Trong sự phát triển vũ bão của y học hiện đại, cũng như loài người vẫn đang phải chống chọi với nhiều bệnh nan y, với đại dịch do virus gây ra, thì y học cổ truyền phương Đông đã nhận được sự chú ý đặc biệt.
Cách đây ít lâu, ngày 17/8, lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền, tại Ấn Độ. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, y học cổ truyền ngày càng có vị trí quan trọng ở các quốc gia, cộng đồng và các nền văn hóa.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền, Tổng Giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh: “Y học cổ truyền là sự bổ sung đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và đem đến sự lão hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần xây dựng cơ sở bằng chứng và dữ liệu để góp phần sử dụng y học cổ truyền an toàn, tiết kiệm và công bằng”.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, trong khi giá thuốc, giá chữa bệnh ngày một cao thì y học cổ truyền có thể đóng vai trò xúc tác quan trọng để đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe cộng đồng. Phù hợp, hiệu quả và an toàn của y học cổ truyền đã được chứng minh trong thực tế và điều đó cũng có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận cho hàng triệu người trên thế giới.
Đặc biệt, khi kết hợp với các công nghệ tiên tiến thì y học cổ truyền hứa hẹn sẽ mở rộng biên giới kiến thức về bệnh học.
Trước đó, ngày 25/5/2019, WHO đã đưa Đông y (y học phương Đông) vào sách yếu lược toàn cầu. Lúc bấy giờ, điều đó đã khiến các thầy thuốc Tây y “náo loạn” vì từ lâu y học phương Đông vẫn bị coi thường. Ngay cả tạp chí Scientific American cũng đã đăng một bài phê bình gay gắt, mô tả động thái của WHO là "sai lầm nghiêm trọng trong lối suy nghĩ và thực hành dựa trên phỏng đoán".
Theo ông Tarik Jasarevic - người phát ngôn của WHO, nhìn chung y học cổ truyền chưa được mô tả chi tiết hoặc còn tương đối mơ hồ trong y văn thế giới, nên đã dẫn đến thái độ coi thường của giới y học hiện đại và cũng khó lấy được niềm tin của người bệnh. Nhưng, việc xác định chuẩn mực toàn cầu cho y học cổ truyền sẽ là một con dấu chứng nhận bổ sung cho y học hiện đại.
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào con người luôn cần được hỗ trợ về mặt y tế. Qua hàng ngàn năm, người xưa đã tích lũy kiến thức bằng cách thực chứng, đến nỗi ngay cả y học hiện đại cũng không thể giải thích được.
Thật khó tin được rằng, cách đây 14.000 năm, con người đã biết làm vật liệu hàn răng và phục hình răng. Người Ấn Độ cổ đại đã biết cách thay đổi vị trí của thai nhi trong tử cung. Trước khi có thuốc kháng sinh, con người đã cố gắng chống lại nhiễm trùng bằng các biện pháp khắc phục dựa trên chất độc thực vật và nọc độc...
Bất cứ tộc người nào, cộng đồng nào cũng có những bài thuốc bí truyền và những cách điều trị bệnh, đôi khi là rất khác biệt và khó tin theo chuẩn mực của y học hiện đại. Trong đó y học cổ truyền phương Đông là một ví dụ điển hình. Y học cổ truyền phương Đông là khái niệm được sử dụng để chỉ ngành y tế liên kết với các nước cùng khu vực, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines... Đặc điểm chung nhất là các nhà y học cổ truyền phương Đông sử dụng các phương pháp tiếp cận tâm lý và thể chất khác nhau cùng các sản phẩm thảo dược để giải quyết các vấn đề sức khỏe. Nhìn chung, nó dựa trên sự cân bằng, hài hòa và năng lượng. Phương pháp điều trị của y học cổ truyền phương Đông tìm cách khôi phục sự cân bằng thông qua cách điều trị dành riêng cho từng cá nhân. Người bệnh được điều trị bằng nhiều phương pháp, trong đó rất phổ biến và khác hẳn y học hiện đại là châm cứu, bấm huyệt và giác hơi.
Có vẻ như các phương pháp điều trị của y học cổ truyền phương Đông không phong phú, nhưng trên thực tế nó đã giải quyết được nhiều loại bệnh, trong đó có: Rối loạn cơ xương và thần kinh, viêm xương khớp, đau mãn tính (thường ở cổ, vai, cánh tay, lưng, đầu gối, chân, mắt cá chân, bàn chân), bong gân, co thắt và cứng cơ, đau thần kinh tọa, rối loạn tiền đình, rối loạn cảm xúc và tâm lý, rối loạn tiêu hóa, đau nửa đầu, mất ngủ, rối loạn phụ khoa/sinh dục, rối loạn tuần hoàn, suy tĩnh mạch, tăng huyết áp...
Nếu như y học hiện đại chú trọng vào việc phong tỏa, khu trú để nhanh chóng loại trừ nguyên nhân gây ra bệnh thì y học cổ truyền phương Đông lại chú trọng đến nâng cao thể trạng nhằm chống lại bệnh tật. Mà nguyên tắc quan trọng nhất là cân bằng và hài hòa.
Ngày 17/5/2023, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet ở Paris (Pháp) đã giới thiệu đến công chúng những nét đặc trưng trong y thuật phương Đông như: châm cứu, thiền định hay Yoga, cùng với sợi dây kết nối giữa tâm linh và các liệu pháp chữa trị. Triển lãm kéo dài tới hết ngày 18/9/2023, đã đem đến cho công chúng cũng như giới y học hiện đại nhiều bất ngờ.
Với 300 bức vẽ, pho tượng, ấn phẩm và các dụng cụ, dược liệu… triển lãm đưa người xem bước vào hành trình ngược thời gian, tìm hiểu những điều huyền bí trong lịch sử y thuật - phương pháp, cách thức chữa trị bệnh, cổ xưa của phương Đông.
Giám đốc bảo tàng Guimet, Yannick Lintz cho biết, đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc về thiền định (được xem là một cách chữa qua tâm trí, tinh thần), hay là đâm hàng loạt kim vào cơ thể (châm cứu) để làm gì, cũng như Yoga có thể được xem là y thuật trong chữa bệnh không?
“Nhìn chung người châu Âu khó hình dung được y thuật phương Đông nên tỏ ra nghi ngờ. Nhưng thật ra cũng không cần nghi ngờ làm gì vì nó đã và vẫn đang diễn ra với những hiệu quả rõ rệt” – Tiến sĩ Yannick nói.
Trong khi đó, ông Thierry Zéphir - tác giả của nhiều đầu sách và bài nghiên cứu khoa học về phương Đông cho rằng, triển lãm "Y thuật châu Á: Nghệ thuật của sự cân bằng" đã thức tỉnh giới thực hành y học hiện đại.
“Chúng tôi giới thiệu những khía cạnh của y thuật phương Đông cùng các liệu pháp chữa trị mà phương Tây vốn không coi là y thuật. Tuy nhiên, đây lại chính là nền tảng của y thuật châu Á. Không muốn đưa ra đánh giá hay nhận xét về giá trị của y thuật phương Đông so với y thuật phương Tây, mà ngược lại, chúng tôi muốn làm nổi bật và làm tăng giá trị cho các truyền thống y thuật đó. Đặc biệt là các dược điển và một số kỹ thuật điều trị rất độc đáo” - ông Thierry nói và cho biết thêm, tới nay y học phương Đông cũng không còn quá xa lạ với người Âu - Mỹ. Trong giới khoa học y học hiện đại phương Tây đã xuất hiện xu hướng “ngả về phương Đông”, tuy rằng chưa nhiều thành tựu.
“Phía trước vẫn là chặng đường dài để y học phương Đông và y học phương Tây gặp nhau. Nhưng đó là điều tất yếu” - ông Thierry nói.
Trong y học phương Đông, Trung Quốc có vị trí đặc biệt về các phương thuốc cổ truyền cùng những thủ pháp chữa trị. Y văn cổ ghi lại, từ khoảng năm 156 đến năm 87 trước Công nguyên, các “thầy lang” Trung Quốc đã tổng kết thành bài thuốc “bát tiên trường thọ” với mục đích đạt tới sự trường sinh bất lão. Cho đến tận ngày nay, bài thuốc “bát tiên trường thọ” - có nghĩa là 8 vị thuốc, vẫn được lưu truyền.
