Ai phải chịu trách nhiệm?

Bắc Phong 18/10/2022 06:47

Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đáng chú ý, giám sát đã cho thấy hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, có xu hướng tăng dần qua các năm.

Cụ thể, tổng hợp báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021, số dự án chậm tiến độ như sau: Năm 2016 là 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án.

Theo kết quả giám sát, hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ, điển hình là: Dự án tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội); Tuyến đường sắt số 1: Bến Thành - Suối Tiên; Tuyến đường sắt số 2: Bến Thành - Tham Lương (TP Hồ Chí Minh)... Tại các tỉnh, Bình Dương có 55 dự án chậm tiến độ. Thanh Hóa có dự án nhóm B (có 3 mức đầu tư, từ 60 tỷ đồng đến 2.300 tỷ đồng) kéo dài 13 năm. Long An có 17 dự án nhóm B bố trí vốn kéo dài từ 6 đến 17 năm...

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong đấu thầu, quản lý, sử dụng vốn, tổ chức triển khai thực hiện dự án; với rất nhiều dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án; năm 2017 là 840 dự án; năm 2018 là 422 dự án; năm 2019 là 125 dự án; năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án.

Dẫn báo cáo của Bộ Công an (ngày 27/6/2022) Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho biết có rất nhiều dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự, trong số 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795 tỷ đồng...

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, dự án đầu tư công chậm tiến độ là vấn đề nhức nhối gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng rất lớn tới việc phát huy hiệu quả đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần hối thúc giải ngân, hối thúc tiến độ các dự án đầu tư công nhưng chuyển biến vẫn chậm chạp. Có thể nêu ví dụ: ngày 7/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, nhà thầu thi công và thành phố Hà Nội về dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”. Đây là dự án có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án khởi công từ năm 2008 với dự kiến hoàn thành năm 2015. Song tại thời điểm tháng 8/2022 (đã chậm 7 năm) nhưng tiến độ dự án mới đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34 ngàn tỷ đồng.

Khảo sát trực tiếp tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ những yếu kém, do chậm tiến độ đã làm mất vốn của nhà nước với số tiền rất lớn.

Thực tế cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đang đặt ra nhiều thách thức. Cần phải trả lời được câu hỏi tại sao lại để các dự án đội vốn kéo dài nhiều năm? Có “lợi ích nhóm” trong các dự án đầu tư công không? Và ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Dư luận cho rằng cần phải truy trách nhiệm tới cùng đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm; nếu không dự án sẽ vẫn chậm trễ, kéo dài, lãng phí và thất thoát tài sản của nhà nước, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng cần nhắc lại, ngày 14/9, tại phiên họp 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho biết, kết quả giám sát được phản ánh tại báo cáo đầy đủ dài 89 trang, báo cáo tóm tắt 15 trang với 42 phụ lục dài 988 trang. Dẫu thế, ông Cường cũng cho biết báo cáo giám sát vẫn chưa cụ thể được đầy đủ thông tin, số liệu của cả nước do các bộ, ngành, địa phương không báo cáo đầy đủ nội dung theo yêu cầu của đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội nhấn mạnh: “Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả cần sớm đánh giá, dừng thực hiện”.

Đó là thông điệp rất mạnh mẽ đối với việc chậm trễ triển khai các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, dư luận vẫn mong mỏi cùng đó là việc truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan vì không thể không có người chịu trách nhiệm khi những nguồn vốn khổng lồ bị phung phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai phải chịu trách nhiệm?