Chiến lược “zero Covid” là một chính sách đã mang lại thành công cho một số quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19 hồi năm 2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm thay đổi nhiều quan điểm đối với chiến lược này.
Chấp nhận sống chung
“Zero Covid” là chiến lược đưa số ca mắc Covid-19 về 0 thông qua các biện pháp đối phó đại dịch như phong tỏa và đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia y tế ở các nền kinh tế “zero Covid” như Australia và New Zealand đã bắt đầu thảo luận về việc học cách sống chung với Covid-19 khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng. Trong khi đó, nhiều nước và vùng lãnh thổ đạt tỉ lệ tiêm chủng cao vẫn duy trì các nỗ lực theo đuổi chiến lược này.
Thủ tướng New Zealand Ardern đã nhận được nhiều lời khen ngợi trên toàn cầu vì ngăn chặn được Covid-19 ở New Zealand vào năm ngoái và đưa đất nước này trở thành quốc gia không còn ca mắc mới vào tháng 2/2021. Nhưng sự bùng phát của biến thể Delta tại New Zealand vào trung tuần tháng 8 trong bối cảnh, vẫn còn ít người được tiêm chủng đã đặt ra những nghi vấn về phương pháp khóa sổ nhanh Covid và đóng cửa biên giới đang kìm hãm nền kinh tế.
Ngày 24/8, Thủ tướng Ardern đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 thêm ba ngày (cho đến nửa đêm ngày 27/8), trong khi thành phố lớn nhất Auckland, tâm chấn của đợt bùng phát hiện tại, sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế ít nhất đến ngày 31/8. Chính sách của bà Ardern đã nhận nhiều chỉ trích từ đảng đối lập khi vẫn còn hoảng 80% trong số 5,1 triệu người New Zealand vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Ông Bryce Edwards, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Victoria, Wellington, cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Ardern đang nhận được những sự đánh giá khác nhau về phản ứng với Covid-19 giữa năm 2021 và năm 2020. Ông Bryce Edwards nói: “Khoảng thời gian này, mọi người nghi ngờ nhiều hơn về cách chính phủ xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến Covid-19, đặc biệt là việc triển khai vaccine được đánh giá là quá chậm”.
Ngày 24/8, bà Ardern đã bảo vệ chiến lược của mình với quan điểm, hiện tại không biện pháp nào tốt hơn việc phong tỏa nghiêm ngặt va tiếp tục tiêm phòng cho người dân. Tuy nhiên, bà Ardern cũng không loại trừ khả năng người dân New Zealand cuối cùng cũng phải sống chung với Covid-19.
Tại nước láng giềng Australia, Thủ tướng Scott Morrison, ngươi cũng đang chịu áp lực ngày càng lớn vì các ca nhiễm Covid-19 gia tăng và tỷ lệ tiêm chủng thấp, cũng vừa cho biết, nước này sẽ phải bắt đầu học cách sống chung với dịch bệnh.
Trước đó, Australia đã đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn. Số ca tử vong do Covid-19 của nước này không cao, ở mức dưới 1.000 ca. Song, Australia vẫn đang ở trong tình trạng phong tỏa thường xuyên và nghiêm ngặt. Lực lượng quân sự đang buộc công dân ở Sydney phải ở nhà. Thủ đô Canberra đã thông báo đóng cửa nhanh chóng sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ngay từ những ngày đầu của đại dịch. Melbourne cũng đã kéo dài đợt phong tỏa gần đây nhất.
Israel, một quốc gia sớm đạt được thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 bởi tỉ lệ chủng ngừa cao, đã phải tiên phong triển khai tiêm liều tăng cường cho những người trên 40 tuổi trong bối cảnh số ca nhiễm tăng trở lại sau khi gỡ bỏ các biện pháp giãn cách, cùng với sự hoành hành của biến chủng Delta.
Thực chất, Israel đang cố kiềm chế đợt bùng phát mới nhưng tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa, điều mà Thủ tướng Bennett nói có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế và "phá hủy tương lai đất nước". Thay vào đó, giới chức hạn chế tụ tập, tăng nhân viên bệnh viện và kêu gọi những người chưa tiêm vaccine nhanh chóng chủng ngừa.
Kiên trì theo đuổi
Trước những tác động xấu của chiến lược “zero Covid” đến nền kinh tế nhiều nước, ông Ben May, giám đốc một công ty thuộc Tập đoàn Oxford Economics nêu quan điểm, việc loại bỏ Covid-19 có vẻ kém bền vững hơn, khi khá nhiều nơi đang học cách sống chung với đại dịch. Ông Ben May cho rằng, với khả năng ngày càng tăng, Covid-19 sẽ trở thành một dịch bệnh, cùng với các chi phí thay đổi và lợi ích của viêc kiềm chế số ca mắc ở mức thấp, “zero Covid” có thể không còn là một chiến lược thực tế hoặc tối ưu trong thời gian tới.
Dù vậy, nhiều nhà chức trách và các chuyên gia y tế công cộng vẫn cho rằng, chiến lược “zero-Covid” là có thể đạt được và đáng theo đuổi. Trung Quốc đại lục đã tuyên bố tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với dịch Covid-19, bác bỏ những lời kêu gọi sống chung với Covid-19.
Bắc Kinh ngày 23/8 không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, sau khi dịch bùng phát mạnh khiến nước này phải tiến hành chiến dịch xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa nghiêm ngặt.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), các nhà chức trách cũng không tỏ ý sẽ mở cửa trở lại thời điểm này mặc dù dự kiến đạt mục tiêu 70% người trưởng thành đã tiêm chủng vào tháng tới.
Michael Baker, giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington cho biết, ông tin rằng vẫn có thể đưa số ca nhiễm về 0 trong các đợt bùng phát dịch do biến thể Delta. “Các đợt bùng phát gần đây ở Trung Quốc và Singapore dường như đã được kiểm soát, số ca bệnh giảm dần cho thấy việc đưa số ca mắc về 0 là có thể đạt được. Ở Australia, một số bang dường như đã ngăn chặn thành công các đợt bùng phát biến thể Delta, đặc biệt là Nam Australia vào tháng 6 và Queensland vào tháng 7, 8”, ông Baker nói.
Nick Wilson, giáo sư y tê công cộng tại Đại học Otago, cũng cho rằng, ông tin New Zealand sẽ kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng ông thừa nhận biến thể Delta đã thay đổi cách tính toán của nhiều quốc gia khác. “Biến thể Delta rất khó ngăn chặn và khả năng cao Australia sẽ từ bỏ chiến lược loại bỏ hoàn toàn Covid-19 trong tương lai gần”, ông Wilson nói.
Ông Peter Collignon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho rằng “cuộc chơi đã thay đổi” sau sự xuất hiện của biến thể Delta. “Tôi nghĩ “zero Covid” sẽ không xảy ra. Thực tế nó sẽ không bao giờ xảy ra cho dù chúng ta đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Có vẻ như bạn không thể loại hoàn toàn Covid-19 cho dù áp lệnh phong tỏa”, ông Collignon nói.