14h ngày 19/10, khi mà mực nước lũ tại dòng sông Long Đại có dấu hiệu rút gần 50 cm, ca nô cứu hộ của PV báo Đại Đoàn Kết mới cập bờ để chuyển sang giai đoạn 2, cứu đói.
Sáng 18/10 nhận được nguồn tin báo về vụ sạt lở đất tại Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi lên đường tiếp cận hiện trường. Nhưng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Vĩnh Tuy bị ngập sâu, xe bị tắc không thể vào quốc lộ 9 để lên Hướng Hóa. Phóng viên đành chuyển hướng vào rốn lũ Quảng Ninh. Tuy nhiên, phương tiện mỗi xã chỉ được vài ba chiếc đò nhôm cole phục vụ cứu hộ, không thể đi đón.
Nghe một người bạn gợi ý qua điện thoại “nên mua một chiếc đò đi tác nghiệp, tiện thể cứu bà con luôn”. Không phút đắn đo, chúng tôi nghĩ rằng đó không phải là một câu nói đùa và quyết định huy động bạn bè để mua chiếc thuyền nhôm gắn máy cole 13 sức ngựa, rồi nhờ sự giúp đỡ của mọi người sau. Có thuyền rồi, chúng tôi lên đường vào rốn lũ Hiền Ninh.
9h sáng, UBND xã Hiền Ninh, đã ngập sâu trong nước lũ. Vừa kịp chụp vài tấm hình tác nghiệp thì có người bạn gọi, bạn ơi, cứu anh mình với, anh cụt 1 chân, nhà đơn lẻ đầu làng Trường Dục, không liên lạc được.
10 phút sau thì tiếp cận được 1 trung niên đeo chân giả, đầu gần chạm mái nhà, đưa lên ca nô. Sợ quá chú ơi, không ngờ năm ni lụt khiếp ri, nhiều nhà cũng mắc kẹt như tui rồi. Chú sang xóm nớ, cứu ba mạ tui với.
Và, cuộc cứu người bắt đầu.
12h, nước sông Long Đại liên tục dâng cao, chảy mỗi giờ mỗi xiết, hai thanh niên bé nhỏ giữa dòng thác lũ, giữa ngổn ngang củi rều, phù sa, và không thiếu những gốc cây mục cuộn trôi về biển. “Nguy hiểm quá anh ơi, em 20 năm vượt thác Tam Lu rồi, nhưng em lo anh nghề cầm bút, không chèo chống được lâu” - Quân, người lái đò cho tôi nói.
Ừ thì về đường mòn, anh kêu thêm bạn bè. Và đò thêm bốn thanh niên trai tráng.
Ghé UBND xã Xuân Ninh lúc 13h, Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Thích trao đổi nhanh: “Xã có 2 đò nhôm cole, 1 cái huyện cấp, 1 cái xã thuê bằng ngân sách xã. Tui 1 đò, chú Cương (Phó Chủ tịch xã Xuân Ninh) 1 đò, chia 2 tổ cứu hộ 2 làng Xuân Dục và Lộc Long. Lực lượng mỏng quá, nhờ nhà báo tác nghiệp bên Phúc Long có gì hỗ trợ bà con ta với”. Nói rồi, đò chủ tịch xé mưa, lao vào nước lũ.
Lái đò Quân (45 tuổi) quán triệt: Anh em ngồi xuống đáy đò, ngồi yên, tay không được bỏ trên mạn, đề phòng va vấp. Nếu chìm đò, mỗi người ôm 1 phao tròn đã cột vào nhau thành chùm, tuyệt đối không được rời nhóm.
Thôn Phúc Long thẳng tiến. Sau 30 phút dạo quanh làng, thấy có vẻ ổn. Anh em tranh nhau livestream cho bạn bè phương xa. Và cái kết là hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi nhỡ nhờ giúp đỡ.
“Bạn ơi, ba mình 80 tuổi, nước lên tra rồi (tra: sàn gỗ sát mái nhà, dùng chứa đồ đạc). Cứu ba mình với”.
“Mẹ mình và con gái mất liên lạc từ đêm qua. Lo quá, giúp mình với”.
“Anh ơi, dì em nước ngập hiên rồi. Nước lên là sẽ trôi mất…”
Trên đò, hoang mang, cứu ai bây giờ? Xuân nói, ưu tiên trẻ em. Đức nói, gần đi trước. Tôi nói lớn, nguyên tắc đầu tiên “cứu người”. Ưu tiên nguy cấp, ốm đau cấp cứu, người già phụ nữ trẻ em. Đi từ ngoài làng vào, nhà nào thấp hoặc phát tín hiệu thì đến trước.
Mất 2 tiếng hò hét, cạy qua trái, móc mạnh phải, chống, đẩy, xô ra đẩy vô để cho đò tiếp cận nhà dân. Rồi thì ôm phao lội vô, cởi áo mưa bơi ra, rồi thì cho ông mệ lên bè đẩy ra, cho cháu nhỏ ngồi lên cổ… để ra đò. Tròn 120 phút để cho 4 nhà 12 người lên đò, chở đến nhà bà con có tầng 2.
Thêm 2 tiếng nữa, thêm 12 người được di dời, thì trời tối. Nước vẫn lên. Người kêu cứu đầy làng. Điện thoại trong túi nilong thi nhau đổ chuông ầm ào, gào xé ruột gan cả người nghe chuông, cả người nghe nhạc chờ.
Chúng tôi về trụ sở UBND xã Xuân Ninh khi trời vừa tối. Rệu rã ăn bát mì tôm, nhấp ngụm trà nóng, Chủ tịch Thích chuyển chuông điện thoại sang chế độ rung, buồn bã nói: “Nhà báo ơi, lực bất tòng tâm. Lực lượng không có, phương tiện không có, mong đêm nay, nước ngừng lên”.
Xong bữa tối, cũng là lúc điện thoại hồi pin nhờ máy phát điện,nghĩa là cuộc gọi và tin nhắn tới.
Chúng tôi ngồi, trong im lặng. Mưa rơi tầm tã, máy phát điện rền rú khô khốc, khét lẹt cũng không thể át được tiếng thở dài của chúng tôi. Những chiến binh, mắt đỏ hoe, có lẽ do mưa táp vào mặt, có lẽ do nước lụt đục ngầu, chả ai nhận do ngậm ngùi xót xa.
Thôi, đi chuyến nữa anh ơi, Quân nói. Nhà báo mệt thì nghỉ lo viết tin tức để anh em đi. Giờ dân kêu cứu mình ngồi đây sao đành.
Và facebook đăng, chúng tôi vào Hiền Ninh, trong đêm tối, đến 0h, ai có thông tin hãy gọi…
Và khó khăn hơn buổi chiều rất nhiều, chúng tôi thêm quy định, không được rơi đèn pin, còi, phòng khi bất trắc,dự phòng thêm 1 đèn pin 1 điện thoại trong túi, để quay về lúc nửa đêm.
19h đêm mưa lũ, trời đen kịt, âm u, chả còn tiếng côn trùng ếch nhái như mưa rào, chỉ mỗi tiếng trâu bò rống lên thống thiết trước giờ chết trôi. Suốt 1 ngày, đò gặp hàng trăm con trôi sông, hàng trăm con đứng trên những gò đất, nước đã lên quá chân, chờ chết. Gà, vịt thì bạt ngàn trôi xám thêm dòng nước lũ vốn đã đục ngàu. Bất lực, giờ này thì chỉ đến khi nghe tiếng người thôi.
30 phút chạy dọc theo đường điện 220kV (đã ngắt điện) thì đến được ngã 5 Lộc Long, nơi giao thoa, nước xiết và có dòng xoáy, những nghĩa địa ngập nước. Đang cắt ruộng vào đầu làng Trường Dục thì bụp xèo. Con máy cole 13 ngựa ré lên một tiếng khô khốc trên mặt nước rồi tắt lịm. Chầm, chầm, chầm 2 bên cho trôi. Tiếng Quân to rõ nhưng hốt hoảng. Tất cả im lặng, còn mỗi tiếng Quân. Quẹo chân vịt rồi. Tìm chỗ tấp đò.
Nước hỗn, chạy xiết theo hướng biển vào làng Lộc Long, đẩy đò chúng tôi trôi ngược ra phía nghĩa trang, nghĩa địa. Vừa hút thuốc cho đỡ lạnh, Đức mập lướt facebook, “ui cha, họ kêu tới nơi chưa, ở mô rồi hàng trăm tin. 40 cuộc gọi nhỡ.” Đức mập vừa đăng, thuyền mắc nạn rồi, tôi bảo xóa ngay. Giờ này không nên lan truyền tin xấu, đừng để ai lo lắng, cùng nghĩ cách đi. Thiếu úy Nhật (Công an Quảng Bình, học viên kẹt lụt ở quê) để em gọi ba em. Đúng, chỉ gọi người thân bạn bè. Rồi thi nhau gọi. Bảng tin thì tràn ngập lời kêu cứu...
60 phút chờ đợi trong mưa... Ánh đèn pin đã sáng lòa phía đằng xa. Thuyền các “xiều” đã đến. Và mất 1 tiếng nữa, để dìu nhau về bến an toàn, đồng hồ vừa điểm 0h. Vợ Quân đứng ngay bến, nước mắt lưng tròng, nói không ai liều mạng như mấy anh. Chủ tịch Thích đứng ngay cổng trụ sở đợi nói, nước tăng 40cm rồi, quá nguy cấp, đêm nay bà con Xóm 6 Xuân Dục và Lộc Long không trụ nổi. Lực bất tòng tâm. Mời các anh vào ăn bát mì tôm với anh em rồi nghỉ ngơi đợi trời sáng cứu hộ tiếp.
Lại trà lá thuốc men ấm lòng, rồi thì là tranh thủ xạc pin qua máy nổ để lướt facebook, bỗng chốc chả ai nhớ vụ trôi thuyền vừa xong. Chỉ tập trung xin lỗi, bọn anh lực bất tòng tâm, đến những lời khẩn cầu thống thiết trên mạng. 1h, Đức nói, em phải đi chuyến nữa, ngồi ri cũng nát lòng. Người ta chết đến nơi rồi. Và tất cả đứng dậy, mượn thêm 1 đò của xã, chia 2 ngả lên đường. Đêm đó, cho đến 5h sáng, các “xiều” của tôi đã đưa thêm được 60 người nữa đến nơi an toàn.
Cứ thế, những chiến binh được bổ sung người, thêm thuyền, cho đến mãi 16h hôm sau 19/10 khi nước đứng chững lại và đi xuống, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm trở về. Dừng việc cứu nạn những người có nguy cơ mất mạng do mắc kẹt trong nhà thấp, lại ở nơi vùng ngập sâu.
Mai, là 1 ngày khác, chúng ta phải dưỡng sức vì nhiệm vụ khác, cứu đói cho bà con!