Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông- TTTT), 3 tháng đầu năm 2023, ghi nhận hơn 3.765 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Bà D.T.X. (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, một người tự xưng là người nhà mạng gọi đến thông báo cước điện thoại của gia đình bà tăng đột biến, lên tới 13 triệu đồng/tháng. Người này nói nghi ngờ gia đình bà có gọi điện ra nước ngoài bàn chuyện ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Đề nghị bà cung cấp số định danh Căn cước công dân (CCCD) để xác minh, nếu không sẽ bàn giao hồ sơ cho cơ quan công an. Biết là lừa đảo nên bà X lập tức cúp máy.
Hoặc trường hợp lợi dụng việc Bộ TTTT đang thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao, nhiều đối tượng đã gọi đến đề nghị anh N.V.S. (Ba Đình, Hà Nội) cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa thuê bao, tuy nhiên thuê bao của anh S không nằm trong diện phải chuẩn hóa. Đó là 2 trong số những người dùng may mắn không vướng phải cạm bẫy các cuộc gọi lừa đảo, nhưng nhiều người không gặp may như vậy.
Một số ý kiến cho rằng, không ai có thể an toàn một mình trên môi trường Internet. Điều mà người dùng cá nhân hay doanh nghiệp thực sự cần lưu ý là cẩn thận với mọi thứ ở trên Internet và với thông tin nhạy cảm của bản thân. Người dùng luôn cẩn thận với email, cuộc gọi điện thoại hoặc tin nhắn đáng ngờ.
Ông Nguyễn Phú Lương – Phó phòng Giám sát an toàn thông tin - Cục An toàn thông tin cho hay, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân là khởi phát cho tình trạng lừa đảo trực tuyến khi đối tượng xấu sử dụng dữ liệu thông tin này nhằm mục đích trục lợi. Các tình huống dẫn đến lộ, lọt dữ liệu cá nhân diễn ra muôn hình vạn trạng. Trong đó, nguyên nhân có thể do vô tình nhưng cũng có thể đến từ sự cố tình.
Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, 80% nguyên nhân lộ, lọt thông tin cá nhân xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng khi chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng. Đây là những cơ hội thuận lợi để đối tượng xấu thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân nhằm mục đích trục lợi.
Theo ông Lương, Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp tuyên truyền cho người dân tự bảo vệ trên không gian mạng như: Cẩm nang bảo đảm an toàn thông tin trong đó có hướng dẫn các biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân, tài khoản; xây dựng, phát triển kênh, cổng không gian mạng quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin đặc biệt là lừa đảo trực tuyến; thiết lập cổng thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân…
“Việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng cần được quan tâm để tránh tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng. Mỗi người dân nên quan tâm hơn tới vấn đề bảo mật thông tin” - ông Lương khuyến cáo.
Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng:
Các nhà mạng cần quản lý chặt dịch vụ
Các vụ lừa đảo qua điện thoại trước hết trách nhiệm thuộc về các nhà mạng trong quản lý sim, đặc biệt là sim rác. Nếu các nhà mạng quản lý được sim, dịch vụ do mình cung cấp thì cơ quan công an sẽ điều tra được các đối tượng lừa đảo. Vừa qua chính là do không quản lý được sim rác nên mới bị lợi dụng để lừa đảo. Do đó về giải pháp cần ngăn chặn tình trạng sim rác. Tăng cường điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lừa đảo qua điện thoại. Từ đó đưa ra xét xử để làm gương một số vụ. Bản thân mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tự trang bị kiến thức nhất định cho mình, không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không truy cập vào các đường link lạ, các nguồn thông tin không chính thống, không xác thực thông tin làm theo hướng dẫn của người lạ gọi qua điện thoại.
Bên cạnh đó, về phía các cơ quan chức năng cần có các giải pháp về mặt kỹ thuật để chặn các đầu số lừa đảo từ nước ngoài, cũng như thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong đấu tranh, phòng chống tội phạm lừa đảo qua điện thoại, môi trường mạng.