Mưa lớn kèm dông lốc đã khiến tỉnh Yên Bái thiệt hại về người và tài sản. Để khắc phục những thiệt hại trên, tỉnh Yên Bái đã huy động trên 600 người để xử lý.
Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố, tính đến 16h ngày 8/9, mưa bão đã gây thiệt hại 570 nhà ở, trong đó, 2 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 3 nhà bị hư hỏng nặng; 32 nhà bị sạt lở, taluy; 306 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn; 14 nhà bị ngập nước; 6 nhà bị tốc mái trên 70%; 9 nhà bị tốc mái từ 50 đến 70%; 55 nhà bị tốc mái từ 30 - 50%; 143 nhà bị thiệt hại dưới 30%.
Mưa bão cũng làm 954,42 ha cây trồng bị thiệt hại; 205 con gia cầm, 4 con gia súc bị chết; vỡ bờ 6 ao cá ở huyện Trạm Tấu, ước khối lượng 375kg; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, giao thông bị chia cắt, khó di chuyển; 1 cầu phao dẫn vào thôn Đá Đen và thôn Khe Trầu xã An Lương (Văn Chấn), tạm thời chia cắt khoảng 30 hộ dân; nhiều hạng mục của Trung tâm y tế huyện Trạm Tấu bị vùi lấp, hư hỏng, hiện đang được khắc phục; tường rào và pano tại cổng UBND xã Việt Cường, huyện Trấn Yên bị đổ sập;
Gẫy đổ nhiều cây xanh và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái; 2 công trình thủy lợi (thủy lợi Phai Mòn, thôn Nậm Tăng, xã Thạch Lương (TX Nghĩa Lộ) vỡ, gãy 2,5m, sạt lở giáp thành kênh 8m, hiện vẫn còn nguy cơ sạt lở và gãy tại kênh chính; Thủy lợi Nà Cỏn Hươn xã Hát Lừu lũ cuốn trôi; 20 cột điện hạ thế bị đổ, gẫy; mất điện hoàn toàn tại thôn Làng Cò, xã Nậm Mười làm ảnh hưởng đến khoảng 120 hộ dân đang sinh sống;… Ước thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng.
Để khắc phục thiệt hại, trên 600 người đã được huy động tham gia, gồm: Bộ đội, dân quân và lực lượng khác. Đồng thời huy động phương tiện của Công ty quản lý đường bộ và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn (máy xúc, xe ô tô, máy bơm nước...) tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường.
Tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sĩ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ. Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.
Thời gian tới, các địa phương sẽ thăm hỏi hỗ trợ, động viên gia đình có người bị chết, người bị thương và mất nhà, tài sản. Tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; các xã, thị trấn cùng với nhân dân khẩn trương tìm quỹ đất xây dựng nhà mới cho số hộ dân bị mất nhà cửa, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa; nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lại, xúc cá, vớt củi khi có mưa lũ.
Thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ và phân bổ hỗ trợ kịp thời cho nhân dân đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan.
Tổ chức khắc phục các công trình giao thông đảm bảo thông suốt, các công trình thủy lợi đảm bảo cho sản xuất, các công trình điện, nước sạch đảm bảo đời sống nhân dân; có biện pháp khắc phục sản xuất các diện tích đất sản xuất nông nghiệp bi ảnh hưởng.
Tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm những phát sinh ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn.