Tại khoảng sân rộng của Gác Thọ Lộc- ngôi nhà bên dòng sông Thọ Lộc nhìn ra Đập Đá của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ở Huế, chúng tôi ngồi nói chuyện dưới tán cây bàng cổ thụ rợp bóng.
Lăng đá Linh Đàm
Giữa tháng 6/2020, tôi cùng nhóm nghiên cứu lịch sử họ Hồ đến Huế. Nhóm gồm: TS. Hồ Cảnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Phú Quốc, bay từ Phú Quốc ra; KTS Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam đi ô tô từ Đà Nẵng đến; GS.TS, Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đi từ Hà Tĩnh vào; TS Trần Thái Hà - nhà nghiên cứu lịch sử từ TP Hồ Chí Minh bay ra…
Chuyến đi này chỉ nhằm một mục đích: Tận mắt xem địa điểm mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhóm nghiên cứu của ông cho là lăng mộ xưa của hoàng đế Quang Trung.
Theo ông Xuân, từ những năm 1961 đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên ở xứ Huế, hay kể cả ở tỉnh khác dẫu không về sống, gắn bó với xứ Huế đều tự cho mình có một sứ mệnh – Tìm ra lăng mộ vua Quang Trung. Có thể kể đến những nhà nghiên cứu như: Nguyễn Thiệu Lâu, Bửu Kế, Lê Văn Hoàng, Phan Huy Lê, Nguyễn Hữu Đính, Trần Viết Điền, Nguyễn Văn Lưu, Trần Đại Vinh, Đỗ Bang, Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Nguyễn Đình Hòe, Hồ Tấn Phan…
Linh Đường (lăng đá ở giữa bán đảo hồ Linh Đàm, Hà Nội) là một giả thiết coi là lăng mộ Quang Trung. Vì khi vua Quang Trung mất, triều đình cử Ngô Thì Nhậm sang nhà Thanh báo tang. Trong tờ biểu có nói: “Vâng lời dặn của vua Quang Trung, sau khi chết táng ở Tây Hồ Bắc thành để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết. Vua nước Thanh tin lời, ban tên thụy là Trung Thuần và làm một bài thơ để viếng. Lại cho thêm một pho tượng Phật 3.000 lạng bạc để lo việc tang ma và phái án sát Quảng Tây là Thành Lâm sang làm lễ tại Linh Đường. Đại Nam chính biên liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn) sơ tập, quyển 30 còn ghi trong bài tế của nhà Thanh có câu: “Chúc phúc ngôi nam cực, lòng trung đã tỏ trước sân triều. Yên giấc ở Tây Hồ, dù hết đời không quên quyến luyến cửa khuyết”. Bài thơ viếng ấy còn khắc cả vào đá dựng bên tả mộ.
Tuy nhiên, năm 1989, sau khi ngôi mộ được khảo cổ, GS Nguyễn Lân Cường cho biết: Chủ nhân ngôi mộ này là bà phi Nguyễn Thị Hoa Dung của chúa Trịnh Sâm…
Lăng Ba Vành
Giả thiết thứ hai là lăng Ba Vành (mộ được bao bọc bởi ba lớp thành bằng đá ong nên người dân gọi là mộ Ba Vành) ở Cư Chánh, xã Thủy Bằng (TP Huế). Nguyên do bắt nguồn từ linh mục Léopold Cadière - Chủ bút tập san Đô thành hiếu cổ của Hội Những người bạn của Huế xưa. Nhà khảo cứu Nguyễn Thiệu Lâu, giáo sư sử địa Trường trung học Khải Định (tức Trường Quốc học Huế) trong bài “Lăng Hoàng đế Quang Trung” trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) số 99 ngày 15/2/1961 viết: “Sở dĩ tôi đi tìm lăng ngài Quang Trung là do cha Cadière, một nhà khảo cứu, đã bảo tôi: “Le tombeau de Nguyễn Huệ est dans la région montagneuse, a l’Ouest de Hue. Cherchez le et vous en ferez une étude”. Dịch ra tiếng Việt như sau: Lăng Nguyễn Huệ ở trong miền núi, phía Tây thành phố Huế. Ông hãy đi tìm lăng ấy và ông sẽ khảo cứu”. Và vào năm 1941, tại vùng đồi gần lăng Khải Định, ông đã tìm thấy một ngôi mộ hoang bị đào bới, bao quanh là ba vòng thành. Trước mộ có một tấm bia nhưng chữ bị đập vỡ…
Nhưng trên tạp chí Bách Khoa số 101 ngày 1/4/1961, nhà nghiên cứu Bửu Kế có bài “Từ lăng Sọ đến lăng Ba Vành”. Nội dung cho rằng đó là lăng của Ý đức hầu Lê Quang Đại (người làng Đồng Di, huyện Phú Vang cũ, Hộ bộ kiêm Binh bộ tại Chính dinh Phú Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, mất năm 1745).
Năm 1988, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền tìm thấy trong khuôn viên của đình làng Xuân Hòa (xã Hương Long, TP Huế) một ngôi mộ có hai vòng thành. Bia mộ khắc: “Bản thổ Hộ Bộ kiêm Binh Bộ hành hạ Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ Lê Quý Công chi mộ”. Ông Trần Viết Điền cho rằng lăng của ngài Lê Quang Đại chính là đây.
Vì thế, tại Hội thảo “Đi tìm lăng mộ Quang Trung” do UBND TP Huế chủ trì vào ngày 22/9/1988 đã kết luận: Lăng Ba Vành chưa rõ chủ nhân, đề nghị tiếp tục nghiên cứu…
Chỗ nào của Nam sông Hương?
Từ lúc tóc còn xanh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đi tìm các vị trí ở phía Nam sông Hương nghi có lăng Quang Trung. Ông kể: Cũng như tôi, nhiều nhà nghiên cứu đều biết Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30, trang 43a có ghi: “Quang Toản tự ngụy vị, thập nguyệt táng vu Hương Giang chi nam”. Vừa đọc, ông Xuân vừa chỉ tay vào trang sách. Dù không thạo chữ Hán nhưng vì có người dịch sẵn ra giấy, nên ông đọc tiếp lời dịch: “Quang Toản tự ngụy lập lên ngôi, tháng 10, an táng (vua) ở phía Nam sông Hương”.
Chỗ nào trong vài km của nam sông Hương?. Mà giả sử có tìm được đúng nơi thì vết tích sẽ còn lại những gì khi chính sử nhà Nguyễn đã ghi triều đình “tận pháp trừng trị” đào mộ và nghiền cốt Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc.
Tìm ở thơ?
“Tôi sử dụng nghiên cứu liên ngành” – ông Xuân nói - “Tôi tìm đọc các tác phẩm của những người thân cận nhất với Quang Trung. Tôi đã nhờ người sao chụp bài thơ “Hoài cảm” của Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) từ trong tập Hoàng hoa đồ phả (trang 12a và 12b) ký hiệu A.2871 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Bài “Hoài cảm” được Thượng thư bộ Binh kiêm thị trung đại học sĩ Ngô Thì Nhậm viết sau khi vua Quang Trung băng hà (1792). Đó là khi Ngô Thì Nhậm thay mặt triều đình Tây Sơn sang Trung Hoa, trước để báo tang, sau để cầu phong cho vua Nguyễn Quang Toản.
Trong bài “Hoài cảm” có câu: “Đan Dương cung điện nguyệt tam thu”. Nghĩa là: “Ở cung điện Đan Dương một tháng bằng ba thu”. Ông Xuân nói: “Cái hay đáng giá hơn ngàn vàng là ở nguyên chú của câu thơ này…
Nguyên chú được Mai Quốc Liên và Ngô Linh Ngọc dịch nghĩa, không phiên âm như sau: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta, quan san xa cách lâu ngày không được trông coi, trông vời viên lăng không ngăn được tấm lòng một ngày bằng ba thu”.
Còn Vĩnh Cao phiên âm và dịch nghĩa: “Đan Dương cung điện phụng ngã Tiên hoàng tàng bảo y chi sơn, quan thành chiêu đệ chiêm phụng cửu khuê, kì vọng viên lăng bất cấm nguyệt tam thu chi tưởng dã” nghĩa là: “Nên lăng tẩm chôn cất thân xác, theo lệnh Tiên hoàng nhà ta - tại điện Đan Dương, tuy thật xa xôi cách trở núi sông nhưng được mãi mãi ngóng nhìn, để không mất lòng tưởng nhớ”.
Lê Nguyễn Lưu phiên âm, dịch nghĩa: “Đan Dương cung điện phụng ngã Tiên hoàng tàng bảo y chi sơn, quan? thiều đệ chiêm phụng cửu khuê, kì vọng viên lăng bất? nguyệt tam thu chi tưởng dã”. Nghĩa là: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng kính giữ bảo y của Tiên hoàng ta, núi sông xa cách, lâu chẳng trông nom, trông ngóng viên lăng, những tưởng chẳng khác gì một tháng dài như ba thu vậy”.
Dù vốn chữ Hán ít ỏi, nhưng người viết nhận thấy cả ba bản dịch đều chưa thật chuẩn xác. Ở bản dịch của Mai Quốc Liên, Ngô Linh Ngọc và Lê Nguyễn Lưu thì tương đối sáng sủa. Thế nhưng ở hai bản dịch này lại “gán” thêm chữ “lăng” vào sau chữ “Đan Dương cung điện” để dịch thành “Cung điện Đan Dương là sơn lăng…”. Bản dịch của Vĩnh Cao khiên cưỡng muốn “gán” cho việc “an táng” của vua ở Đan Dương nên cố ý dịch thành “Nên lăng tẩm chôn cất thân xác, theo lệnh Tiên hoàng nhà ta - tại điện Đan Dương” là không đúng với “nghĩa đen” chữ Hán viết.
Với các bản dịch không chuẩn này, người viết và nhóm nghiên cứu lịch sử họ Hồ nghĩ: Không thể gán cung điện Đan Dương chính là lăng mộ vua Quang Trung được.
Tuy nhiên, sau khi đọc thêm tài liệu của ông Xuân, người viết lại thấy rằng, quả thực chính Ngô Thì Nhậm đã có bài nhắc tới “Đan Dương lăng”. Đó là bài thơ “Khâm vãn Đan Dương lăng”:
Phiên âm:
Long ngự nan phan tử cực đường,
Kim nguyên trướng vọng cửu hồi đường,
Nhung y thần vũ lưu bằng tạ,
Phương sách anh mô địch hiến chương.
Trắc giáng hoàng linh khâm tại tả,
Bảo minh thánh dận ngưỡng đương dương.
Tài bồi thiên đức tư thù báo,
Khôn đạo vô tha lợi trực phương.
Dịch nghĩa:
Kính vãn lăng Đan Dương
Nhà vua đã cưỡi rồng lên nhà tử cực, khó mà vin theo.
Buồn trông chốn suối vàng quanh co chín khúc.
Võ công oanh liệt lưu lại để làm nơi nương tựa.
Mưu lược sáng ngời đã mở đường cho khuôn phép.
Anh linh nhà vua lên xuống, kính cẩn ở bên trái.
Nghiệp thánh gìn giữ phát huy, ngửa trông theo hướng nam.
Đức trời vun đắp, phải lo báo đáp,
Đạo quẻ khôn không gì ngoài lợi ở thẳng và vuông.
Thế nhưng, vẫn có một số ý kiến bác bỏ, cho rằng “Đan Dương lăng” là để chỉ chung lăng mộ của vua chứ không phải danh từ riêng. Hơn nữa, Ngô Thì Nhậm đi báo tang, báo lăng giả cho nhà Thanh thì sao có thể lộ ra thơ?...
Cung điện/lăng Đan Dương ở đâu?
Với niềm tin nội tâm mãnh liệt, ông Xuân tiếp tục tìm cung điện Đan Dương. Ông Xuân nói: Đại Nam chính biên liệt truyện, có viết vua Quang Trung trăng trối với triều thần: “Sau khi ta qua đời, chỉ nên làm lễ tang một cách sơ sài, trong vòng một tháng phải chôn cất”. Sách Lê quý dật sử cũng cho biết: vua dặn “để tang ngắn ngày, ba tháng thôi mặc áo tang”. Tin nhà vua băng hà được giữ kín tuyệt đối, sợ các đối thủ của vua có thể lợi dụng lúc triều đình đang bối rối để tấn công Phú Xuân. Do đó, việc mai táng thi hài vua ngay trong cung điện Đan Dương là có thể hiểu được.
Với bài văn tế Vũ Hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân của thượng thư bộ Lễ kiêm thị trung ngự sử Phan Huy Ích soạn cho nhà vua (Quang Toản) năm 1799 cũng nêu rõ nguyện vọng của bà được an táng ngay tại Đan lăng qua câu “Nguyện cũ hẳn nay lọn vẹn, bên Đan lăng quanh quất mạch liên châu”.
