2023, năm vì hòa bình và hành động

Thanh Đức 26/12/2022 07:00

Khi năm 2022 đã trôi về những ngày cuối, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi hãy thể hiện rõ quyết tâm "hơn bao giờ hết" để biến 2023 thành một năm vì hòa bình, một năm hành động nhằm kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

Dịch vụ vận chuyển khôi phục là điều kiện để kinh tế thế giới khả quan hơn trong năm 2023. Ảnh: Reuters.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), ông Guterres chỉ ra rằng, thế giới đã phải đối mặt với quá nhiều thử thách trong năm 2022, với một số thách thức truyền thống trong khi lại có những thách thức từ một năm trước mà chúng ta chưa từng nghĩ tới.

Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, sự chia rẽ về địa chính trị đã khiến việc giải quyết các vấn đề toàn cầu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Lạm phát tăng cao trong khi tình trạng bất bình đẳng gia tăng, ảnh hưởng nhiều nhất đến phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới. Ông Guterres cho biết, chỉ riêng trong năm nay các khoản thanh toán nợ của các nước nghèo nhất đã tăng vọt 35%, mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

"Những thách thức này cùng nhiều yếu tố khác đang khiến một số người muốn buông xuôi, cũng như muốn từ bỏ việc giải quyết các vấn đề quốc tế và ngoại giao. Nhưng tôi muốn kết thúc năm 2022 và bước sang năm 2023 với một niềm tin lớn lao: Đây không phải là lúc để đứng ngoài lề. Đây là thời điểm để đưa ra phương án giải quyết, quyết tâm và thậm chí là hy vọng. Bởi vì bất chấp những hạn chế và khó khăn kéo dài, chúng ta phải nỗ lực để đẩy lùi sự tuyệt vọng và tìm kiếm giải pháp thực sự" - ông Guterres nói.

Tổng Thư ký LHQ cũng cho rằng không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ là những giải pháp thiết thực. “Những giải pháp phải đưa chúng ta đến con đường hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, yên bình hơn”.

Dẫn ra một số điểm sáng trong năm 2022, Tổng Thư ký LHQ khẳng định quyết tâm hơn bao giờ hết để biến năm 2023 thành một năm vì hòa bình, một năm để hành động. “Chúng ta không thể chấp nhận mọi thứ như hiện tại. Chúng ta cần kiếm tìm giải pháp và hành động” - ông Guterres nói và cho biết sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 9/2023; kêu gọi các nhà lãnh đạo từ chính phủ các nước, doanh nghiệp, các thể chế tài chính “hãy bước lên phía trước”.

“Chúng ta cần thúc đẩy hòa bình, an ninh cùng các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời xóa bỏ sự bất bình đẳng, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, để đảm bảo quyền cho tất cả mọi người để xây dựng nên một hành tinh đáng sống cho thế hệ con cháu chúng ta”- Tổng Thư ký LHQ kêu gọi.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra những nhận định khá lạc quan. Đối với nhiều nơi trên thế giới, năm 2022 đánh dấu thời điểm đại dịch Covid-19 bước vào giai đoạn kết thúc. Biến thể “Omicron khi xuất hiện đã làm dấy lên nỗi sợ hãi cho các nhà khoa học và dẫn đến những dự đoán nhầm lẫn về khả năng trở lại cuộc sống bình thường, nhưng chúng ta đã khống chế được hầu hết các biến thể của Covid-19” - đại điện WHO nhấn mạnh.

“Dường như bằng cách nào đó, virus đã mắc kẹt trong thung lũng tiến hóa này. May mắn thay, không có biến thể khác biệt đáng kể nào xuất hiện” - Tiến sĩ Daniel Kuritzkes (Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Brigham and Women's, thuộc Trường Y Harvard Boston, Massachusetts, Mỹ) cho biết. Vị chuyên gia này cũng cho rằng triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường đã có sự thay đổi lớn sau gần 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Năm 2022 kết thúc nhưng WHO vẫn chưa tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 được đưa ra vào tháng 1/2020.

Tuy vậy, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO vẫn bày tỏ tin tưởng: "Chúng ta vẫn chưa đạt đến đó. Nhưng kết thúc đại dịch đã ở trước mắt".

Kể từ đầu dịch tới nay, gần 7 triệu người trên thế giới đã tử vong vì Covid-19. Cho đến tuần cuối cùng của năm 2022, một số quốc gia châu Á vẫn ghi nhận số ca mắc mới, và cả những nạn nhân tử vong. Nhưng thực sự thì đại dịch đã đi qua.

Về kinh tế năm 2023, nhiều định chế tài chính quốc tế đã đưa ra dự báo, tuy rằng không thật sáng sủa. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 3,1% trong năm 2022, sau đó đà tăng sẽ giảm xuống còn 2,2% năm 2023 và 2,7% năm 2024. Đáng chú ý, theo OECD, nhiều nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ suy thoái trong năm 2023, trong đó có vương quốc Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Tuy nhiên, nói như ông Mathias Cormann - Tổng Thư ký OECD thì lạm phát ở nhóm các nước khu vực đồng tiền chung Eurozone sẽ chạm 9,4% trong năm 2022, sẽ chậm lại khi các chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy hiệu quả, làm giảm nhu cầu tiêu dùng, áp lực giá năng lượng, qua đó kéo chi phí vận tải và giao nhận hàng hóa trở lại mức bình thường. “Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ giảm xuống còn 6,6% năm tới và như vậy châu Âu có cơ hội phục hồi kinh tế trong năm 2023” - ông Mathias Cormann nói.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 là khá khả quan, khi dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 6,5% trong năm 2023, giảm so với ước tính 8,8% của năm 2022. Ông George Ball - Chủ tịch Hãng dịch vụ tài chính Sanders Morris Harris cho rằng, thế giới đã không trải qua một cuộc suy thoái thực sự cho dù lạm phát của năm 2022 phải được coi là kỷ lục trong một thập kỷ. Vì vậy, một cuộc suy thoái nhẹ có thể sẽ diễn ra vào đầu năm 2023 nhưng không kéo dài và không để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, theo IMF, năm 2023 sẽ là năm phục hồi và tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á. Trong đó, Trung Quốc sẽ bứt phá nếu như Covid-19 không còn là mối đe dọa. Kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được tăng cường khi mà việc xuất khẩu hàng hóa dễ dàng hơn do chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2023, năm vì hòa bình và hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO