Dân làng đổ xô đi chôn cất các nạn nhân, đào bới bằng tay qua đống đổ nát giữa những ngôi nhà để tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất kinh hoàng ở miền đông Afghanistan khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng.
Người dân nơi đây dường như chủ yếu phải tự mình giải quyết hậu quả, trong khi chính phủ mới do Taliban lãnh đạo và cộng đồng viện trợ quốc tế phải vật lộn để giúp đỡ.
Dưới bầu trời u ám ở tỉnh Paktika, tâm chấn của trận động đất ngày 22/6, nơi hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, những người đàn ông đã đào nhiều rãnh dài trên sườn núi nhìn ra ngôi làng của họ. Họ cầu nguyện cho hơn 100 thi thể được bọc trong chăn và sau đó chôn cất.
Tại các ngôi làng trên khắp huyện Gayan, các gia đình đã bắt đầu dỡ bỏ mảnh gỗ của những mái nhà bị sập và dùng tay kéo đá để tìm kiếm những người thân còn mất tích.
Lực lượng Taliban vẫn thường xuyên qua lại trong khu vực, nhưng chỉ một số ít được nhìn thấy giúp người dân đào bới đống đổ nát.
Nhiều cơ quan viện trợ quốc tế đã rút khỏi Afghanistan khi lực lượng Taliban lên nắm chính quyền gần 10 tháng trước.
“Chúng tôi yêu cầu các Tiểu vương quốc Hồi giáo và cả đất nước giúp đỡ chúng tôi”, một người sống sót tên là Hakimullah cho biết. “Chúng tôi không có bất cứ thứ gì, thậm chí không có một cái lều để ở”.
Trận động đất mạnh 6 độ Richter đã tấn công một quốc gia vốn đã gần như kiệt quệ sau nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Theo Hãng thông tấn Bakhtar của nhà nước Afghanistan, trận động đất đã cướp đi sinh mạng của 1.000 người, ước tính có thêm 1.500 người bị thương. Trong lần kiểm đếm độc lập đầu tiên, Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết khoảng 770 người đã thiệt mạng ở Paktika và tỉnh Khost lân cận.
Không rõ liệu tổng số thiệt hại về người và của là bao nhiêu, do có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các khu vực bị ảnh hưởng.
Con số thương vong hiện tại đã khiến thảm họa ngày 22/6 ở Afghanistan trở thành trận động đất chết chóc nhất trong hai thập kỷ và các quan chức tiếp tục cảnh báo con số này vẫn có thể tăng lên.
Cứu hộ khó khăn
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8 trong bối cảnh Mỹ và NATO rút quân, thế giới đã rút lại nguồn tài chính và viện trợ phát triển vốn là "nguồn sống" chính của Afghanistan.
Nền kinh tế sụp đổ, khiến hàng triệu người không đủ tiền mua lương thực; nhiều cơ sở y tế đóng cửa khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Gần một nửa dân số 38 triệu người phải đối mặt với mức độ khủng hoảng về mất an ninh lương thực.
Nhiều cơ quan viện trợ và phát triển cũng rời đi sau khi Taliban nắm chính quyền. LHQ và các cơ quan còn lại cho biết họ đang chuyển chăn, thực phẩm, lều trại và đội y tế đến khu vực này.
Nhưng chắc không còn kịp vả lại các cơ quan của Liên hợp quốc phải đối mặt với khoản thiếu hụt 3 tỷ USD tài trợ cho Afghanistan trong năm nay.
Điều đó có nghĩa là sẽ có những quyết định khó khăn về việc ai sẽ nhận được viện trợ, Peter Kessler, Phát ngôn viên của cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết.
Adnan Junaid, Phó Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ Quốc tế khu vực châu Á cho biết, các trung tâm y tế địa phương vốn đang phải vật lộn để chữa trị các trường hợp suy dinh dưỡng, giờ đã quá tải với những người bị thương do trận động đất.
Junaid nói: “Những thiệt hại mà thảm họa này gây ra đối với các cộng đồng địa phương sẽ rất thảm khốc và tác động của trận động đất đối với các hoạt động nhân đạo vốn đã kéo dài ở Afghanistan là một nguyên nhân đáng lo ngại”, Junaid nói.
Bộ Quốc phòng của Taliban cho biết họ đã gửi 22 chuyến bay trực thăng để vận chuyển những người bị thương và tiếp tế.
Tuy nhiên, các nguồn lực của Taliban cũng rất eo hẹp do cuộc khủng hoảng kinh tế. Với xuất phát điểm là lực lượng nổi dậy đã chiến đấu trong 20 năm chống lại Mỹ và NATO, Taliban phải vật lộn để thực hiện quá trình chuyển đổi sang chế độ cầm quyền.
Ấn Độ cho biết họ đã cử một đội kỹ thuật đến đại sứ quán của họ ở Kabul để điều phối việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo, nhưng không cho biết chi tiết về đội hoặc hàng hóa cứu trợ.
Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sherif cho biết trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Taliban Mullah Hasan Akhund, Pakistan cũng đã mở một số cửa khẩu biên giới gần đó để cho phép tiếp nhận những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Đức, Na Uy và một số quốc gia khác thông báo họ đang gửi viện trợ cho nạn nhân trận động đất, nhưng nhấn mạnh rằng họ sẽ chỉ làm việc thông qua các cơ quan của Liên hợp quốc, không phải với Taliban.
Tại tỉnh Paktika, trận động đất đã làm rung chuyển một khu vực nghèo đói sâu sắc, nơi cư dân kiếm sống trong một vài khu vực màu mỡ giữa những ngọn núi gồ ghề. Đường đi khó đến nỗi từ Kabul đến một số ngôi làng ở quận Gayan phải mất cả ngày, mặc dù chỉ cách 175 km.
Một cậu bé 6 tuổi ở Gayan đã khóc khi nói rằng cha mẹ, hai chị gái và một anh trai của mình đều đã chết. Cậu may mắn thoát nạn khi ngôi nhà đổ sụp và đi lánh nạn với những người hàng xóm.
Trong khi các tòa nhà hiện đại có thể chịu được động đất 6 độ Richter, thì những ngôi nhà bằng gạch bùn và những ngọn núi dễ bị lở đất ở Afghanistan đã khiến những trận động đất như vậy mang sức tàn phá nặng nề hơn.
Một người đàn ông, Rahim Jan, đứng bên trong ngôi nhà giờ chỉ còn một vài bức tường gạch bùn trơ trọi với những tấm gỗ lợp mái nghiêng xung quanh.
“Ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, tất cả đồ đạc của tôi đều biến mất”, anh nói. “Tôi đã mất 12 thành viên gia đình trong gia đình”.