Cho đến thời Đông Hán (năm 25 - 220 sau Công nguyên), các thầy thuốc lại tìm ra một “bát vị" khác, đó là “bát vị thận khí hoàn”, chuyên trị về thận.
Lịch sử phong kiến Trung Quốc cũng ghi chép nhiều điều thú vị về một người phụ nữ lừng lẫy: Từ Hy Thái hậu. Bà không còn mơ tưởng đến các bài thuốc “trường sinh bất lão” mà ra lệnh cho thái y viện phải điều chế được những bài thuốc kéo dài tuổi thọ, đảm bảo sống khỏe không bệnh tật cho đến cuối đời và đặc biệt là những phương thuốc dưỡng nhan.
Cuối cùng thì Thái y viện cũng tìm được bài thuốc dưỡng nhan cho Từ Hy, đó là điều chế từ các loại hoa cúc, sau đó được ghi lại như một phương thuốc thanh xuân bí truyền trong cuốn “Từ Hy Quang Tự y phương tuyển nghị” của Trần Khả Dực, đời nhà Thanh. Mấu chốt của phương thuốc này, cùng với tinh chất của hoa cúc chiết xuất từ những cánh hoa tươi, là những viên mật ong đã nấu thành cao, ngày uống 2 lần khiến cơ thể nhẹ nhàng mà không có cảm giác đói, trẻ lâu, da dẻ hồng hào tươi mịn, tóc xanh…
Hai danh y được cho là tác giả của bài thuốc “cao cúc hoa” dành riêng cho từ Từ Hy là Trương Trọng Nguyên và Đào Bảo Sinh, những thầy thuốc danh tiếng thời bấy giờ. Dân gian không có được “cao cúc hoa” thì uống rượu hoa cúc: “Thu ẩm hoàng hoa tửu” - mùa thu uống rượu hoa cúc. Những ai không uống được rượu thì có thể thưởng trà cúc, bằng cách đơn giản là dùng bạch cúc (hoa cúc trắng khô) trộn với cam thảo.
Cũng dưới thời Từ Hy cai quản, các vị thầy thuốc trong Ngự y viện còn chế ra một bài thuốc nữa nhằm duy trì tuổi thanh xuân. Theo đó, trân châu (ngọc trai) được rửa sạch lấy vải bọc lại, đem nấu với đậu phụ khoảng 2 giờ, thì vớt trân châu ra nghiền nát thành bột mịn, để khô cất đi dùng dần với trà hoa cúc nóng.
Đáng chú ý, trân châu không chỉ là vị thuốc làm đẹp, kéo dài tuổi thanh xuân mà còn được sử dụng để bào chế thành những loại thuốc chữa bệnh rất hiệu quả, dùng làm thuốc an thần, thanh nhiệt, bổ âm, sáng mắt, giải độc và sinh cơ nhục... Y học hiện đại ngày nay đã biết rằng canxi có nhiều trong trân châu có khả năng cân bằng dinh dưỡng, làm chậm quá trình loãng xương, phòng chống bệnh cao huyết áp và xơ vữa động mạch hay tắc mạch máu não, bảo vệ chức năng hệ thần kinh, chống lại sự co rút cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, chống mệt mỏi và kéo dài tuổi thọ.
Cùng với những phương thuốc độc đáo, y học cổ truyền Trung Quốc còn xuất hiện nhiều thầy thuốc tài năng, được gọi là thần y. Trong số đó, nổi bật là Hoa Đà, tự Nguyên Hóa.
Ông sinh năm 145, mất năm 208, người huyện Tiêu, nước Bái thuộc Bạc Châu, tỉnh An Huy ngày nay. Năm 7 tuổi, Hoa Đà đã mồ côi cha, gia cảnh khó khăn nên người mẹ đã gửi ông cho một người bạn của cha làm nghề thầy thuốc. Thấy cậu bé tư chất thông minh, ông đã nhận làm đồ đệ và truyền dạy các phương pháp chữa bệnh một cách rất công phu.
