Sáng 27/8, tại Hà Nội, ngành ngoại giao tổ chức kỷ niệm 75 năm thành lập ngành và Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ...
Ngày 28/8/1945, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng được thành lập và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Từ thời điểm đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại luôn đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong mọi chặng đường cách mạng của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong suốt 75 năm qua, ngành Ngoại giao luôn tự hào vì đã có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là Bộ trưởng đầu tiên, Người đã sáng lập, rèn luyện và dìu dắt ngành Ngoại giao Việt Nam. Người đã để lại cả một di sản vô cùng quý báu là Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh; đề rồi theo chân Bác, chúng ta có được cơ đồ như ngày hôm nay.
Ngay ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, trong hoàn cảnh đất nước thù trong giặc ngoài, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, ngoại giao đã đóng vai trò tiên phong góp phần cùng các binh chủng khác giữ vững độc lập nước nhà, bảo vệ thành công chính quyền cách mạng còn non trẻ, vận động các nước công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoại giao sát cánh cùng mặt trận quân sự để đưa kháng chiến đi đến thắng lợi. Ngoại giao đã giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc, cùng các nước bạn bè anh em và nhân dân thế giới tạo ra một mặt trận quốc tế ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng của ngoại giao trên bàn đàm phán ở Geneva năm 1954 và ở Paris năm 1973 là những dấu mốc quan trọng trên chặng đường giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước, ngoại giao cũng đi đầu trong việc đưa đất nước thoát khỏi thế cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế. Đồng thời, ngoại giao đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của đất nước.
Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngoại giao tiếp tục đóng vai trò mở đường, phát triển và đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đi vào chiều sâu, mở rộng các thị trường, các lĩnh vực hợp tác mới thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
“Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, ngoại giao đã nỗ lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; Ngoại giao đa phương đã trưởng thành mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; Ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Ngoại giao ngày càng gắn kết hơn với người dân, các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình phát triển; Ngoại giao luôn có mặt trên tuyến đầu trong công tác bảo hộ công dân; Trong đại dịch Covid-19, ngành ngoại giao đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh, triển khai hàng loạt các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương bằng các hình thức linh hoạt như điện đàm, trực tuyến, qua đó duy trì đà quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế…
Theo Phó thủ tướng, thành tựu của ngoại giao Việt Nam qua 75 năm qua có được trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, và đặc biệt là nhờ những cống hiến và phấn đấu của biết bao cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực đối ngoại nói chung cũng như ngành Ngoại giao nói riêng.
Chặng đường 75 năm qua đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, toàn diện cả về tầm nhìn, tư duy, bản lĩnh, phong cách và phẩm chất đạo đức cách mạng. Ngành ngoại giao đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương khác vì những đóng góp xuất sắc của ngành trong 75 năm qua.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 75 năm qua, ngành Ngoại giao luôn vinh dự, tự hào vì có Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện, đưa ngành Ngoại giao đã đạt được hững thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc chiến chống Covid-19, ngành ngoại giao đã triển khai tốt “ngoại giao Covid”, “ngoại giao trực tuyến” với kết quả nổi bật là từ tháng 2/2020 đến nay đã có 30 Hội nghị cấp cao trực tuyến, điệm đàm Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn… Bộ Ngoại giao cũng phối hợp tổ chức nhiều chuyến bay đón gần 30.000 công dân Việt Nam từ các quốc gia ảnh hưởng nặng nề với Covid-19 về nước. Công tác đối ngoại cũng đã phát huy “tinh thần đoàn kết quốc tế” trong phòng chống dịch, hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho nhiều quốc gia.
Đối với công tác thi đua yêu nước, ngành Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, trở thành một phương cách lãnh đạo, cổ vũ, động viên cán bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
“Các cán bộ Ngoại giao cần nắm vững, tuyệt đối trung thành với lập trường, nguyên tắc đối ngoại của Đảng, Nhà nước về giữ vững độc lập, tự chủ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của công đồng quốc tế, thực hiện tốt đoàn kết nội bộ, đồng lòng, nỗ lực, khéo léo, sáng tạo, đưa Việt Nam phát triển hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập cho nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động cho Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh; Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Nguyễn Văn Thảo; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Quang Hiệu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao cờ Thi đua Chính phủ năm 2019 cho 6 đơn vị xuất sắc, tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ Ngoại giao năm 2019: Văn phòng Bộ; Vụ Tổ chức Cán bộ; Vụ Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương; Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.
* Cũng tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới khai trương và tham quan Nhà Truyền thống, không gian trưng bày tranh các Bộ trưởng Ngoại giao.