Tối 23/12, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật Khèn; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Khai mạc Festival khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023.
Dự buổi lễ, về phía Trung ương có ông Y Thanh Hà Nie K’đăm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; các đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội; lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: Yên Bái - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, tự hào là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trở thành những nét đặc trưng, bản sắc riêng có của đất và người nơi đây.
Yên Bái sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú với những giá trị bản sắc của trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 11% dân số toàn tỉnh, sinh sống tại các địa phương trong tỉnh và tập trung đông nhất tại các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.
Tỉnh Yên Bái hiện có 3/7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - là các di sản văn hóa phi vật thể được khởi nguồn, sinh ra từ cuộc sống, lao động, sản xuất; được sáng tạo, bồi tụ trong quá trình lịch sử hình thành cộng đồng, gắn liền với đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Mông từ ngàn đời nay.
Trong đó, “Nghệ thuật khèn” và “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của đồng bào dân tộc Mông là những di sản mang đậm sắc thái văn hóa; thể hiện sự sáng tạo, trình độ nghệ thuật cũng như bản lĩnh, cốt cách, văn hóa ứng xử của người Mông trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.
Những sắc thái văn hóa độc đáo được thể hiện trong “Nghệ thuật khèn” và “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” đã và đang được đồng bào dân tộc dân tộc Mông ở Yên Bái giữ gìn với niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, xứ sở để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, tại buổi Lễ, đại biểu, nhân dân, du khách đã được thưởng thức không gian nghệ thuật đầy lắng đọng và rực rỡ sắc màu văn hóa qua chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thanh âm giữa ngàn mây”.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 Chương. Chương 1: Khát vọng non cao; Chương 2: Âm vang mây ngàn; Chương 3: Điệu khèn hội tụ với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ, diễn viên đến từ Hà Nội và Yên Bái, cùng gần 2.000 diễn viên quần chúng, nghệ nhân, các em học sinh của huyện Mù Cang Chải với sắc màu văn hóa đặc sắc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội, để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước các sản phẩm du lịch độc đáo, huyện Mù Cang Chải sẽ tái hiện Không gian Văn hóa Dân tộc Mông từ ngày 22 - 24/12; Không gian Chợ phiên từ ngày 22 - 24/12 tại thị trấn Mù Cang Chải. Ngoài ra, còn có các hoạt động giao lưu hội thi múa khèn tốp, trải nghiệm giã bánh giầy và bay dù lượn tại đèo Khau Phạ.
Dịp này, các gian hàng trưng bày sẽ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu; Văn Chấn; TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và huyện Mường La (tỉnh Sơn La). Đặc biệt đến với Mù Cang Chải dịp này, du khách còn được ngắm hoa Tớ Dày bung nở sắc hồng kín các sườn núi cao.
Lễ Công bố Quyết định và trao Chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Khai mạc Festival trình diễn khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023 được tổ chức nhằm tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng sự kiện 2 di sản văn hoá phi vật thể của người Mông của tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.
Lễ hội cũng là dịp để tỉnh giới thiệu những hình ảnh đặc sắc về văn hoá, con người, tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh Yên Bái thân thiện, mến khách, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến với Yên Bái.