Trưởng thành, Hoa Đà du ngoạn khắp nơi nhằm nâng cao y thuật. Mặc dù tinh thông y thuật toàn diện từ ngoại khoa, thủ thuật, thông hiểu kinh thư… nhưng chưa một lần Hoa Đà được ghi danh bảng vàng trong các kỳ thi.
Tiếng tăm vang lừng, Hoa Đà được Tể tướng Trần Khuê và Thái úy Huỳnh Uyển đã tiến cử ra làm quan nhưng ông đều từ chối, bởi ông cho rằng dùng thuốc cứu người mới là đạo.
Trong cuộc đời hành nghề y, Hoa Đà ông cứu được rất nhiều người nhờ tinh thông thuật châm cứu, tinh thông nội khoa tạp bệnh, ký sinh trùng bệnh, tiểu nhi và các khoa phụ sản đều thành thạo. Ông cũng chính là người phát minh ra “ma phí tán” giúp việc phẫu thuật trở nên dễ dàng, ít gây đau đớn hơn.
“Ma phí tán” chính là thuốc gây mê đầu tiên trên thế giới, khi sử dụng sẽ làm cho người dùng không còn cảm giác, lâm vào cảm giác như thuốc mê. Người đời sau vẫn truyền tụng việc Quan Vân Trường ung dung ngồi đánh cờ trong khi Hoa Đà dùng dao khoét thịt, cạo chỗ xương bị nhiễm độc do bị tên bắn trọng thương - mà không hề đau đớn. Có được điều đó là do Hoa Đà đã cho Quan Vân Trường sử dụng thang “ma phí tán”.
Nhưng cuộc đời vị thần y cũng không hề dễ dàng. Theo La Quán Trung - tác giả bộ tiểu thuyết chương hồi "Tam Quốc diễn nghĩa" - được coi là một trong “ngũ đại kỳ thư” của Trung Quốc, thì do Tào Tháo nghĩ rằng Hoa Đà chủ tâm giết mình để báo thù cho Quan Vân Trường bằng cách đề nghị đánh thuốc mê rồi bổ đầu ra cạo khí độc, nhằm chữa tận gốc bệnh đau đầu. Tào Tháo ra lệnh tống giam, ít lâu sau Hoa Đà chết trong ngục tù. Di sản đồ sộ của Hoa Đà về y học thất tán, không người nối nghiệp.
Đó chính là thuật châm cứu và Yoga.
Nói đến châm cứu, nhiều người thường nghĩ là một phương pháp, nhưng thực thế “châm” và “cứu” là hai phương pháp khác nhau, nhưng thường được kết hợp trong cùng một lần trị liệu.
“Châm” là dùng loại kim đặc biệt có độ dài ngắn, kích thước khác nhau để châm vào các huyệt vị trên cơ thể. Khi kim được châm vào cơ thể, tùy vào loại bệnh cần điều trị và ý đồ của người thầy thuốc mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhất định để đạt được mục đích đả thông kinh mạch, khí huyết, trừ khử bệnh tật, nâng cao sức khỏe.
“Cứu” là sử dụng lá ngải khô chế thành ngải nhung, rồi từ đó tạo thành điếu ngải để đốt rồi hơ hoặc đặt trực tiếp lên những vị trí nhất định trên cơ thể, qua đó tạo ra kích thích bằng nhiệt độ nóng lên huyệt vị nhằm đạt được mục đích chữa bệnh của người thầy thuốc.
Mặc dù cách thức thực hiện hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên “châm” và “cứu” đều sử dụng những huyệt vị giống nhau. Vì thế, Đông y gọi chung là phép châm cứu. Châm cứu giúp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả, tương tự như các loại thuốc giảm đau trong Tây y, nhưng an toàn và ít tác dụng phụ và có khả năng hạn chế tái phát cơn đau trở lại. Tới nay, một số bệnh viện châu Âu còn nhờ vào bàn tay của các bác sĩ châm cứu nhằm cải thiện lưu thông máu giúp bệnh nhân phục hồi sau tai biến.
Yoga có nguồn gốc từ Ấn Độ, tới nay đã đạt mức độ phổ biến toàn cầu. Nhiều người tập Yoga chỉ coi như một hoạt động thể dục, nhưng thực ra Yoga còn có tác dụng hơn rất nhiều đối với sức khỏe con người.