Chùa Thiền Lâm
Xác định cung điện/Lăng Đan Dương thế nào?. Ông Xuân nói: Trong phần nguyên dẫn bài thơ “Mùa xuân ở công quán ghi việc” trong tập “Dật thi lược toản” của Phan Huy Ích (1751-1822) viết: “Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ nằm phía nam sông Hương, nha thuộc cũng theo đến ở chung quanh chùa. Giữa tháng ba, tôi tới nhà trọ Kinh đô, cũng gần nơi ông ở. Chỗ này vườn tược rộng rãi, cây cối xanh um, bốn bề những núi cùng mây, mắt nhìn lòng nghĩ cũng khá thoải mái, trừ những đêm họp bàn việc công ra, còn thì tha hồ ngâm thơ uống rượu, kể cũng thú, duy nỗi lòng thương nhớ người nhà vẫn không nguôi…”.
Như vậy, theo nguyên chú này thì khi về kinh làm việc với thái sư, Phan Huy Chú trọ ở gần chùa Thiền Lâm. Ở phần dưới nguyên chú cho biết đó cũng là một ngôi chùa.
Đặc biệt trong tập có một bài thơ không đề (bài 266 trong tập) gồm 8 câu. Tại câu 6 “Đa tình hiệp khách hựu hà bôi” (Đa tình người khách thân cùng ta nâng chén) có câu chú ghi: “Thời thủ lăng chư tiểu giám sổ lai bồi tẩm” nghĩa là: “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”. Ông Xuân nói: “Lúc ấy, lăng của ai mà có đủ tiêu chuẩn để cử tiểu giám đến giữ, nếu đó không phải là lăng vua Quang Trung?. Lăng mà bọn tiểu giám giữ ấy ở đâu? Nếu ở xa thì chúng có thể “thường đến hầu rượu” Phan Huy Ích ở trong một ngôi chùa gần Thiền Lâm được không? Chắc chắn là không. Vậy ta lại có thêm một nhận định: Lăng Đan Dương tọa lạc gần chùa Thiền Lâm”.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lịch sử họ Hồ còn băn khoăn: Suy diễn về việc có tiểu giám giữ lăng mà quy luôn thành lăng vua Quang Trung thì liệu có khiên cưỡng?.
Vậy là từ việc tìm lăng Đan Dương, ông Xuân xoay qua tìm chùa Thiền Lâm.
Ông Xuân nói: Chùa Thiền Lâm được thể hiện qua bài thơ “Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác” của Phan Huy Ích. Câu nguyên chú mở đầu đã viết: “Tự tại Dương Xuân xã sơn, thử ư cựu Võ Hiếu Vương thời, viện vũ cao xưởng...” Nghĩa là: “Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân, bắt đầu dựng từ đời Võ Hiếu Vương, nhà cửa cao to”.
Tìm trong Đại Nam nhất thống chí soạn thời Tự Đức và sơ đồ các chùa Phật trong Hàm Long Sơn Chí của cư sĩ Điềm Tịnh ra đời từ cuối thế kỷ XIX, ông Xuân xác định địa điểm tọa lạc của chùa Thiền Lâm nằm trên đường Điện Biên Phủ hiện nay giữa một bên là Hậu Lộc Từ và một bên là nhà 150 Điện Biên Phủ thuộc ấp Bình An (Phường Trường An hiện nay). Đây mới là chùa “gốc” còn chùa Thiền Lâm khác là do khoảng năm 1897-1898, Pháp mở Nam Giao tân lộ (nay là đường Điện Biên Phủ) nên chùa phải chuyển vị trí.
Ông Xuân còn cho rằng: Đại Nam nhất thống chí viết thời vua Tự Đức đều ghi 5 ngôi chùa Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm, Viên Giác Thiền Lâm đều ở ấp Bình An (địa danh nhà Nguyễn đặt lại), nhưng khi đưa khắc in thì lại “cố tình” đưa chùa Thiền Lâm sang xã An Cựu. Còn 4 chùa kia giữ nguyên ở xã Bình An. Mục đích là muốn xóa luôn những gì liên quan đến chùa Thiền Lâm chăng?. Và ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng sự liên quan đó là với cung Đan Dương.
