Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, đến năm 2020, 95% dân cư trên toàn quốc sẽ được cung cấp nước sạch đạt vệ sinh và đến năm 2025, 100% dân cư được sử dụng nước sạch.
Nước sạch về với vùng nông thôn.
Mục tiêu hướng tới của Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn là nhằm quản lý rủi ro, khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng; bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt quy định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Với quan điểm trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động cấp nước an toàn nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 90-95% dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh. Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80 - 85%; giảm thiểu 20% bệnh tiêu chảy liên quan tới nước ăn uống.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh sẽ đạt 95% - 100%. Cùng với đó, tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 70%; giảm thiểu 30% bệnh tiêu chảy liên quan tới nước ăn uống...
Để đạt được mục tiêu trước mắt đến năm 2020, Chính phủ yêu cầu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập BCĐ cấp nước an toàn cấp tỉnh. Với việc thành lập các BCĐ cấp nước an toàn địa phương, Chính phủ kỳ vọng mọi sự cố liên quan đến vấn đề cấp nước sạch, vệ sinh môi trường... sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, kịp thời, tránh tình trạng một bộ phận lớn dân cư thiếu nước sạch sinh hoạt trong một thời gian dài, như vẫn xảy ra lâu nay tại Hà Nội và một số địa phương khác.
Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn hướng tới mục tiêu không chỉ người dân thành thị có nước sạch sinh hoạt, mà đến 2015 tất cả người dân ở cả các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng sẽ có nước sạch sinh hoạt. Vì thế bắt đầu từ 2016, chương trình này được triển khai thực hiện rộng khắp tại các đô thị, khu dân cư nông thôn... của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo đồng bộ về chính sách pháp luật trong vấn đề cấp nước an toàn. Trước mắt, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm giữa đơn vị bán buôn, bán lẻ nước sạch; nghiên cứu quy định quản lý cấp nước trong khu chung cư, khu đô thị.
Đặc biệt, các cơ quan có liên quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng quy định về cấp chứng nhận cho hệ thống cấp nước bảo đảm cấp nước an toàn bao gồm: Tiêu chí đánh giá; tổ chức đánh giá, giám sát, kiểm tra, cấp chứng nhận và quy trình tổ chức thực hiện việc cấp chứng nhận.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy định về hướng dẫn phương pháp định giá tiêu thụ nước sạch, bổ sung các chi phí có liên quan đến thực hiện các hoạt động bảo đảm cấp nước an toàn; sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình cấp nước đáp ứng yêu cầu cấp nước an toàn; sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn thiết kế công trình cấp nước có liên quan đến bảo đảm cấp nước an toàn...