Trong tiếng Phạn, Yoga được hiểu là đặt mình dưới một sự điều ngự, tập trung, chuyên chú; chủ yếu bằng cách hít thở và ngồi thiền. Người Ấn quan niệm, Yoga không chỉ giúp rèn luyện thân thể mà còn khai mở tâm trí, giúp con người sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn trước các biến cố có thể tới trong cuộc đời.
Tập luyện Yoga đòi hỏi sự kiên trì và tính kỷ luật tập luyện để mang lại sự thống nhất giữa cơ thể và tâm trí như mong muốn. Theo đó, người tập Yoga phải tuân thủ 8 bước, gồm: “Chế giới” - nghĩa là sự tự kiểm soát trong hành động, lời nói và suy nghĩ của mình đối với thế giới bên ngoài. “Nội chế” - tu dưỡng tâm thức, là sự thanh tịnh trong thân, khẩu và ý, nhằm phát triển nội lực bên trong. “Tọa pháp” - tạo tư thế thoải mái và ổn định, vững chắc về thân thể và điềm tĩnh về tâm trí. “Điều tức” - là sự điều chế hơi thở ra vào. “Chế cảm” - có nghĩa là kiểm soát và làm chủ các giác quan. Điều này chỉ đạt được sự hoàn hảo khi tâm thức đã được điều phục.
“Chấp trì” - là sự tập trung tâm trí vào một chỗ nhất định hay nói cách khác là chuyên tâm vào một vấn đề và không bị chi phối bởi việc gì khác. “Thiền” - còn gọi là “tĩnh lự”, là trạng thái kéo dài sự tập trung, dòng tâm thức được gán vào đối tượng một cách tự nhiên và không để bất kì hoạt động tâm thức nào khác quấy nhiễu. “Tam ma địa” - là đỉnh điểm của quá trình thiền định, hay còn được gọi là hòa nhập vào tâm thức của vũ trụ, có nghĩa là đắc đạo.
Các bác sĩ thực hành y học hiện đại đánh giá cao tác dụng của Yoga, nhất là các bác sĩ ngoại khoa khi họ nhận thấy thực hành luyện tập một thời gian ngắn cũng giúp gân tay họ khỏe hơn, tinh thần tập trung cao hơn khi thực hiện những ca mổ.
Tới nay, y học cổ truyền phương Đông đã và đang tiếp tục khẳng định vị trí trong đời sống đương đại, cả về các phương thuốc cũng như y thuật. Điều đó cho thấy đóng góp vô cùng to lớn của y học cổ truyền phương Đông vào kho tàng kiến thức y học mênh mông của nhân loại.
Một trong các chủ nhân của giải Nobel Y sinh năm 2015 được vinh danh về những thành tựu trong cuộc chiến chống lại các loại bệnh do ký sinh trùng gây ra, là nhà khoa học nữ Trung Quốc Tu Youyou với liệu pháp chữa trị sốt rét từ thảo dược cổ truyền.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có tới 150 triệu ca sốt rét, nhiều người trong số đó tử vong. Khi bắt đầu nghiên cứu vào năm 1960, bà Tu Youyou khi đó 39 tuổi.
Cùng các đồng nghiệp bà đã tiến hành nghiên cứu hơn 2.000 bài thuốc thảo dược, và tiến hành rất nhiều thử nghiệm trên chuột trước khi khẳng định hiệu quả bằng thuốc thành phẩm, vào năm 1972. Được biết, sau khi thử nghiệm thành công trên động vật, bà đã tình nguyện là đối tượng thử nghiệm đầu tiên, sau đó các thử nghiệm lâm sàng bắt đầu được thực hiện rộng rãi trên người.
Cây ngải tây hoa vàng (ngải tây ngọt) là một loại cây phổ biến có nguồn gốc châu Á. Cây có lá giống loài dương xỉ, hoa vàng rực và mùi hương gần giống mùi long não. Giáo sư Tu Youyou đã tạo ra một loại thuốc chống sốt rét rất hiệu quả từ loài cây hoang dại này.