Năm 2022 đi qua với nhiều biến động, đặc biệt tác động xấu từ khủng hoảng kinh tế dẫn đến lạm phát, hậu Covid-19 kéo dài, những “cơn bão địa chính trị”... đã làm chính phủ nhiều nước chao đảo. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, thật ngạc nhiên là năm 2022 đã chứng kiến sự “xuất hiện phi thường” của những nhà lãnh đạo nữ, tuy rằng không phải ai cũng thành công. Trên thế giới chưa bao giờ trong một năm lại có nhiều nữ lãnh đạo đến vậy. Trong đó phải kể đến Thủ tướng Anh, Thủ tướng Italy, Thủ tướng Pháp, Tổng thống Ấn Độ và Tổng thống Peru.
Nữ Thủ tướng thứ 3 của Vương quốc Anh
Sau nhiều áp lực, ngày 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải tuyên bố từ chức. Thủ tướng Johnson đã không chịu nổi sức ép trước nhiều cáo buộc nhắm tới ông. Sóng gió bủa vây, đỉnh điểm là vào ngày 6/7, hơn 50 quan chức chính quyền Anh từ chức.
Cuộc đua vào ghế Thủ tướng bắt đầu ngay khi ông Johnson tuyên bố từ chức. Nhiều ứng cử viên xung trận nhưng chốt lại còn hai người là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss. Vào phút chót, bà Truss đã vượt lên và trở thành Thủ tướng thứ 56 và là nữ Thủ tướng thứ 3 của Vương quốc Anh và Bắc Ireland (sau bà Margaret Thatcher - Thủ tướng từ 1979-1990) và bà Theresa May - Thủ tướng từ 2016-2019). Nhưng, đáng tiếc sự nghiệp của bà Truss không được như hai “nữ tiền bối” của mình.
Sinh năm 1975 tại Oxford trong một gia đình bố là giáo sư toán học và mẹ là y tá, bà Truss tốt nghiệp Đại học Oxford năm 1996. Năm 2000, bà kết hôn với ông Hugh O'Leary - một kế toán viên, họ có hai con.
Trước khi trở thành Ngoại trưởng Anh, bà Truss từng giữ chức Thứ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Môi trường, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Thương mại quốc tế.
Bà Truss nhận được nhiều kỳ vọng sẽ đưa nước Anh ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lạm phát trên 10%. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, bà Truss đã đưa ra kế hoạch xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng, Chính phủ sẽ đình chỉ kế hoạch tăng mức trần hóa đơn năng lượng lên 80% nhằm hỗ trợ các hộ gia đình đang đối mặt với giá cả tăng cao. Tuy nhiên, liệu pháp sốc này cũng lại là nguyên nhân khiến bà Truss phải ra đi chỉ sau 44 ngày ngồi ghế Thủ tướng.
Ngày 20/10/2022, bà Truss tuyên bố từ chức, trở thành vị Thủ tướng tại vị thời gian ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Nguyên nhân trực tiếp khiến bà Truss phải ra đi là sai lầm về chính sách kinh tế nhưng sâu xa, theo giới quan sát, đó là do đảng Bảo thủ không còn bất kỳ niềm tin nào vào năng lực lãnh đạo, năng lực xử lý khủng hoảng của bà. Truyền thông nước Anh mô tả tình thế của bà Truss là “Thủ tướng có văn phòng nhưng không có quyền lực”.
Theo nhà sử học Anthony Seldon, kể từ khi kỷ nguyên chính trị hiện đại bắt đầu vào năm 1832, nước Anh chưa từng chứng kiến nhiều xáo trộn và bất ổn như năm 2022, mà khởi nguồn từ sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) vào năm 2016. Chỉ trong vòng 1 năm, nước Anh lần lượt có tới 3 Thủ tướng.
Việc bà Truss buộc phải từ chức chỉ sau vỏn vẹn 44 ngày cầm quyền đã mở đường để ông Rishi Sunak "tiếp quản" ghế Thủ tướng. Ông Sunak được coi là “nhân vật đặc biệt” khi ông chính là người trước đó chưa đầy 2 tháng đã bị bà Liz Truss loại khỏi đường đua đến ghế Thủ tướng.
Ngày 25/10, sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham, ông Sunak chính thức thay bà Truss để trở thành Thủ tướng thứ 57 của nước Anh. 42 tuổi, ông Sunak là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong nền chính trị hiện đại Anh, là Thủ tướng da màu và cũng là Thủ tướng gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử nước Anh.
“Kế tục sự nghiệp dang dở” của bà Liz Truss, ông Sunak đang nhận được nhiều kỳ vọng đưa kinh tế nước Anh không bị rơi vào suy thoái, khi mà cuối năm 2022, lạm phát ở quốc gia này vẫn hơn 10%.
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy
Ngày 22/10/2022, bà Giorgia Meloni, sinh năm 1977, tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy. Như vậy, bà Meloni sẽ dẫn dắt chính phủ cánh thiên hữu nhất của nước này kể từ thế chiến thứ hai, đặc biệt là giai đoạn kinh tế rất khó khăn.
Liên minh trung hữu bao gồm đảng Anh em Italy (FdI) của bà Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và Forza Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử cuối tháng 9/2022. Tới ngày 21/10, Tổng thống Sergio Mattarella đã giao cho bà Meloni nhiệm vụ thành lập chính phủ mới, với 24 bộ trưởng thuộc các đảng phái khác nhau.
“Chính phủ liên minh của chúng tôi sẽ đối mặt nhiều thách thức, cả ở cấp quốc gia và quốc tế, như lạm phát tăng, nợ công cao, khủng hoảng năng lượng, cải cách châu Âu và sự chia rẽ về vấn đề xung đột Ukraine. Nhưng bằng sự quyết tâm, chúng ta sẽ cùng nhau đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và tiến về phía trước” - bà Meloni phát biểu tại phiên họp đầu tiên của chính phủ mới do bà lãnh đạo.
Ngay sau khi bà Meloni tuyên bố nhậm chức, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã là người đầu tiên lên tiếng chúc mừng. "Xin chúc mừng bà Giorgia Meloni được bổ nhiệm làm Thủ tướng Italy, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Tôi tin tưởng và mong muốn được hợp tác mang tính xây dựng với chính phủ mới của bà Meloni về những thách thức mà chúng ta cùng nhau đối mặt" - Hãng tin AFP dẫn lời bà Ursula.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu - ông Charles Michel, cũng hoan nghênh bà Meloni trở thành Thủ tướng mới của Italy và kêu gọi bà "cùng nhau làm việc vì lợi ích của Italy và EU".
Như vậy có thể thấy, vai trò của Italy là rất quan trọng với châu Âu.
Việc bà Meloni trở thành Thủ tướng được truyền thông châu Âu mô tả như một “hành trình ngoạn mục tới đỉnh cao”. Bà Meloni xuất thân từ gia đình bình dân và gia nhập đảng Anh em Ý. Xuất thân khiêm tốn là điều rất bất lợi ở một đất nước mà danh tiếng của gia đình rất được coi trọng trong giới chính trị gia. Tuy nhiên, giới quan sát chính trường Italy cho rằng, bà Meloni là người giỏi giấu mình, “không bộc lộ một cách rõ ràng” khát vọng chính trị cháy bỏng.
Vào năm 2019, bà Meloni đã có một bài phát biểu để định nghĩa về mình. "Tôi là phụ nữ, tôi là một người mẹ, tôi là người Italy và bạn không thể tước bỏ điều đó khỏi tôi" - bà nói trước những người ủng hộ ở Rome.
Lúc bấy giờ cũng ít người chú ý, kể cả việc vào năm 2008 bà đã trở thành bộ trưởng trẻ nhất Italy. Thời gian lặng lẽ trôi qua, tới năm 2022, người phụ nữ 45 tuổi theo chủ nghĩa dân tộc đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy. Hành trình vươn tới đỉnh cao của bà Meloni được giới quan sát cho rằng gắn liền với sự ủng hộ tăng vọt của công chúng đối với đảng Anh em Italy, mà phần lớn phụ thuộc vào bà Meloni.
Lúc nhỏ, bà Meloni được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đơn thân trong một khu lao động ở thủ đô Rome, sau khi người cha bỏ hai mẹ con bà ngay sau khi bà được sinh ra. Trong cuốn tự truyện năm 2021, "Tôi là Giorgia", bà Meloni cho biết bà đã tìm thấy một “gia đình” mới ở tuổi 15 khi tham gia nhóm thanh niên của đảng Phong trào Xã hội Italy (MSI), được thành lập vào năm 1946 bởi những người ủng hộ nhà độc tài phát xít Benito Mussolini.
Nhà hoạt động Fabio Rampelli của đảng này đã “tìm thấy” năng lực tiềm tàng của cô gái trẻ Meloni. Ông đã trực tiếp “bảo ban” với hy vọng cô học trò sẽ trở thành người đại diện cho thế hệ chính trị gia bảo thủ mới. "Ý tưởng của tôi là một chính phủ cánh hữu, không liên quan gì đến chủ nghĩa phát xít những năm 1930. Meloni với mái tóc vàng, mắt xanh, nhỏ nhắn, dễ gần và hóm hỉnh. Cô ấy cũng rất thực dụng và có tất cả những đặc điểm chúng tôi cần để đưa vị thế của nước lên một tầm cao mới" - ông Rampelli nói với hãng tin Reuters sau khi bà Meloni đắc cử.
Giới chính trị châu Âu cho rằng thành công của bà Meloni nằm ở các giá trị mới lạ mà bà thổi vào thế giới chính trị cũ kỹ của Italy, cùng với sự kiên định và phong cách không khoan nhượng. Phong cách mạnh mẽ của bà Meloni cũng được thể hiện qua việc bà coi mình phải có sứ mệnh “như một bức tường thành” chống lại các tập đoàn quốc tế, những thế lực “làm suy giảm nền kinh tế và giá trị đạo đức của dân tộc”.
Là Thủ tướng, bà Meloni nói với truyền thông rằng "khi bạn là phụ nữ, bạn thường bị đánh giá thấp, và chính điều đó có thể sẽ mang lại lợi thế cho bạn”.
Người phụ nữ thứ hai trong lịch sử chính trị nước Pháp
Ngày 16/5/2022, bà Elisabeth Borne chính thức trở thành Thủ tướng nước Pháp; là nữ Thủ tướng của Pháp trong vòng 30 năm và cũng là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử chính trị nước Pháp giữ chức vụ này. Nữ Thủ tướng đầu tiên của Pháp là bà Edith Cresson (từ tháng 5/1991 đến tháng 4/1992), dưới thời Tổng thống Francois Mitterand.
Bà Elisabeth Borne, 61 tuổi, sinh ra tại Paris. Mẹ bà - bà Marguerite Lecesne, người Pháp, là một dược sĩ còn cha bà - ông Joseph Bornstein, là một người Do Thái Ba Lan di tản sang Pháp từ đầu Chiến tranh thế giới thứ 2. Năm lên 11 tuổi, cha bà qua đời, bà nhận trợ cấp giáo dục "học sinh của Quốc gia" do nhà nước cấp cho những trẻ vị thành niên có cha mẹ bị thương hoặc thiệt mạng trong chiến tranh, một cuộc tấn công khủng bố hoặc trong khi cung cấp các dịch vụ công cộng nhất định. Bà Borne học trung học tại Lycée Janson de Sailly ở Paris. Sau đó, bà vào học tại Bách khoa Paris và tốt nghiệp kỹ sư xây dựng. Năm 1986, bà bắt đầu học tại Trường Collège des Ingénieurs, nơi bà lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Trong bài phát biểu ngắn gọn đầu tiên của mình sau buổi bàn giao công việc với người tiền nhiệm Jean Castex tại điện Matignon, bà Elisabeth Borne đã đề cập tới những ưu tiên trong chính sách, trong đó có thương mại và chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt bà muốn truyền cảm hứng cho tất cả các trẻ em gái để theo đuổi ước mơ của mình. Bà Borne nói: "Không gì có thể ngăn cuộc đấu tranh giành vị trí của phụ nữ trong xã hội. Tất cả những cô gái nhỏ nên thực hiện ước mơ của mình".
