78 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2023) - Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc

H.Vũ 19/08/2023 07:15

Có nhiều bài học được rút ra từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhưng vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất là bài học đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hà Nội trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Ảnh tư liệu.

Đại đoàn kết rộng rãi tất cả các lực lượng

Trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên nhưng lại được “cộng hưởng” sức mạnh từ hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước ủng hộ, trong đó có Mặt trận Việt Minh rộng khắp với nòng cốt là liên minh công nông trí.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tỏ rõ mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân sinh động hơn bao giờ hết. Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu 1 nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc đến đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc tạo thành sức mạnh vô địch. Bài học đó luôn luôn và vẹn nguyên giá trị trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người. Nói đến đại đoàn kết dân tộc cũng có nghĩa phải tập hợp mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung.

Nói về bài học đại đoàn kết dân tộc của Cách mạng tháng Tám năm 1945, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 chính là tinh thần đại đoàn kết rộng rãi tất cả các lực lượng trong dân tộc, các tôn giáo, các giai cấp, giai tầng trong xã hội, cả người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Trước đó năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi Trung Quốc để tranh thủ sự giúp đỡ của đoàn kết quốc tế, đồng minh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng của dân tộc.

Liên quan đến vấn đề “đoàn kết quốc tế” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng rất thành công trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Phúc cho rằng, nếu không có sự ủng hộ của đồng minh, chúng ta không dễ dàng có thể thắng lợi. Tranh thủ sự chiến thắng của Liên Xô, đồng minh để thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước đi đến toàn thắng. Chuyến đi Trung Quốc năm 1942 là Bác đi tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh chống Pháp, Nhật để giành độc lập.

Trọng dụng nhân tài

Soi chiếu từ bài học đại đoàn kết toàn dân tộc vào tình hình hiện nay, ông Phúc cho rằng ngoài đoàn kết rộng rãi các dân tộc, các tôn giáo, các giai tầng trong xã hội thì Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới đoàn kết các tầng lớp trí thức. Kết quả rất đặc biệt của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đó là hầu hết các trí thức yêu nước đều đi với Đảng, với Bác Hồ. Ngay Chính phủ lâm thời ở Quốc dân Đại hội Tân Trào cũng chính là hình ảnh của đại đoàn kết dân tộc. Nhưng đồng thời trước hết là đoàn kết các tầng lớp như: trí thức, người trong bộ máy chính quyền của phong kiến, người có ảnh hưởng lớn trong các dân tộc, tôn giáo cũng được Đảng, và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chú trọng.

Khi thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 28/8/1945, trong 15 thành viên thì có tới 9 người là trí thức yêu nước, không phải là đảng viên Cộng sản. Đấy là điều rất đặc biệt. Sau đó Bác Hồ đã cải tổ Chính phủ, đến bầu cử Quốc hội năm 1946 thành phần Chính phủ được mở rộng và rất nhiều người trí thức. Thậm chí sau đó Bác Hồ đã mời những trí thức nổi tiếng như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn là quan thượng thư của triều đình nhà Nguyễn tham gia bộ máy của Nhà nước, nhất là tham gia Quốc hội, hai cụ đều là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Các bộ trưởng hầu hết là các trí thức lớn như: Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên được trọng dụng để đưa vào bộ máy chính quyền nhà nước.

“Suy nghĩ cho hiện nay chúng ta phải hết sức tranh thủ các tầng lớp trong xã hội, cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và phải hết sức trọng dụng người tài. Đoàn kết nhưng mà phải trọng dụng người tài. Đảng chủ trương trọng dụng nhân tài. Đó là những quyết định cần thiết của Đảng. Đất nước rất cần những người tài tâm huyết với đất nước, với lợi ích quốc gia dân tộc. Một quốc gia, dân tộc không thể phát triển được nếu không có nhân tài. Như Thân Nhân Trung đã từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, khi nhìn vào một dân tộc, một quốc gia trước hết bao giờ cũng nhìn vào đội ngũ trí thức, đội ngũ nhân tài. Và bản thân đội ngũ trí thức nhân tài đó không màng đến vật chất mà đóng góp cho dân cho nước là niềm tự hào của họ. Cho nên đại đoàn kết dân tộc cần chú ý đến trọng dụng nhân tài.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, từ bài học của Cách mạng tháng Tám năm 1945, điều quan trọng nhất là trọng dụng nhân tài trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước. Những người có đức, có tài, đặc biệt có tài thì trân trọng, không để “mất” nhân tài.

Theo ông Túc, khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng ra “bảo lãnh” cho cụ Phan Kế Toại, quan Khâm sai Bắc Bộ và cụ Vi Văn Định là Tổng đốc Hà Đông. “Vì đại nghĩa, vì cái chung nên Bác Hồ đứng ra “bảo lãnh” cho họ. Quan điểm của Bác là trong năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều hợp trong một bàn tay. Trong hàng triệu người Việt Nam có người thế này thế khác nhưng đều là con Lạc cháu Hồng, lấy tình thương để cảm hóa thì mới tạo nên sự đoàn kết dân tộc. Do đó trong thời đại hiện nay Đảng càng cần phải thu hút và trọng dụng nhân tài để đoàn kết chung sức xây dựng phát triển đất nước” - ông Túc nói.

Đoàn kết các tôn giáo

Nhắc đến bài học của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Trọng Phúc nói: “Lúc bấy giờ Đảng đã đoàn kết được sức mạnh của toàn dân, của tất cả các giai cấp giai tầng trong xã hội, các tôn giáo. Người trong bộ máy cũ đều được Bác Hồ trọng dụng, thậm chí mời Vua Bảo Đại làm cố vấn cho Chính phủ. Nhiều vị quan thượng thư được mời tham gia để giúp sức. Không nước nào trên thế giới làm được như vậy cả”.

Cũng theo ông Phúc, trong vấn đề đoàn kết tôn giáo, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, không có đối lập gây thù oán giữa các tôn giáo. Cho nên đến thời điểm hiện nay tất cả các tôn giáo đều hòa hợp, đều có điểm chung là tinh thần yêu nước. Sau Cách mạng tháng Tám, Bác đã tuyên bố trong 6 điểm chính sách của Chính phủ thì điểm thứ 6 đó là đoàn kết tôn giáo. Bác gặp gỡ các chức sắc của đạo Thiên chúa, đạo Phật tạo ra không khí đoàn kết thân ái giữa người theo đạo và không theo đạo, người tôn giáo này với tôn giáo kia thân ái đoàn kết. Vì thế nên sau này chức sắc của các tôn giáo đều tin yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, và thể hiện tinh thần yêu nước chân thành.

Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế

Thời gian qua, hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo ra môi trường hoà bình, hữu nghị hợp tác để phát triển đất nước mạnh mẽ, bền vững. Hiện các đối tác chiến lược toàn diện, hầu hết các nước lớn G7, G20 đều thân thiết với Việt Nam. “Điều đòi hỏi Đảng ta nêu cao chủ nghĩa quốc tế trong sáng mà trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã kiên định luôn luôn đề cao chủ nghĩa quốc tế trong sáng, tạo ra môi trường hoà bình hữu nghị hợp tác để phát triển đất nước bền vững, lâu dài”- PGS Nguyễn Trọng Phúc nói và nhấn mạnh: Nếu đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, làm tốt điểm này sẽ giúp đoàn kết dân tộc từ bên trong cũng sẽ vững chắc hơn, các thế lực thù địch không thể lợi dụng để phá hoại khối đại đoàn kết trong dân tộc. Qua đó củng cố khối đại đoàn kết “bên trong lẫn bên ngoài”, “giữ cho trong ấm ngoài êm” để phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    78 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2023) - Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO