Mùa tuyển sinh 2019, sẽ có gần 100 ngành đào tạo đại học (ĐH) mà thí sinh (TS) sẽ được xét tuyển thẳng. Cụ thể, trong công văn hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh năm 2019, Bộ GDĐT công bố 96 ngành xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển được tập trung hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH.
Các đối tượng được xét tuyển thẳng bao gồm: TS đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; TS đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia; TS đạt giải kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế...
Thoạt nghe thì có vẻ không liên quan, nhưng nếu kết nối vụ việc phản ứng của phụ huynh tại Hải Phòng về kết quả cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia 2019 (VISEF) phía Bắc (diễn ra trong 4 ngày từ ngày 9 đến 12/3), họ kiến nghị về việc một số đề tài đoạt giải nhất tại cuộc thi này “có vấn đề” mà vẫn được trao giải nhất…thì sẽ thấy ít nhiều có liên quan.
Những phụ huynh có con dự thi cuộc thi này đã chỉ ra rằng: một số đề tài được chấm giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia 2019 có dấu hiệu vi phạm quy chế, quy định của cuộc thi. Rất nhiều đề tài được lựa chọn trao giải là những đề tài có ý tưởng trùng lặp với công trình khoa học đã được công bố rộng rãi và thậm chí là các sản phẩm thương mại đang được bán phổ biến trên thị trường. Nhiều đề tài được lựa chọn trao giải chưa đáp ứng được tính sáng tạo, tính mới, hàm lượng khoa học, phương pháp tiến hành nghiên cứu công trình khoa học, nhất là khả năng thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này khiến phụ huynh nghi ngờ về cách thức và các tiêu chí đánh giá chất lượng đề tài.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT): Nghiên cứu của HS không phải là nghiên cứu độc lập mà thường có sự kế thừa từ các nghiên cứu trong cùng lĩnh vực đã được thực hiện trước đó. Tiêu chí cuộc thi yêu cầu HS phải xác định rõ được sự đóng góp của mình vào lĩnh vực nghiên cứu. Như vậy, dù các em có thể nghiên cứu cùng một vấn đề của các nghiên cứu trước đó, nhưng có sáng tạo trong phát hiện vấn đề cần giải quyết, cách đưa ra giải pháp khác nhau, thì đó chính là đóng góp mới; Các dự án cần phải thể hiện được sự đóng góp của HS vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học hoặc thực tiễn. Đánh giá các dự án phải đánh giá phân tích yêu cầu khoa học, nhu cầu thực tế sự sáng tạo của HS.
Dẫu thế, ngay sau khi Hội đồng thẩm định cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia kết luận các dự án mà phụ huynh “tố” đều phù hợp với kết quả đánh giá của Ban Giám khảo cuộc thi. Các phụ huynh lập tức phản pháo, tiếp tục gửi đơn kiến nghị.
Xin được nói rõ, năm học 2018 - 2019 là năm thứ 7 Bộ GDĐT tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã thu hút 896 HS các trường phổ thông trên cả nước tham gia với 481 dự án ở 21 lĩnh vực. Kết thúc cuộc thi khu vực phía Bắc, Bộ GDĐT đã trao 15 giải Nhất, 27 giải Nhì, 43 giải Ba và 54 giải Tư cho các thí sinh.
Cho đến thời điểm này, phía phụ huynh vẫn không phục kết quả chấm thẩm định, còn Hội đồng thẩm định xác nhận, 3 dự án mà phụ huynh đề cập đến phù hợp với kết quả đánh giá của Ban Giám khảo Cuộc thi. Trong phần kiến nghị của mình, các phụ huynh băn khoăn, mong muốn các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ và đảm bảo sự công bằng, niềm tin cho các học sinh…
Nếu chiểu vào quyền lợi của các thí sinh dự xét tuyển thẳng vào ĐH năm 2019, thì hẳn đó còn là quyền lợi của các em.