ở khâu quản lý. Hệ thống quản lý của bệnh viện không thể được sắp đặt như một thứ cửa quyền. Và y đức phải được thiết lập từ cổng trở vào, chứ không phải chỉ tồn tại ở lương tâm của mấy vị giáo sư có khi suốt đời tâm niệm gìn giữ.

Khi nói về giáo dục, một giáo sư từng cho rằng nếu coi việc kinh doanh giáo dục để tạo ra miếng bánh để chia nhau là hỏng. Giáo dục cho dù là tư thục vẫn phải được tạo ra trên quan điểm phi lợi nhuận. Y tế cũng vậy thôi và càng phải như vậy. Nếu xã hội hóa y tế được hiểu là bắt tay nhau để trúng thầu các dịch vụ y tế trong bệnh viện trên cơ sở bóp nặn từ hầu bao người bệnh là một sự táng tận lương tâm. Và nếu lợi nhuận được kiếm chác để chia nhau từ dịch vụ xe cứu thương, từ chỗ đỗ để chở khách trước cổng bệnh viện, từ góp cổ phần mua thiết bị y tế, thậm chí cả từ việc dọn vệ sinh, cung cấp nước uống trong bệnh viện… thì nếu dư luận có đánh đồng giữa những khâu này với y đức cũng không phải là quá đáng, dù đúng là quá oan cho một số bác sĩ tử tế cụ thể nào đó.

Vụ việc từ cánh cổng oan nghiệt ở Viện Nhi với một cháu bé giờ đã phiêu diêu nơi nào ở thế giới bên kia là hồi chuông báo động, để thức tỉnh nhiều vấn đề. Các bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn, phải rà soát và chấn chỉnh kịp thời các loại dịch vụ, cung cách phục vụ, để y đức không thể bị đánh đồng với hành vi của một số bảo vệ hay của nhân viên y tế. Uy tín của một bệnh viện lớn như Viện Nhi Trung ương với trình độ chuyên môn cao, với hàng nghìn ca chữa trị thành công đang bị giảm sút nghiêm trọng chỉ vì hành vi của những người đang hành nghề chẳng liên quan gì đến chữa bệnh. Nhưng không thể chỉ đổ lỗi cho họ là xong, bởi vì đáng trách là ở những khâu đã tạo ra cơ chế độc quyền cho những người bảo vệ và để cho hành vi ấy tồn tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Y đức từ cổng trở vào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO