Ngày 11/10, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Ba mươi năm bộ phim tài liệu Chuyện tử tế” . Tại đây đạo diễn bộ phim - NSND Trần Văn Thủy một lần nữa kể về chuyện nghề, về câu chuyện tử tế ngày nay - ngày xưa.
Cảnh trong phim "Chuyện tử tế".
Bộ phim “Chuyện tử tế” được khởi quay 1984 và hoàn thành 1985. Đây cũng bộ phim cũng được xem là phần 2 tiếp theo của “Hà Nội trong mắt ai”.
Không chỉ thành công tại các LHP, riêng ở Mỹ, “Chuyện tử tế” đã công chiếu trên 100 buổi ở các hội thảo, LHP, đặc biệt và các đại học danh tiếng ở bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ. Lần đầu tiên và duy nhất đến nay trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, đây là bộ phim tài liệu mang lại doanh thu lớn thông qua việc trình chiếu tại các bãi chiếu bóng trên toàn quốc.
Đặc biệt, bộ phim cũng được bán bản quyền cho hơn 10 Đài truyền hình trên thế giới như FR3 (Pháp), Chanel Four (Anh), SBS (Úc), NHK (Nhật), đài Bỉ, đài Mỹ… (Đài Chanel Four trả 25.000USD, đài FR3 trả 70.000Franc…cho mỗi buổi chiếu “Chuyện tử tế” trên truyền hình của họ.
Một bộ phim không có kịch bản, mà hoàn toàn chỉ là các ý tưởng được xâu chuỗi. Tất cả các câu chuyện đây đó phản ánh trong xã hội thời bao cấp. Bản thân đạo diễn Trần Văn Thủy sau 30 năm làm bộ phim “Chuyện tử tế” vẫn đang tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?”.
Với ông, “sự tử tế” đến nay vẫn là một phạm trù quá rộng mà không ai cắt nghĩa được một cách đầy đủ. Ông cũng cho rằng mọi việc đã vượt ra ngoài chính kiến và dường như không tin rằng không có một “sự tử tế” thực chất ở ngoài kia, nơi mà khi đồng tiền đi lên, đạo đức của con người đi xuống, thậm chí đe dọa niềm hạnh phúc mà chúng ta xứng đáng được hưởng. Nhưng với ông đơn giản chỉ có một điều không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được.