Ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết: Sau khi kết thúc Đề án đưa 500 trí thức trẻ về các xã khó khăn, hầu hết các trí thức trẻ đều đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 385 người chưa được bố trí công tác. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai?
Mới bố trí việc làm cho 67 trí thức trẻ
Đề án 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới.
Đề án cũng xác định: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại xã trong thời gian 5 năm, căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá nếu đủ điều kiện thì đội viên được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định của pháp luật nơi đội viên công tác. Trường hợp tham gia dự tuyển tại huyện khác trên địa bàn của tỉnh thì huyện đó phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án 500.
Khi tổng kết thực hiện Đề án 500 vào năm 2021, Chính phủ đã khẳng định: “Đề án 500 trí thức trẻ đã tuyển chọn và bố trí các trí thức trẻ về các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn công tác. Sau 5 năm được bố trí về xã công tác, các đội viên đã cống hiến, trưởng thành và được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, hầu hết được đánh giá từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”. Thế nhưng sau qua trình thực hiện đến nay đã 2 năm trôi qua nhưng nhiều em chưa được bố trí, tuyển dụng. Điều đó đang cần đặt ra vấn đề trách nhiệm thuộc về ai?
Theo ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ: Việc thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ là chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước. Các em lên đường đều là những người xuất sắc, có năng lực trình độ, đạo đức. Tuy nhiên trong 500 em, đến nay đã bố trí việc làm cho 67 em, còn 385 em có nguyện vọng nhưng chưa được bố trí và 48 em không có nguyện vọng được bố trí. Do đó Bộ đang phối hợp với 34 địa phương để giải quyết chế độ chính sách cho các em.
Các địa phương có muốn làm hay không?
Đề cập đến trách nhiệm trong việc các em chưa được bố trí, sử dụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Ông Dĩnh phân tích: “Các em đều được các địa phương đánh giá là tốt. Nếu không làm Phó Chủ tịch xã thì có thể bố trí làm công chức xã, hoặc bổ sung cán bộ cho cấp huyện, tỉnh. Các em đều là những cá nhân được thi tuyển bài bản, chấp nhận xung phong đến những vùng khó khăn nhất. Chính phủ đã tổng kết đề án và kết luận sắp xếp cho các em sau khi hết chương trình. Vấn đề là các địa phương có làm hay không? hay muốn đưa con em của mình vào, cục bộ địa phương? Nếu nói do khó khăn về biên chế là không thuyết phục. Vì hàng năm đều có người về hưu, trong khi mỗi tỉnh chỉ có 10 em. Do đó không thể nói thiếu biên chế”.
Ông Dĩnh cũng cho hay: “Đây là vấn đề tôi rất tâm huyết. Lúc đó tôi còn cùng với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM- PV) đi các địa phương để kiểm tra, đôn đốc. 500 trí thức trẻ đều là các em có trình độ, tình nguyện đi lên những vùng khó khăn nhất. Qua 5 năm công tác có nguyện vọng tha thiết đóng góp cho Tổ quốc tại những vùng khó khăn thì lại không được bố trí, sử dụng. Đó là điều rất đau xót.
Liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách cho đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết: “Hiện Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136 về giải pháp bố trí đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Theo đó, Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan, 34 tỉnh thuộc phạm vi Đề án giải quyết vướng mắc trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trong thời gian chờ địa phương thực hiện việc tuyển dụng, bố trí công tác thì các đội viên tiếp tục được ký hợp đồng lao động để làm việc tại xã nơi đang công tác đến khi địa phương thực hiện việc tuyển dụng, bố trí làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc làm công chức viên chức. Đây là vấn đề Bộ đang đôn đốc các địa phương để xem xét, xây dựng phương án tuyển dụng, bố trí vì nhiều bạn đang rất băn khoăn, lo lắng”.
Giải quyết vướng mắc trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về giải pháp bố trí đối với đội viên Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nghị quyết nêu rõ: “Để bảo đảm xuyên suốt chủ trương, chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại địa bàn khó khăn, bảo đảm quyền lợi cho các đội viên đã có thời gian công tác, cống hiến, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, 34 tỉnh thuộc phạm vi Đề án giải quyết vướng mắc trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.”