Sau khi bà Borne trở thành Thủ tướng, một thăm dò dư luận cho biết 74% người Pháp cho biết họ muốn có nữ Thủ tướng.
Việc bà Borne trở thành Thủ tướng đã mở đường cho một cuộc cải tổ nội các được trông đợi từ lâu của Tổng thống Emmanuel Macron, theo hướng ít bộ trưởng hơn, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính sách xã hội và phát triển xanh. Bà Borne đã mô tả rằng cá nhân mình được thúc đẩy bởi sự hiệu quả, thay vì quá bận rộn với "ánh đèn sân khấu".
"Đối với tôi, làm chính trị không phải là để mọi người nói về tôi như thế nào, mà là về việc cống hiến hết mình để thực hiện các dự án phục vụ đất nước của tôi" - bà Borne nói với đài France Inter, và thêm rằng "chính trị không phải là để đẩy bản thân tôi ra trước sân khấu".
Nguyên thủ của đất nước tỷ dân
Việc bà Droupadi Murmu trở thành nữ Tổng thống thứ hai của Ấn Độ, sau bà Pratibha Patil (nhiệm kỳ 2007-2012), gây tiếng vang rất lớn, bởi Ấn Độ là đất nước có dân số tương đương Trung Quốc và là quốc gia đang vươn lên rất mạnh mẽ. Ngày 24/7, bà Murmu chính thức kế nhiệm cựu Tổng thống Ram Nath Kovind.
Bà Murmu, 64 tuổi, một thành viên của bộ tộc Santhal ở miền Đông Ấn Độ. Chúc mừng chiến thắng của bà Murmu, Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter: "Người phụ nữ sinh ra trong một cộng đồng thổ dân ở một vùng xa xôi đã được bầu làm Tổng thống của chúng tôi. Những khó khăn ban đầu của bà ấy, sự tận tuỵ và thành công mẫu mực của bà ấy là động lực thúc đẩy người dân Ấn Độ. Bà ấy đã vươn lên trở thành tia hy vọng cho những người dân của chúng tôi, nhất là người nghèo, người bị thiệt thòi và áp bức".
Đối thủ của bà Murmu, cựu Bộ trưởng Tài chính Yashwant Sinha, cũng đã chúc mừng bà và bày tỏ hy vọng bà sẽ hoạt động như “một người bảo vệ Hiến pháp mà không sợ hãi hay thiên vị”. Ông Samir Mohanty - Chủ tịch đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) tại bang Odisha, nơi có làng Uparbeda - quê hương bà Murmu, thì phấn khởi nói: “Kể từ khi độc lập, không ai thuộc cộng đồng bộ lạc đa dạng ở Ấn Độ hiện diện ở cấp độ này”. Còn ông Salkhan, nhà hoạt động cộng đồng tại Ấn Độ nói: “Chiến thắng của bà Murmu là chiến thắng của chúng tôi về văn hóa và truyền thống”.
Trong khi đó tờ India Xpress mô tả việc bà Murmu trở thành Tổng thống của đất nước tỷ dân là “bằng chứng của sự đoàn kết các dân tộc”.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội sau khi tuyên thệ, bà Murmu nhấn mạnh chiến thắng của mình trong cuộc bầu cử “là bằng chứng cho thấy người nghèo ở Ấn Độ có thể ước mơ và biến các ước mơ đó thành hiện thực”. Đồng thời cho biết trên cương vị Tổng thống bà sẽ tập trung vào phúc lợi cho những người chịu thiệt thòi.
Sinh ra trong một gia đình thuộc bộ tộc Santhal ở bang Odisha, bà Murmu từng là cô gái đầu tiên ở làng Uparbeda (bang Odisha) đến được ngưỡng cửa đại học và lấy bằng cử nhân nghệ thuật của Trường Nữ sinh Ramadevi ở Bhubaneswa.
Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, bà Murmu đã bộc lộ những phẩm chất vô cùng quý giá. Bà từng thất bại khi tham gia cuộc bầu cử từ khu vực bầu cử Mayurbhanj năm 2009, trùng với giai đoạn đau buồn trong đời sống cá nhân: bà mất con trai cả Laxman Murmu vào năm 2009, con trai nhỏ Sippun Murmu vào năm 2013, sau đó là người chồng Shyam Charan Murmu vào năm 2014.
Nhưng bà đã tự đứng dậy và trở thành nữ Thống đốc đầu tiên của Jharkhand vào năm 2015.
Theo Hiến pháp Ấn Độ, chức vụ Tổng thống thiên về lễ nghi, còn thực quyền điều hành đất nước thuộc về Thủ tướng. Tuy nhiên, đó vẫn là vị trí được người dân Ấn Độ cũng như thế giới tôn trọng trong tư cách nguyên thủ quốc gia. Và cũng cần biết rằng, Tổng thống Ấn Độ chính là Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, là người phê chuẩn tất cả các luật mới cũng như đóng vai trò dẫn dắt tiến trình thành lập Chính phủ. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm.
Cũng cần biết rằng, bộ tộc Santhal của bà Murmu là một trong những bộ tộc lâu đời nhất và lớn nhất trong các bộ tộc thiểu số ở Ấn Độ. Vào những năm 1850, chính họ đã nổi dậy chống lại sự cai trị của người Anh.
Ngày 7/12/2022, bà Dina Boluarte nhậm chức Tổng thống Peru, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này sau khi Quốc hội bãi nhiệm ông Pedro Castillo. Bà Boluarte sẽ giữ cương vị Tổng thống cho đến tháng 7/2026. Đây là lần thứ 6 Peru có Tổng thống mới trong vòng chưa đầy 5 năm.
Trước đó, bà Boluarte là Phó Tổng thống. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình sau khi nhậm chức Tổng thống, bà Boluarte kêu gọi ngưng xung đột chính trị để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, bà khẳng định sẽ chống tham nhũng. "Hành động đầu tiên của tôi là đối đầu với tham nhũng, ở mọi khía cạnh. Tôi đã thấy kinh hoàng khi báo chí và các cơ quan tư pháp đưa tin về những hành vi cướp bóc đáng xấu hổ đối với tiền của tất cả người dân Peru. Căn bệnh ung thư này phải được loại bỏ tận gốc” - bà khẳng định.
Bà Boluarte, 60 tuổi, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ tại Universidad Particular San Martin de Porres. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 2007. Năm 2018, bà là ứng cử viên cho chức Thị trưởng Surquillo. 2 năm sau, vào năm 2020, bà tham gia vòng bầu cử Quốc hội, nhưng không giành được ghế. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021, bà là ứng cử viên cho chức Phó Tổng thống của đảng Peru Libre.
Ngày 7/12, Tổng thống Castillo đã bị Quốc hội Peru bãi nhiệm với cáo buộc “mất năng lực đạo đức vĩnh viễn”. Ngay sau đó, bà Dina Boluarte đã tiếp nhận chức vụ Tổng thống, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này.