Yên Khánh, Ninh Bình: Đầu tư công ồ ạt liệu ngân sách có 'cõng' nổi?

Bạch Dương 29/09/2021 18:11

Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình đã mời thầu 68 công trình với tổng giá trị 520 tỷ đồng trong khi dự thu ngân sách nhà nước là 595 tỷ đồng.

Ngày 28/11/2018, Chính phủ đã ký quyết định số 1642/QĐ-TT về việc công nhận huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới và đã chính thức trở thành huyện nông thôn mới thứ 3 của tỉnh Ninh Bình.

Đây là một điều đáng được ghi nhận của tập thể lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Khánh với một nỗ lực vận dụng các chính sách và chủ trương của tỉnh Ninh Bình vượt khó để vươn lên có diện mạo mới trong thời kỳ đổi mới.

Để tạo điều kiện cho các huyện về đích nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình cho phép cấp huyện về đích nông thôn mới được hưởng 100% tiền đấu giá đất để xây dựng CSHT, nhưng khi huyện Yên Khánh về đích nông thôn mới thì chính sách này đã hết hiệu lực.

Mặc dù chính sách đã hết hiệu lực nhưng huyện Yên Khánh vẫn ồ ạt triển khai đồng loạt các công trình. Hiện nay, huyện Yên Khánh như một đại công trường trong khi nguồn vốn thanh toán chi trả cho các công trình được ghi chung chung “nguồn đấu giá sử dụng đất”.

Nghị quyết về việc dự toán thu ngân sách nhà nước, thu chi của UBND huyện Yên Khánh được HĐND huyện khóa XIV, kỳ họp thứ 16 thông qua.

Dự toán thu ngân sách nhà nước là 595 tỷ đồng: thu cân đối chi thường xuyên là 76 tỷ đồng, thu sổ xố kiến thiết là 1,9 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 516 tỷ đồng.

Dự toán thu ngân sách huyện là 1.038 tỷ đồng: trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 489 tỷ đồng, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là 457 tỷ đồng, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần ngân sách địa phương được hường 32 tỷ đồng, thu bổ sung từ ngân sách cấp trên là 548 tỷ đồng.

Dự toán chi ngân sách huyện là 1.038 tỷ đồng: trong đó chi phí đầu tư phát triển là 442 tỷ đồng, chi thường xuyên là 571 tỷ đồng, dự phòng ngân sách là 22 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chính sách tiền lương là 1,3 tỷ đồng.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện Yên Khánh đã mời thầu 68 công trình với tổng giá trị 520 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá cạnh tranh siêu tiết kiệm.

Trong đó Ban QLDA huyện Yên Khánh mời thầu 47 công trình, còn lại 21 công trình do các đơn vị khác mời thầu và hiện tại còn nhiều công trình khác của huyện đang trong quá trình thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu.

Theo Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 có ghi rõ tất cả các công trình đầu tư xây dựng phải được xây dựng theo kế hoạch 5 năm một lần và phải được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua.

Dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp.

Nhìn vào dự kiến thu chi của huyện, nhiều doanh nghiệp lo lắng về khả năng thanh toán của địa phương.

Một công trình tại xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh từng bị báo chí phản ánh khi công trình thi công xong hàng cột điện vẫn hiên ngang đứng giữa đường, gây nguy cơ mất ATGT.

Theo TS Nguyễn Việt Hùng nguyên nhân gây nên nợ công từ xây dựng cơ bản đã được quy định rất rõ trong Luật Đấu thầu quy định điều kiện để tổ chức đấu thầu là Chủ đầu tư phải có nguồn vốn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thực tế nguồn vốn đó thế nào, có thật hay chỉ ghi trên giấy tờ “ảo” cho hợp pháp; các dự án có nằm trong kế hoạch vốn hay không, vẫn chưa có chế tài kiểm soát và xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm.

Trong đó Luật Xây dựng đánh giá hiệu quả của dự án còn chung chung mà cơ quan có thẩm quyền dựa vào đó ra quyết định đầu tư, dự án vẫn cứ triển khai mà thiếu vốn, dẫn đến tình trạng không thanh toán được cho nhà thầu.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc và lập lại kỉ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản nó là một giải pháp để đảm bảo và ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chính vì vậy cần thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp, trước hết là giải quyết triệt để vấn đề đầu tư dàn trải- nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản bị vượt tầm kiểm soát mất cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Như vậy, những nỗi lo của các nhà thầu đang thi công tại các đại công trường của huyện Yên Khánh lo công trình đang thi công sẽ bị lỗi hẹn thanh toán khi các tháng cuối năm đã cận kề mà chủ đầu tư chưa biết xoay sở nguồn vào đâu để chi trả là có cơ sở.

Từ thực tế trên, nếu huyện Yên Khánh không có giải pháp phù hợp thì đây sẽ là một gánh nặng đổ lên vai các nhà thầu đã và đang tham gia xây dựng tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh để tìm câu trả lời thì ông chủ tịch huyện vẫn bận họp, chưa có câu trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yên Khánh, Ninh Bình: Đầu tư công ồ ạt liệu ngân sách có 'cõng' nổi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO