Yên Bái cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng tỉnh nhà theo hướng "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".
Dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX sáng nay (23/9), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đánh giá cao những nỗ lực hành động, thành tựu đạt được của địa phương này trong nhiệm kỳ qua, và đề nghị tỉnh Yên Bái cần phấn đấu giành được những mục tiêu, kết quả quan trọng trong thời gian tới.
Những nỗ lực và thành tựu đáng ghi nhận
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng nhận định, trong khó khăn và thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, xiết chặt kỷ cương, có quyết tâm chính trị cao, năng động, dám nghĩ, dám làm, chỉ đạo sâu sát, trọng tâm các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị; đặc biệt chăm lo đời sống nhân dân.
Yên Bái đã tạo được đồng thuận trong xã hội, khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực, khát vọng vươn lên trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tốt thế mạnh của địa phương và đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Yên Bái đã có mức kinh tế tăng trưởng khá với quy mô tăng nhanh (gấp 3 lần so với năm 2015) khi chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị. Dịch vụ, du lịch phát triển nhanh, đa dạng và hình thành một số sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu, có thương hiệu trong và ngoài nước.
Yên Bái đã thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt kết quả quan trọng. Tỉnh đã nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng đô thị, nông thôn và hệ thống giao thông kết nối liên vùng đồng bộ.
Yên Bái đã trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc với trên 50% số xã và 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2 lần năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Yên Bái được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy biên chế…
Một loạt vấn đề đặt ra đối với Yên Bái hiện nay
Yên Bái cần thẳng thắn phân tích, làm rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua, đó là: Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của đồng bào các dân tộc.
Nguồn nhân lực và năng suất lao động tỉnh Yên Bái còn hạn chế, chất lượng xây dựng hệ thống chính trị và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có nơi hiệu quả còn thấp.
Yên Bái là "cửa ngõ" miền Tây Bắc có điều kiện tự nhiên, sinh thái phong phú, văn hóa đa dạng với 30 dân tộc anh em chung sống, có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông lâm nghiệp, dịch vụ đặc trưng.
Bộ Chính trị đề nghị Yên Bái có giải pháp, chỉ tiêu thiết thực, phù hợp với thực tế, phấn đấu thực hiện cho bằng được mục tiêu: Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025; nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Thường trực Ban Bí thư nêu 6 vấn đề Yên Bái cần nghiên cứu, thực hiện trong giai đoạn tới:
Thứ nhất, Yên Bái cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng tỉnh nhà theo hướng "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Nền kinh tế cần cơ cấu lại, tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Phát triển, cơ cấu lại nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch nông thôn; tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị; mỗi xã có một sản phẩm (OCOP) bảo đảm tiêu chuẩn, thương hiệu quốc gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sự hài lòng về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo gắn với đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường; phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển và tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững, trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Thứ ba, phải hết sức coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó thiên tai, dịch bệnh, coi đây là vấn đề sống còn đối với mỗi người dân; phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tăng thêm tỷ lệ che phủ rừng (hiện đang là 63%). Cùng với đó, phải quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước hồ Thác Bà, sông Hồng và các con sông trên địa bàn tỉnh – điều này góp phần rất quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, sự ổn định và phát triển bền vững của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.
Thứ tư, quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Yên Bái cần khơi dậy truyền thống đoàn kết và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".
Năm là, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Sáu là, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số một cách bài bản, chiến lược, lâu dài.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao việc Yên Bái xem xét đề ra chỉ tiêu về số đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Đây là chỉ tiêu mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ Yên Bái cần quyết tâm thực hiện thật tốt.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chính trị cao, Đại hội lần này sẽ dân chủ, sáng suốt lựa chọn được các đồng chí đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, là trung tâm đoàn kết, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Yên Bái, thực hiện thành công Nghị quyết đề ra, xây dựng Yên Bái sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.