Ngày 14/12, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học tổ chức đã tổ chức Hội nghị xét duyệt hiện vật Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2023. Tại Hội nghị này, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức xét duyệt 100 hồ sơ cho 133 hiện vật và nhóm hiện vật lịch sử trong tổng số 1.131 hiện vật sưu tầm năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Thạc sĩ Chu Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện vật được lựa chọn xây dựng hồ sơ đều là những hiện vật có giá trị, có đầy đủ cơ sở pháp lý và có khả năng bảo quản lâu dài. Nhiều hiện vật gắn với hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Nhiều hiện vật là những văn bản quan trọng có bút tích của các vị lãnh đạo như: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định. Nhiều hiện vật là kỷ vật gắn với quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Mặt trận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: Hiện vật về Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; kỷ vật của Giáo sư Nguyễn Văn Chì, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn-Gia Định, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh.
Khối hiện vật này khá phong phú, đa dạng phản ánh sự nghiệp hoạt động cách mạng đồng thời phản ánh tài năng của các đồng chí lãnh đạo Mặt trận trên nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó là những vật dụng của các cán bộ, chiến sĩ sử dụng vốn là chiến lợi phẩm thu được của quân đội Mỹ hay là vật dụng tự chế từ vỏ vũ khí của quân đội Mỹ thể hiện tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Một số hiện vật gắn với kỷ niệm về một thời chiến đấu, hy sinh gian khổ, hào hùng như kỷ vật của Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Lan Khanh, nhật ký của ông Hồ Hữu Nhựt, hiện vật của bà Nguyễn Thị Thu Nhàn, hiện vật của bà Trần Mỹ Quý… Những ghi nhận khen thưởng của Đảng, Nhà nước về đóng góp to lớn và thành tích xuất sắc của các cán bộ Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. …
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Khoa học Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao sự cố gắng và nỗ lực của cán bộ Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vượt qua khó khăn để sưu tầm và xây dựng hồ sơ hiện vật đưa ra Hội đồng khoa học xét duyệt.
Tập hồ sơ được chuẩn bị công phu, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, có độ chính xác và tin cậy cao, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng xét duyệt lựa chọn nhập kho cơ sở- khâu mở đầu quan trọng cho các bước tiếp theo của hoạt động Bảo tàng.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Khoa học Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét: Trong số 133 hiện vật xét duyệt lần này nhiều hiện vật tiêu biểu, có giá trị lịch sử, khoa học, pháp lý đặc biệt là khối hiện vật của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
Nhận định về vấn đề này, Ths. Dương Thị Hằng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng khoa học Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, ngoài những hiện vật phản ánh sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng, việc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chú ý sưu tầm cả những hiện vật, kỷ vật liên quan đến cuộc sống đời thường của các đồng chí lãnh đạo Mặt trận và cán bộ Mặt trận trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với những câu chuyện cảm động khai thác được từ lời kể nhân chứng sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khách tham quan.
Kết luận Hội nghị, ông Chu Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học đã trân trọng cảm ơn sự đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của Hội đồng và đề nghị Bảo tàng MTTQ Việt Nam bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hiện vật và nhập hiện vật vào kho Bảo tàng theo quy định.
Hội đồng Khoa học Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất thông qua 100 hồ sơ với 133 hiện vật, nhóm hiện vật được xét duyệt đủ điều kiện nhập kho Bảo tàng. Đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng nhằm đảm bảo hơn nữa tính pháp lý, khoa học và nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ hiện vật.