Trong ngày 16/12/2020, hai nhân vật “cộm cán” tại TP HCM cùng bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam. Đó là ông Tất Thành Cang và ông Diệp Dũng.
Cả hai ông này tuổi đời còn khá trẻ những đã nắm những vị trí rất quan trọng trong bộ máy, cũng như có khả năng khuynh loát về kinh tế. Rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ tội lỗi của họ, nhưng thiết nghĩ cũng cần biết thêm họ là ai.
Ông Tất Thành Cang, con đường thăng tiến và sự trả giá
Theo luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), vụ án ông Tất Thành Cang liên quan bị thiệt hại tới 153 tỷ đồng, nên mức án phải đối diện là từ 10-20 năm.
Ông Cang liên quan đến sai phạm trong việc bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). Hành vi này của SADECO được cho là gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Luật sư Long cho hay, hành vi sai phạm của ông Tất Thành Cang được quy định tại Điều 219, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo đó, phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm.
Như vậy, chỉ riêng với với “phi vụ” kể trên, mức án dành cho ông Tất Thành Cang là nhiều năm tù.
Ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971. Từng là Ủy viên Trung ương (khóa XII), Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Ông Cang là cán bộ thăng tiến nhanh, với những vị trí công tác rất quan trọng và quyền lực. Tháng 12/2018, ông Cang bị cách chức hầu hết các chức vụ, nhưng vẫn còn là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP HCM”, Đại biểu HĐND TP HCM cho đến khi bị bắt, vào chiều 16/12/2020.
Ông Cang từng tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, thạc sĩ luật. Từ tháng 12/2004 đến năm 2009, ông Cang là Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn TP HCM. Năm 2009 đến năm 2012, là Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Quận 2. Kể từ ngày 18/1/2011, ông Cang được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI. Tháng 9/2012, là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tháng 6/2014 là Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Tháng 10/2015, ông Cang được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy TP HCM. Tháng 1/2016 ông Cang trở thành Ủy viên Trung ương chính thức. Một tháng sau, ông Cang được Thành ủy phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.
Điểm qua một số mốc thời gian, cho thấy ông Tất Thành Cang rất được ưu ái, tạo điều kiện để phát triển, tuy không phải là những đợt “bổ nhiệm thần tốc” nhưng cũng rất nhanh.
Con đường thăng tiến của ông Cang chỉ chính thức bị chặn lại vào ngày 26/12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Và, sau gần 2 năm, chiều 16/12/2020, ông Tất Thành Cang bị khởi tố bị, can bắt tạm giam.
Ông Diệp Dũng, điều gì chờ phía trước?
Trước khi bị bắt, trưa ngày 16/12/2020, ông Diệp Dũng là một doanh nhân nổi tiếng và quyền lực trong giới tài chính và bán lẻ ở TP HCM.
Ông Diệp Dũng sinh năm 1968, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được giáo dục và học tập bài bản. Tốt nghiệp Đại học Y dược TP HCM nhưng ông không theo ngành y mà chọn con đường làm doanh nhân với vị trí thư ký, chủ nhiệm dự án kiêm trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu Chế xuất Tân Thuận.
Năm 1999, ông được cử đi tu nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Tài chính - Doanh nghiệp tại Mỹ. Sau đó trở về ông làm Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước, thành viên HĐQT Công ty CP Long Hậu giai đoạn 2002 - 2010.
Tháng 3/2010, ông Diệp Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) khi mới 42 tuổi. Đây cũng là thêm một dấu mốc mới, quan trọng trong trong sự nghiệp của ông này.
Ông Diệp Dũng từng được Thành ủy TP HCM chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020 và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op từ cuối tháng 8/2015. Một tháng sau, Đại hội thành viên bất thường của Saigon Co.op đã bầu ông Diệp Dũng làm Chủ tịch HĐQT của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op).
Nắm giữ nhiều nguồn vốn, tài sản cực lớn (trong đó có lô đất vàng 8.300 m2 tại trung tâm Quận 3), nhưng ông Diệp Dũng đã cố tình làm ăn sai trái; từng bị phát hiện, xử lý bước đầu. Cho đếntháng 8/2020, ông Diệp Dũng nộp đơn từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op với lý do chưa hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu Saigon Co.op được tổ chức giao phó, đặc biệt là đối với việc tăng vốn điều lệ, dẫn đến hàng loạt vấn đề không hay xảy ra; chưa hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đoàn kết và lãnh đạo tập thể Ban Chấp hành Đảng ủy Saigon Co.op.
Tháng 9/2020, ông này được điều động đến công tác tại Đảng bộ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), cho đến khi bị bắt (trưa ngày 16/12/2020).
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co-op Diệp Dũng bị khởi tố về tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng nên chế tài sẽ rất nghiêm khắc. Với phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.