25% số ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi

Đức Trân 31/10/2023 08:06

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm đột qụy (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận từ 40-50 ca bệnh đột quỵ, trong đó có khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E, đột quỵ là bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời. “Số liệu từ WHO cho thấy, mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Đáng lo ngại hơn khi nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động, chiếm khoảng 25% các ca đột quỵ. Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, ma túy, đi kèm với lối sống ít vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác” – BS Hựu cho biết.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi - nguyên Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội đánh giá, đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Theo đó, kết quả nghiên cứu trước đó tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với gần 2.500 bệnh nhân cho thấy, người trẻ chiếm 7,6% số ca mắc đột quỵ và bệnh có xu hướng tăng ở những người trẻ. Nhiều cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, như Bệnh viện trung ương Cần Thơ điều trị ca đột quỵ trẻ nhất mới 21 tuổi; hay trẻ em mới 8 tuổi đã bị đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương… Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ nam giới mắc đột quỵ cao gấp 2,5 lần so với nữ. Các bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não chiếm 76%, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não là 24%. Ở nhóm đột quỵ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não có xu hướng tăng, chiếm 46%.

Bên cạnh nỗi lo về tình hình trẻ hóa của căn bệnh đột quỵ, giới chuyên môn cũng bày tỏ mối quan ngại trước tỷ lệ người bệnh mắc đột quỵ nhập viện muộn. Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ đã được nhấn mạnh rất nhiều lần, đó là khoảng thời gian 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch. Hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

Nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể trở về cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, số bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam đưa đến bệnh viện trong 6 giờ đầu mới đạt 33%. Trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu. So với nước ngoài, tỉ lệ này còn rất thấp.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, bệnh nhân ở xa trung tâm cấp cứu đột quỵ, phải kể đến những quan niệm sai lầm về sơ cứu đột quỵ vẫn còn phổ biến. Thông thường, khi thấy ai bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì lập tức chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Cần biết rằng, các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... hay trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc đông y... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Theo các bác sĩ, đột quỵ có thể sàng lọc và phòng ngừa được. Những người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị đột quỵ, từ 40 tuổi trở lên bị tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não để can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ bằng tuân thủ điều trị. Khi xuất hiện các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay chân, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để cấp cứu, không sử dụng các biện pháp dân gian cạo gió hay uống các thuốc quảng cáo chữa đột quỵ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    25% số ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO