Xã hội

8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL

Thanh Tiến 29/11/2024 14:01

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Sáng 29/11, tại TP Cần Thơ, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam và báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiện tai vùng ĐBSCL”.

img_9835.jpg
Diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiện tai vùng ĐBSCL”.

Tại diễn đàn, ông Trần Duy An - Phó trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL là: hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên.

Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp. Điển hình, mùa khô năm 2023 – 2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189 ha lúa giảm năng suất, 43 ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, ĐBSCL có 2.059 điểm sụt lún (tương đương 51km chiều dài đê, đường giao thông nông thôn); 686 vị trí sạt lở bờ sông (chiều dài 591,3km) và 57 vị trí sạt lở bờ biển (chiều dài 203,2km).

sut-lun.jpg
ĐBSCL có 2.059 điểm sụt lún, 686 vị trí sạt lở bờ sông và 57 vị trí sạt lở bờ biển.

Để công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) hiệu quả, đến nay, ĐBSCL đã xây dựng 15 hệ thống thủy lợi tương đối khép kín (7 liên tỉnh, 8 nội tỉnh) phục vụ 2,5 triệu ha (chiếm 64% diện tích ĐBSCL); cơ bản đảm bảo cấp, tiêu thoát nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã tập trung nguồn lực giải quyết các loại hình thiên tai. Công tác chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, kênh rạch, xói lở bờ biển, đã có hiệu quả nhất định nhưng hệ thống chưa được đầu tư đồng bộ đặc biệt là vùng ngọt hóa.

Về xâm nhập mặn, các công trình lớn được xây dựng như Cái Lớn - Cái Bé, Ninh Quới… hỗ trợ kiểm soát vùng xâm nhập mặn cho vùng trồng trọt và giúp giảm số hộ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Tuy nhiên, nhiều hệ thống thủy lợi vẫn chưa hoàn chỉnh, thiếu khả năng trữ nước, hệ thống trạm bơm điện còn thiếu so với nhu cầu, có khoảng gần 1 triệu hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có nhiều khu vực không thể cấp nước tập trung.

Ông An dự báo, diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới phức tạp hơn, khó lường hơn do tác động của biến đổi khí hậu và các tác động từ khai thác tài nguyên ở thượng nguồn sông Mê Kông và phát triển nóng về KTXH ở vùng.

Ông Lê Thanh Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, bờ sông và bờ biển ĐBSCL hiện nay đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường.

Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như: giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý. Đối với xử lý sạt lở bờ sông, cần thiết lập quy hoạch chỉnh trị tổng thể các sông lớn, sông rạch chính để đảm bảo lợi dụng tổng hợp của các ngành kinh tế có liên quan.

Ông Lê Thanh Chương cho rằng bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên hàng đầu, vừa thân thiện với môi trường vừa tạo ra đa dạng sinh học cho khu vực ven biển, mang lại sinh kế cho người dân địa phương. Công tác quan trắc, giám sát diễn biến quá trình xói, bồi phải được thực hiện định kỳ hằng năm.

Tại diễn đàn, đại diện các tỉnh thành, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông sẽ chia sẻ ý kiến, thảo luận về công tác phòng chống thiên tai của các địa phương, tăng cường phối hợp giữa cơ quan Trung ương và địa phương cũng như truyền thông nâng cao năng lực cho cộng đồng về phòng chống, ứng phó với thiên tai. Từ đó, kiến nghị các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm yêu cầu cấp bách trước mắt và lâu dài trong công tác phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL