Xã hội

Ai được tăng lương từ 1/7/2024?

Ngọc Quang 11/03/2024 10:01

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện chế độ lương mới sẽ có 3 nhóm đồng loạt tăng, gồm lương công chức, lương hưu và lương tối thiểu vùng. Tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

anhbenphai67.jpg
Một phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, bàn về tăng lương tối thiểu năm 2024. Ảnh: Gia Đoàn.

Mới đây, trả lời ý kiến của cử tri một số tỉnh gửi đến sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, liên quan chính sách tiền lương mới, Bộ Nội vụ cho biết căn cứ Kết luận 64 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024, Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương, từ ngày 1/7/2024.

Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Mặt khác, Bộ Nội vụ cho biết, theo chức năng được Chính phủ phân công, các cơ quan liên quan sẽ trình Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới.

Từ ngày 1/7/2024, nhóm thứ nhất được tăng lương là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp, dự kiến sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Tại Nghị quyết 104/2023 Quốc hội khóa XV, về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Theo đó, trong chính sách tiền lương mới sẽ mở rộng quan hệ tiền lương. Với việc mở rộng quan hệ tiền lương thì mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao (so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay). Đồng thời, mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm với hệ số 2,68 (cao hơn so với hệ số 2,34 hiện nay). Được biết, với hệ số 2,34 thì công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương Bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12. Do đó, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến sẽ cao hơn (so với con số 18 triệu đồng hiện nay).

Với nhóm thứ hai, người hưu trí và đối tượng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Hiện mức tăng chưa rõ. Bảo hiểm xã hội đề nghị tăng 8%, trong khi lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng mức tăng 15% mới hợp lý (nếu so với mức tăng bình quân 23,5% đối với người đang làm việc). Tới nay, trước khi trình Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, để thực hiện từ 1/7/2024. Dự kiến Nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ trình Chính phủ vào tháng 5/2024.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Con số từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính tới tháng 7/2023, mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền ít ỏi mà người lao động nhận được sau thời gian dài đóng bảo hiểm xã hội; khiến người hưu trí và nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi mà giá cả leo thang. Không chỉ đối với những loại hàng hóa thiết yếu, mà còn đối với giá thuốc và tiền điều trị bệnh tật.

Thông tin từ Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, Việt Nam đang là 1 trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên thực tế, người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật. Với người trên 60 tuổi, bình quân mắc 3-4 bệnh. Người trên 80 tuổi mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, mà cụ thể là vấn đề tài chính.

Bên cạnh tăng lương cán bộ, công chức, viên chức, người hưu trí và đối tượng trợ cấp xã hội, từ ngày 1/7 tới, lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, thì tiền lương tối thiểu sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.

Như vậy, sau khi điều chỉnh tăng thì mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng. Hiện hành, tiền lương tối thiểu vùng dao động từ 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng.

Với mức tăng 6%, lương tối thiểu cũng tăng tương ứng ở các vùng như sau: Vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai được tăng lương từ 1/7/2024?