Lần đầu tiên hoạt động đua cua tốc độ được địa phương tổ chức tại “Ngày hội cua Cà Mau lần thứ I – năm 2022”, sự kiện hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến xem và trải nghiệm.
Ngày 16/12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo thông tin về “Ngày hội cua Cà Mau lần thứ 1 – năm 2022”. Sự kiện sẽ chính thức diễn ra từ này 23 – 31/12 với 10 hoạt động gồm, chương trình nghệ thuật tổng hợp khai mạc Ngày hội cua; hội chợ thương mại tổng hợp, trưng bày sản phẩm OCOP; Hội thao và trò chơi dân gian; lễ hội đường phố; liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng; hoạt động kết nối du lịch, trải nghiệm; tổ chức diễn đàn với chủ đề “Giải pháp kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch tại Cà Mau”; tổ chức hội thảo đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ địa phương; tổ chức hội thảo giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau; tổ chức cuộc thi ẩm thực vua đầu bếp cua, xác lập kỷ lục 69 món ăn chế biến từ cua Cà Mau, cuộc thi cua Cà Mau lớn nhất và kết hợp nhận bằng Kỷ lục Châu Á “Lẩu mắm U Minh”.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, sự kiện diễn ra nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu cua Cà Mau và các loại đặc sản của địa phương đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ,… gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm, liên kết hợp tác. “Ngày hội Cua Cà Mau – Lần thứ I năm 2022” được tổ chức với các hoạt động nói trên, với kỳ vọng quảng bá thương hiệu địa phương, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển các ngành nghề.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau cho hay: “Ngày hội cua Cà Mau diễn ra từ ngày 23 – 31/12 tới đây. Sự kiện diễn ra nhằm kết hợp giới thiệu điểm đến, kết nối mua bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, góp phần giúp ngày hội trở nên nhộn nhịp. Đặc biệt, Ban tổ chức còn tổ chức lễ hội đua cua tốc độ, hiện đã có 25 cá nhân đăng ký với 125 con cua tham gia; trình diễn hoạt động trói cua; hoạt động xác lập kỷ lục 69 món ăn được chế biến từ cua. Ngoài ra, sự kiện còn có các hoạt động để du khách trải nghiệm du lịch như hoạt động câu cua, chế biến các món ăn từ cua diễn ra xuyên suốt trong thời gian tổ chức”.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Tỉnh Cà Mau có trên 250 nghìn ha nuôi cua, với sản lượng khoảng 25.000 tấn, doanh thu 10.000 tỷ đồng/năm. Qua khảo sát, hiện địa phương đã chuẩn bị khoảng 260 – 300 tấn cua để phục vụ hoạt động này. Về giá cua, hiện nay, cua gạch khoảng 500.000 đồng/kg. Do lễ hội trùng vào dịp giáng sinh nên dự kiến giá cua sẽ tăng lên. Để đảm tốt cho sự kiện, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra khâu lưu thông, tránh cua kém chất lượng từ ngoài nhập vào, ảnh hưởng đến sản phẩm cua Cà Mau”.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xác định, nhìn lại năm 2022 là một năm có nhiều biến động, khó khăn về nhiều mặt. Điều đó, đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm chỉ đạo của cấp uỷ chính quyền nên tỉnh Cà Mau đã đạt, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
“Ngày hội cua Cà Mau lần thứ I – năm 2022 cũng là một trong sự kiện được tỉnh đưa vào mục tiêu phục hồi kinh tế sau những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ý nghĩa phục hồi các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, sự kiện còn là dịp tôn vinh cua Cà Mau – sản vật được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Đồng thời, sự kiện tạo sinh khí đón mừng năm mới và chuẩn bị những kế hoạch lớn hơn trong năm 2023”, ông Sử nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông qua sự kiện này, địa phương mong muốn, người dân tỉnh Cà Mau thấy được sự phấn đấu, nỗ lực của tỉnh trong việc vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2022 – một năm đầy biến động để đạt được những thành tựu trong phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Sự kiện “Ngày hội cua Cà Mau lần thứ I – năm 2022” còn là dịp để địa phương tổ chức nhiều hội thảo nhằm đánh giá những khó khăn, thách thức đã qua, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục để phát huy tiềm năng du lịch của Cà Mau trong thời gian tới. Đồng thời, giới thiệu những sản phẩm tiềm năng, thông qua việc chứng nhận giá trị, truy xuất nguồn gốc khi lưu thông trên thị trường giúp cho người tiêu dùng tin tưởng hơn về sản phẩm.
“Trong 10 hoạt động của sự kiện, đã có khoảng 8 hoạt động được tổ chức nhằm để kích cầu du lịch. Qua sự kiện lần này, tỉnh Cà Mau vừa tạo thuận lợi cho du khách đến Cà Mau, vừa quảng bá hình ảnh các sản phẩm đặc trưng hiện có của địa phương. Tỉnh Cà Mau chủ trương tìm biện pháp hỗ trợ tối đa cho du khách và người dân bằng việc cài đặt phần mềm CaMau-G để tìm hiểu, phản ánh về những thông tin trong phát triển kinh tế, xã hội của Cà Mau”, ông Sử nhấn mạnh.