Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ (ngày 7/7), 11 người đã ứng cử vị trí này. Các cuộc bỏ phiếu nội bộ giữa các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã diễn ra và 2 ứng viên bước vào “cuộc đấu” cuối cùng là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (giành được 137 phiếu) và Ngoại trưởng Liz Truss (giành được 113 phiếu).
Trong vòng tiếp theo cũng là vòng cuối cùng, khoảng 200.000 đảng viên đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để chọn bà Truss hoặc ông Sunak làm tân lãnh đạo, cũng có nghĩa là người sẽ trở thành Thủ tướng nước Anh cho tới khi tiến hành tổng tuyển cử. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 5/9/2022. Nếu ông Sunak đắc cử, nước Anh sẽ có Thủ tướng da màu đầu tiên. Còn trong trường hợp bà Truss chiến thắng, nước Anh sẽ có nữ Thủ tướng thứ ba trong lịch sử (sau bà Margaret Thatcher và bà Theresa May).
Ngay sau khi đạt được số phiếu cần thiết để bước vào cuộc đua cuối cùng, bà Liz Truss đã cảm ơn các nhà lập pháp đã ủng hộ bà. "Tôi tranh cử để giành chiến thắng" - bà nói và cam kết: "Khi trở thành Thủ tướng, tôi sẽ nỗ lực làm việc ngay từ ngày đầu tiên, đoàn kết đảng và điều hành đất nước phù hợp với các giá trị của đảng Bảo thủ".
Bà Liz Truss, 46 tuổi, giữ chức Ngoại trưởng Vương quốc Anh từ tháng 9/2021. Ban đầu bà Truss ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Tuy nhiên, bà thay đổi quan điểm vào năm 2017. Bà Truss được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 12/2021. Bà được cho là người có lập trường cứng rắn với Brussels trong các cuộc đàm phán hậu Brexit, đưa nước Anh ra khỏi EU.
Còn ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, người đang dẫn đầu cuộc đua viết trên Twitter: "Tôi cảm thấy rất biết ơn khi các đồng nghiệp đặt niềm tin vào tôi. Tôi sẽ làm việc ngày đêm để đưa thông điệp của chúng ta đi khắp đất nước. Chúng ta cần khôi phục lòng tin, xây dựng lại nền kinh tế và đoàn kết đất nước".
Ông Rishi Sunak, 42 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 2/2020 đến ngày 5/7/2022, đóng vai trò chèo lái nền kinh tế Anh trong đại dịch và hậu Brexit. Ông từ chức sau khi bê bối tiệc tùng giữa phong tỏa Covid-19 của Thủ tướng Johnson bị phanh phui. Quyết định của ông được cho là dẫn đến việc ông Johnson phải từ chức vì áp lực trong đảng Bảo thủ.
Giới quan sát chính trường nước Anh cho rằng, dù ông Sunak hay bà Truss trở thành Thủ tướng Anh thì cũng đều phải đối mặt với những thử thách lớn, khi lạm phát ở Anh tăng cao, tăng trưởng đình trệ và đồng Bảng Anh ở gần mức thấp lịch sử so với đồng USD. Tình hình nước Anh hiện tại được cho là gần giống với những năm 1970, thời kỳ nền kinh tế bị thu hẹp, lạm phát tăng vọt và các cuộc đình công nổ ra trên diện rộng. Nước Anh chưa lặp lại kỷ nguyên này, nhưng mối đe dọa đang hiện hữu. “Đó là điều tồi tệ nhất kể từ năm 1945”- nhận xét của Oxford Economics.
Còn theo tiến sĩ Andrew Goodwin, với các hộ gia đình thu nhập thấp, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi những thứ mà họ chi tiêu nhiều như thực phẩm, xăng dầu và năng lượng đang tăng giá nhanh nhất. Do đó, tỷ lệ lạm phát của họ sẽ còn cao hơn. “Cho dù bà Truss hay ông Sunak có hứa hẹn hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho người dân đi chăng nữa”.
Dù nhiều quốc gia khác cũng đang hứng cú sốc kinh tế như Anh, nhưng theo tiến sĩ Jagjit S.Chadha - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh, thì tình hình được xem là đặc biệt khó khăn, khi nó đang phơi bày các vấn đề đã tồn tại trong một thời gian dài và khiến nền kinh tế trở nên bấp bênh. "Đây là bức tranh u ám mà Thủ tướng Anh tiếp theo và nội các của họ phải đối mặt" - ông Chadha nói và nhận xét, một trong những di sản đáng tự hào nhất của ông Boris Johnson là hoàn thành Brexit, nhưng đó lại là “di sản không chắc chắn” khi người dân Anh không nhìn thấy lợi ích kinh tế từ quyết định rời EU.
Một trong những khó khăn nữa đối với tân Thủ tướng nước Anh chính là “vai trò dẫn dắt” đồng minh trong cuộc chiến ở Ukraine. Ông Boris Johnson trên cương vị Thủ tướng nước Anh ngay từ khi chiến sự nổ ra đã đưa ra những quyết định cứng rắn đối với nước Nga, đồng thời hỗ trợ tài chính và vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Trong bối cảnh ấy, bà Truss hay ông Sunak phải “tiếp quản” thì cũng đều không hề dễ dàng.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1982 trong bối cảnh giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại quốc gia này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên 9,4%, so với 9,1% trong tháng 5. Tỷ lệ lạm phát của Anh đã tăng trong 9 tháng liên tiếp, từ mức 2,5% vào tháng 6/2021. Anh hiện có tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Trong khi đó dự báo lạm phát tại nước này có thể lên đến 11% vào mùa thu năm nay.