Bình quân một ngày TP Hà Nội tiếp nhận, xử lý khoảng 40 phản ánh chuyển đến sở, ban, ngành liên quan hoặc trả về đúng địa phương giải quyết. Số phản ánh kiến nghị qua ứng dụng iHanoi đang tăng nhanh từ đầu tháng 8/2024.
Người dân đánh giá cao
Ngay sau khi UBND TP Hà Nội chính thức vận hành ứng dụng “Công dân Thủ đô số – iHanoi”, nhiều người dân Thủ đô đã cài đặt ứng dụng này để trải nghiệm. Đa số người dùng đánh giá, iHanoi với nhiều tính năng nổi bật, hữu ích và rất tiện lợi, dễ sử dụng.
iHanoi là một trong những ứng dụng, nền tảng trực tuyến Đề án 06 của UBND TP Hà Nội nhằm thực hiện Đề án 06/Chính phủ. Ứng dụng iHanoi có 4 chức năng lớn, trong đó, “Phản ánh, kiến nghị” với mục phản ánh hiện trường; phản ánh thủ tục hành chính; đăng ký tiếp công dân giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng, thuận tiện hơn ngay trên môi trường số mà không phải đến tận cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong từng lĩnh vực thuộc hệ thống chính quyền Thủ đô như cách truyền thống là gặp trực tiếp.
Bên cạnh đó, mục “Tiện ích đô thị thông minh” có các nhóm chức năng liên quan đời sống của người dân, bao gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, thông tin quy hoạch sử dụng đất, thanh toán trực tuyến, giải trí, du lịch...Đối với chức năng “Truyền thông, tin tức” (Hanoi News), người sử dụng được cung cấp các thông tin hữu ích, cảnh báo, tuyên truyền hữu ích từ đa lĩnh vực tới người dân Thủ đô. Ngoài ra, chức năng sáng kiến, góp ý giúp người dân có thể gửi các ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho việc phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Anh Minh Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Ứng dụng này rất hữu ích đối với công việc hướng dẫn viên du lịch của tôi. iHnoi giúp tôi có thể giới thiệu cho khách những danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Tôi cũng có thể giới thiệu cho du khách biết thêm ẩm thực rất đa dạng và phong phú của Hà Nội khi vào chức năng bản đồ OCOP trên iHanoi. Hay nhờ ứng dụng này tôi có thể gửi những phản ánh hiện trường tình hình giao thông tới cơ quan chức năng khi đang tham gia giao thông” - anh Trung, cho biết.
Trong khi đó, chị Ngân Ánh (Sóc Sơn, Hà Nội) đánh giá, chức năng Hanoi News của ứng dụng iHanoi cung cấp cho người dân nhiều thông tin chính thống về Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung thông. “Việc tiếp cận các thông tin chính thống sẽ góp phần hạn chế tin giả lây lan trên mạng xã hội, nhất là không để những phần tử xấu lôi kéo, dụ dỗ”, chị Ánh cho hay.
Anh Quang Linh, một sinh viên đại học tại Hà Nội chia sẻ, “tôi có thể dùng tiện ích giải trí trên ứng dụng iHanoi, dùng để tra cứu tuyến xe hay đăng ký vé tháng xe buýt trên ứng dụng rất tiện”.
Là người tham gia trực tiếp vào việc thực hiện giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng iHanoi, ông Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND quận Long Biên cho rằng, ứng dụng iHanoi ra đời đã trở thành cầu nối giúp chính quyền và người dân Hà Nội gần với nhau hơn. Thông qua iHanoi, nhiều người dân đã phản ánh về một số vấn đề về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị (chủ yếu là xe ô tô đỗ sai quy định ở lòng, lề đường), giao thông, cháy nổ… ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Từ những phản ánh đó, chính quyền địa phương hoặc các cơ quan liên quan đã tiếp nhận, xử lý và phản hồi kết quả cho người dân biết.
Trên 70% kiến nghị được xử lý
Theo Trung tâm Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội, từ khi ứng dụng iHanoi ra mắt đến nay, đã có 2.350 phản ánh kiến nghị hiện trường. Trong đó, 1.654 phản ánh kiến nghị được xử lý, đạt 70,4%; 180 phản ánh kiến nghị đã từ chối (7,6%); 272 phản ánh kiến nghị đang xử lý (11,6%); 244 phản ánh kiến nghị đang chờ xử lý (10,4%).
Đến ngày 8/8, có 247 phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính. Trong đó, 42 phản ánh chờ xử lý (17%); 99 phản ánh chuyển xử lý (40,1%); 23 phản ánh đã xử lý (9,3%); 83 phản ánh đã từ chối. Số phản ánh từ chối hầu hết do đề nghị giải quyết khiếu nại về thủ tục đất đai; gửi thông tin không rõ ràng.
Về công tác triển khai hoàn thiện ứng dụng, hiện đã bổ sung 40 điểm camera giao thông trên ứng dụng iHanoi. Dự kiến, TP Hà Nội sẽ sớm hoàn thiện đọc mã Qrcode của thẻ CCCD; hoàn thiện chức năng tiếp nhận sáng kiến Thủ đô; đưa ví điện tử vào phục vụ thanh toán trực tuyến…
Văn phòng UBND TP Hà Nội đã tổ chức cấp, tạo tài khoản cho công chức, viên chức trong TP: 61/61 cơ quan, đơn vị (30 quận, huyện, thị xã và 31 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc) đã tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện trường trên iHanoi. Đồng thời, triển khai hướng dẫn, bàn giao quyền quản trị cho phép tạo mới, phân quyền tài khoản cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết, xử lý phản ánh kiến nghị. Tính đến thời điểm 15/8/2024, đã có hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức cài đặt ứng dụng iHanoi; hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi. Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện, hoàn thành đúng hạn.
Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, theo khảo sát ý kiến đánh giá phản ánh kiến nghị của người dân về mức độ hài lòng, chấp nhận vẫn chiếm tỷ lệ ổn định khoảng 65,6%; mức độ chưa hài lòng chiếm tỷ lệ khoảng 34,4%. Rà soát kết quả số phản ánh kiến nghị được người dân đánh giá chưa hài lòng, theo đánh giá khách quan có khoảng 10% trong số đó thực sự chưa đạt yêu cầu. Do hầu hết cung cấp nội dung kết quả xử lý người dân còn chung chung, chưa có hình ảnh hoặc văn bản chứng minh; hoặc quên không đánh câu trả lời.
Thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu để thiết kế giao diện quản lý thuận tiện hơn; tổ chức đào tạo, hướng dẫn cán bộ công nghệ thông tin, các lực lượng tham gia triển khai ứng dụng iHanoi tại cấp cơ sở. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung một số tính năng trên ứng dụng iHanoi. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi, trong đó sẽ quan tâm, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng của TP Hà Nội đẩy mạnh, tăng cường các kênh tương tác với người dân mà đặc biệt là người trẻ thông qua ứng dụng iHanoi.