Chúng tôi rủ nhau ra Phú Quốc bởi chợt nhớ mới đó mà đã 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, và nhờ có ngày 27/1/1973 ấy mà tù binh chiến tranh Việt - Mỹ được trao trả, chúng tôi được ra tù, cũng đã nửa thế kỷ trôi qua…
Sau Hiệp định Paris, 400 cánh cửa nhà giam đã mở
Ở TP Hồ Chí Minh có nhiều nhóm bạn tù Phú Quốc, trong đó nhóm của chúng tôi có 20 người bị giam cùng một trại, sau khi được trao trả, ai về đơn vị nấy, tiếp tục cầm súng thêm hai năm mấy tháng, sau ngày giang sơn thu về một cõi, trở thành công dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Tiếc rằng, người của nhóm bạn tù chúng tôi cứ ít dần, giờ chỉ còn ba ông lão, cũng như rất nhiều nhóm bạn tù khác ở các tỉnh - thành, do đa phần phải xuôi tay về với đất.
Lạ thế, 3 ông lão mà vẫn đi xe máy ro ro, có khi còn “phượt” lên di tích địa đạo Củ Chi chui đường hầm để nhớ thời đánh giặc, có tuần “phượt” lên di tích căn cứ kháng chiến Bắc Tây Ninh ăn trái gùi rừng vàng ươm, chua chua ngọt ngọt, đôi khi “phượt” xuống Đồng Tháp Mười thưởng trà sen, rượu sen...
Vừa rồi, trong một chầu bia, “tổ tam tam” chúng tôi lại rủ nhau ra Phú Quốc bởi chợt nhớ mới đó mà đã 50 năm ngày ký kết Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris), và nhờ có ngày 27/11/1973 ấy mà tù binh chiến tranh Việt - Mỹ được trao trả, chúng tôi được ra tù, cũng đã nửa thế kỷ trôi qua. Mỗi lần thăm di tích lịch sử đặc biệt Nhà tù Phú Quốc, chúng tôi bồi hồi thương nhớ trên 3.500 bạn tù trong số gần 40.000 đồng chí, anh em bị giam giữ nơi đây đã chết vì bị tra tấn, bị bắn, bị bệnh.
Chúng tôi bâng khuâng nhớ những ngày ở trong tù chiều chiều dõi theo từng đàn chim biển chao ngang tầng tầng lớp lớp dây thép gai mà mơ ngày tự do, mơ ngày trở lại chiến trường. Chúng tôi vui mừng nhớ lại từ ngày 15/3/1973, lần lượt 400 cánh cổng sắt của 400 nhà giam trong trại giam rộng hơn 400 hécta ở thung lũng An Thới mở để chúng tôi trở về đất liền trong những đợt trao trả tù binh…
Từ trong tù chúng tôi không thể hình dung hòa đàm Paris đã kéo dài đến 5 năm, 6 tháng, 4 ngày
Đã có không ít cán bộ tuyên giáo, người viết lịch sử hỏi chúng tôi, trong tù, ông (bà) có biết ở thủ đô nước Pháp đang diễn ra một hội nghị bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam?
Biết chứ sao không! - cựu tù cộng sản tự hào trả lời. Chúng tôi biết sự kiện vô cùng quan trọng ấy, bởi có người bị bắt trước ngày 13/5/1968 - ngày diễn ra phiên đàm phán đầu tiên giữa đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đường Kleber, Paris, Cộng hòa Pháp. Bởi có người bị bắt trước ngày đó được nghe người bị bắt sau nói lại. Chúng tôi cũng biết ít nhiều diễn biến hội đàm Paris.
Chúng tôi biết nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hội đàm Paris là thất bại của Mỹ trên chiến trường. Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 của Quân Giải phóng đã giáng một đòn nặng nề vào cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ, không chỉ làm chuyển biến thế trận, đảo lộn chiến lược mà còn làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; rồi thất bại nặng nề tại mặt trận đường 9 - Khe Sanh, được mệnh danh là “trận Điện Biên Phủ thứ hai” (từ ngày 21/1 đến 9/7/1968) với gần 7.000 binh lính Mỹ và đồng minh thương vong (tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ giải mật), Chính phủ Mỹ hiểu rằng không thể thắng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam bằng chiến tranh. Nếu muốn rút ra khỏi chiến tranh, không có cách nào khác là phải thông qua thương lượng.
Những người lính dạn dày trận mạc chúng tôi cũng biết rằng, trong tình thế “vừa đánh vừa đàm” khi mà lực lượng hai bên quá chênh lệch, khi mà quân đội Mỹ cùng quân đánh thuê 4 nước lên đến trên 1 triệu trong khi ta chỉ chưa đến 30 vạn, chưa kể binh khí kỹ thuật vượt trội của Hoa Kỳ, hội đàm Paris không thể không kéo dài, nhưng kéo dài đến 5 năm, 6 tháng, 4 ngày (13/5/1968 - 27/1/1973), là cuộc hội đàm vào loại dài nhất trong lịch sử loài người cho đến lúc đó, thì không ai nghĩ đến.
Đã có nhiều người hỏi, trong tù, ông (bà) có biết 4 bên hội đàm đã ký kết Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam?
Biết chứ sao không! - cựu tù cộng sản hào sảng trả lời. Chúng tôi biết bởi tin tức từ mặt trận luôn dội vào nhà tù.
Khi quân cảnh ở Phú Quốc biết chắc Hiệp định Paris sắp được ký kết với nhiều điều khoản, trong đó Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam chậm nhất ngày 29/3/1973, và trao trả tù binh, tinh thần của họ xuống nghiêm trọng nên đối xử với tù binh lễ phép đến nhũn nhặn.
Khi ra tù, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về Hiệp định Paris lại càng tự hào về bản lĩnh và phong cách ngoại giao Việt Nam, của các nhà đàm phán của nước ta. Đó là đường lối ngoại giao luôn kiên trì về chiến lược, về nguyên tắc nhưng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, luôn hướng tới thắng lợi toàn cục nhưng biết giành từng thắng lợi nhỏ trong mỗi phiên họp, biết tính toán kỹ từng đường đi nước bước, thận trọng không để rơi vào thế bị động, kiên quyết phê phán những sai trái của đối phương nhưng tôn trọng, lịch sự với người đối thoại. Chúng tôi nghe kể, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ trong phái đoàn đàm phán của ta là “Trong ngoại giao cũng như trong xử lý các tình huống phức tạp, phải có cương, có nhu. Cương quá thì dễ gãy. Nhu quá thì hèn. Nói nên nhu. Làm nên cương”.
Càng tìm hiểu, những cựu tù chúng tôi càng hiểu Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới. Những bài học kinh nghiệm từ cuộc đàm phán, ký kết Hiệp định Paris là vô cùng hữu ích để xây dựng nền ngoại giao với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.