Cuộc giao tranh giữa các phe phái quân sự ở Sudan đã kéo dài 1 năm, dẫn đến các vụ thảm sát, nạn đói và làn sóng di cư ồ ạt ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi này.
Tính tới thời điểm này, theo Liên hợp quốc (LHQ), hơn 1/3 trong số 48 triệu người dân Sudan phải đối mặt với nạn đói ở mức độ thảm khốc do mùa màng và việc cung cấp viện trợ bị gián đoạn. Gần 230.000 trẻ em và bà mẹ mới sinh bị suy dinh dưỡng nặng sẽ phải đối mặt với cái chết trong những tháng tới nếu không được cung cấp lương thực và chăm sóc sức khỏe, theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA).
Làn sóng bạo lực kéo dài suốt hơn 1 năm qua đã khiến 8,6 triệu người Sudan phải rời bỏ nhà cửa, trở thành một trong những làn sóng người di dời lớn nhất thế giới.
Xung đột vũ trang tranh chấp quyền lực đã tàn phá thủ đô Khartoum - nơi từng là trung tâm thương mại và văn hóa lớn trên sông Nile. Các khu dân cư hoang vắng hiện ra với những tòa nhà đầy vết đạn còn những thi thể đành phải chôn trong những ngôi mộ nông. Việc đóng cửa các trường học và đại học ở một quốc gia từng thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đã gây ra điều mà LHQ gọi là “cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất thế giới”.
Trong khi đó, bạo lực tiếp tục gia tăng ở Darfur, khu vực phía Tây Sudan vốn đã bị tàn phá bởi nạn diệt chủng kéo dài hơn 20 năm. Nhà cửa bị đốt cháy và những dòng người tị nạn chạy trốn bạo lực phải vượt biên sang Chad, Nam Sudan, Ai Cập, Ethiopia và Cộng hòa Trung Phi mà không biết đến bao giờ mới có thể quay trở lại quê hương.
Theo Dự án Dữ liệu về sự kiện và vị trí xung đột vũ trang, số người chết vì cuộc giao tranh kéo dài 1 năm qua ở Sudan đã vượt quá con số 15.600 người. Trong khi LHQ và nhân viên y tế Sudan cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Tư lệnh quân đội, tướng Abdel Fattah al-Burhan, là nhà lãnh đạo trên thực tế của Sudan kể từ năm 2019. Trước đó, tướng al-Burhan từng là Tư lệnh quân đội khu vực ở Darfur, nơi 300.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải di dời trong các cuộc giao tranh từ năm 2003 đến năm 2008.
Đối thủ chính của tướng al-Burhan là tướng Mohamed Hamdan, người lãnh đạo RFS, một nhóm bán quân sự, lực lượng chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo trong cuộc xung đột ở Darfur.
Tháng 10/2021, tướng al-Burhan và tướng Hamdan bắt tay nhau giành chính quyền bằng một cuộc đảo chính quân sự, đưa họ trở thành nhà lãnh đạo Sudan và người còn lại là lãnh đạo cấp phó. Tuy nhiên, họ đã không thể thống nhất về lực lượng quân sự hai bên thành một. Vào tháng 4/2023, sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng, quân đội và RSF đã gây chiến với nhau, tạo nên cuộc tranh giành quyền lực bằng bạo lực kéo dài hơn 1 năm qua.
Sudan có vị trí then chốt tại châu Phi, với đường bờ biển dài trên Biển Đỏ, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Sudan có chung biên giới với 7 quốc gia. Bạo lực kéo dài và leo thang không chỉ tác động xấu tới tình hình trong nước mà còn gây bất ổn trong khu vực khi mà nhiều nhóm phiến quân lợi dụng tình thế đã tiến hành cướp bóc dọc biên giới. Sudan là quốc gia giàu tài nguyên, các nhóm vũ trang từ lâu đã tích luỹ tài sản nhờ âm thầm bán khoáng sản quý và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Theo nhà quan sát Alan Bosweel - chuyên gia của International Crisis Group, những gì đang diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ giới hạn ở Sudan mà có thể sẽ dẫn đến sự can thiệp lớn từ bên ngoài.
Nỗ lực dàn xếp hoà bình trở nên phức tạp hơn khi mà sự tranh giành quyền lực vẫn leo thang. Vậy, bao giờ bạo lực và sự tranh giành quyền lực chấm dứt? Vẫn theo ông Alan Bosweel, câu trả lời chỉ có được khi “hai ông tướng” Abdel Fattah al-Burhan và Mohamed Hamdan cùng nghĩ tới thảm cảnh mà người dân đã và đang phải chịu đựng. Nhưng điều đó, ở thời điểm này, vẫn chưa xuất hiện.
Sudan đã trải qua 2 cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến thứ nhất, còn được gọi là “loạn Anyanya” - theo tên những người nổi dậy, diễn ra từ năm 1955 đến 1972 giữa phía Bắc và phía Nam Sudan. Nửa triệu người đã thiệt mạng trong 17 năm giao tranh giữa các phe phái. Cuộc nội chiến lần thứ hai bắt đầu vào năm 1983, được coi là sự tiếp nối của cuộc nội chiến lần thứ nhất. Xuất phát từ miền nam, cuộc nội chiến lan rộng đến vùng các núi Nuba và Nin Xanh vào cuối những năm 1980. Khoảng 2 triệu người đã thiệt mạng do chiến tranh, nạn đói và bệnh tật gây ra bởi cuộc xung đột. 4 triệu người ở miền nam Sudan đã bị thay đổi chỗ ở ít nhất một lần trong chiến tranh. Cuộc xung đột kết thúc với việc ký kết một thỏa thuận hòa bình vào tháng 1/2005, sau 22 năm cuộc nội chiến lần thứ hai.