Trong năm 2024, do thời tiết không thuận lợi nên lưu lượng nước về các hồ chứa thấp hơn trung bình nhiều năm, gây khó khăn cho công tác sản xuất điện của 3 nhà máy Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3. Tuy nhiên Công ty vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 472 tỷ đồng.
Nỗ lực vượt khó vươn lên
Trong năm 2024, thời tiết chuyển biến bất thường, lưu lượng nước về các hồ chứa do Công ty thủy điện Buôn Kuốp quản lý thấp hơn trung bình nhiều năm. Do đó, công tác sản xuất điện của 3 nhà máy Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3 tương đối khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, tổng sản lượng điện cả năm 2024 của Công ty thủy điện Buôn Kuốp đạt 2.538 triệu kWh, tương ứng 94% kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn thực hiện tốt công tác thị trường điện, đảm bảo tăng doanh thu, lợi nhuận. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nhiệm vụ tối ưu hoá chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh… đều đạt và vượt so với kế hoạch. Năm 2024, đơn vị đóng góp ngân sách Nhà nước cho 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông phí dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 472 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là 266 tỉ đồng, còn lại là ở địa bàn Đắk Nông và Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam. Đây là mức đóng ngân sách Nhà nước ở mức cao nếu xét trên những khó khăn, thử thách mà công ty gặp phải trong năm 2024.
Ông Trần Văn Khánh – Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp - cho biết: Trong hơn 15 năm vận hành khai thác, công ty luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị, công trình. Nhờ vậy, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, đơn vị đã sản xuất và cung cấp lên lưới điện quốc gia sản lượng điện hơn 39 tỉ kWh, điện lượng bình quân năm tương đương giá trị thiết kế. Đặc biệt có năm đạt hơn 3,5 tỉ kWh, bằng 134% sản lượng thiết kế.
“Từ khi các nhà máy được đưa vào vận hành phát điện, Công ty đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 6.200 tỉ đồng. Mỗi năm, việc đóng ngân sách được duy trì và tăng trưởng đều đặn. Đây là nỗ lực rất lớn của ban giám đốc cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên của công ty. Hiện, công ty đang là một trong những doanh nghiệp đóng góp ngân sách Nhà nước thuộc diện cao ở địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông”, ông Khánh nói thêm.
Đảm bảo an toàn, giúp người dân sản xuất ổn định
Ông Trần Văn Khánh – Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, trong trong mùa khô 2024, công ty đã chủ động làm việc với chính quyền 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để thống nhất kế hoạch chạy máy xả nước về hạ du phục vụ nhu cầu sinh hoạt và khai thác nông. Từ đó, công ty xây dựng kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa gửi đến UBND 2 tỉnh để chỉ đạo và thông báo đến nhân dân vùng hạ du các hồ chứa được biết và có kế hoạch khai thác nông nghiệp phù hợp.
Quá trình điều tiết nước trong suốt mùa cạn, công ty luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan nông nghiệp của địa phương. Các hồ chứa đều xả nước về hạ du đáp ứng theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa. “Chúng tôi hoạt động không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu mà là việc quan tâm tới an toàn của bà con vùng hạ du cũng như hoa màu đang canh tác của họ. Vì lẽ đó, trước mùa mưa bão, công tác bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du được công ty hết sức chú trọng”, ông Trần Văn Khánh – Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp khẳng định.
Theo ông Khánh, trong mùa mưa lũ, ban giám đốc công ty đã cho người kiểm tra 13 trạm cảnh báo lũ dọc đoạn sông phía hạ lưu Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp, kiện toàn bộ máy chỉ huy, tiểu ban kỹ thuật, đội xung kích xả lũ. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát hành lang thoát lũ vùng hạ du, nhắc nhở bà con di dời tài sản và thu hoạch hoa màu một khi mưa lũ xảy ra. Đặc biệt, các hồ chứa tuyệt đối không được xả lũ bừa bãi, gây mất an toàn cho người dân vùng hạ du.
Song song với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện năng, Công ty thủy điện Buôn Kuốp luôn dành sự quan tâm cho công tác an sinh xã hội. Năm 2024, đơn vị đã hưởng ứng nhiều chương trình hỗ trợ do các cấp chính quyền địa phương phát động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Trong đó, nổi bật với các hoạt động như ủng hộ người nghèo, hỗ trợ buôn đồng bào kết nghĩa dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ quỹ nạn nhân chất độc da cam, Hội người cao tuổi, xây dựng nhà tình nghĩa … Tổng các khoản kinh phí hỗ trợ năm 2024 của đơn vị dành cho các chương trình an sinh xã hội là hơn 1,2 tỉ đồng.