Nhóm nghiên cứu của ông Xuân đến ngôi chùa mới dựng lại trên nền cũ của chùa Thiền Lâm gặp Tỳ kheo Thích Chơn Trí và được biết: Năm 1988, tỳ kheo cùng 6 đệ tử đào đất trồng rau màu đã phát hiện dưới lòng đất có hàng vạn viên gạch vồ, đá táng cột lớn, đá làm bậc cấp và chân bia, các tấm bia đều bị đục hết chữ hoặc mài nhẵn. Điều đó chứng tỏ ở đây có những kiến trúc bị đập phá, chôn sâu dưới đất.
“Tỳ kheo Chơn Trí còn cho biết phía Bắc vườn chùa Thiền Lâm người ta đào móng xây nhà phát hiện nhiều hố chôn tập thể. Chứng tỏ đã có những cuộc giao chiến đẫm máu ở đây” – Ông Xuân nói.
Phủ Dương Xuân
Thích Đại Sán trong “Hải ngoại kỷ sự” cho biết quy mô của chùa Thiền Lâm rất rộng, nguy nga. Qua ghi chép lại cho thấy chùa rất gần phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn. Khoảng cách đi bộ chỉ trong khoảng quá nửa đêm (giờ Tý) đến lúc trống điểm canh ba.
Phủ Dương Xuân được Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) cho xây dựng vào năm 1680, dùng để ở tránh lũ lụt và gió mùa Đông.
Đại Nam nhất thống chí thời vua Tự Đức không viết phủ Dương Xuân ở đâu. Nhưng đến thời vua Duy Tân khắc in bộ sử này lại viết phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân; phía nam gò Dương Xuân có đàn Nam Giao. Đặc biệt, một câu viết về địa chỉ phủ Dương Xuân “mập mờ” càng khiến ông Xuân suy nghĩ: “Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ”. Nghĩa: Phủ Dương Xuân từ khi có loạn đến nay không biết chốn nào?. Có người cho là loạn của giặc Chày Vôi (Đoàn Trưng) nhưng ông Xuân cho đó là chỉ binh loạn Tây Sơn năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ đánh chiếm được Phú Xuân.
Ông Xuân lại được nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy cung cấp tư liệu của Pierre Poivre – một nhà buôn Pháp đã đến phủ Dương Xuân gặp chúa Võ Vương năm 1749. Pierre Poivre viết phủ Dương Xuân được xây dựng trên một cái gò (élévation).
Vậy là bỏ công chắp mối các nguồn tư liệu, tìm cái gò đáp ứng được từ khoảng cách đến chùa Thiền Lâm, tránh được lũ lụt, gió mùa Đông, nhóm nghiên cứu của ông Xuân chốt vị trí chính là chùa Vạn Phước.
Ông Xuân cho rằng: Năm 1786, giải phóng Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã chọn phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn làm dinh của mình. Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đã chọn phủ Dương Xuân làm cung điện Đan Dương.
Ông Xuân và cộng sự - nhà báo Phạm Thanh Tùng dẫn đoàn chúng tôi đến chùa Vạn Phước. Ở chân gò phía dưới chùa có mộ của học giả Phạm Quỳnh. Bên trong khu nghĩa địa có mộ của mẹ thượng thư Phạm Liệu, mộ thi sĩ Phạm Hầu (trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh có viết về thi sĩ này). Ông Xuân dẫn chúng tôi đến địa điểm nhỏ khoảng trăm mét đã từng được Viện Khảo cổ học đào năm 2016. Kết quả cho thấy có những chân tảng đá, trong đó có cả tảng đá lớn. Một số hiện vật này đã được đưa về nhà ông Nguyễn Hữu Oánh ngay sát chùa. Ông Nguyễn Hữu Oánh cũng cho biết đầu thế kỷ 20, ông nội ông đến ở thì khu này rất hoang tàn. Những vật liệu vỡ rất nhiều…
Ông Oánh nói: Sau chùa Vạn Phước có một bãi tha ma với nhiều mồ mả vô danh, dân chúng gọi là “mả loạn”. Trong vùng cấm địa ở chung quanh gò ấp Bình An (từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) có nhiều giếng quy mô, sâu, nước trong sạch, bị bỏ hoang, dân địa phương gọi là “giếng loạn”…
Tại nhà ông Oánh, nhóm nghiên cứu của ông Xuân đã thiết kế trưng bày tranh, ảnh, giới thiệu và hiện vật khai quật chứng minh phủ Dương Xuân chính là cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương, nay là địa điểm chùa Vạn Phước.
Tuy nhiên, các hiện vật thu được chưa thể khẳng định đích xác quy mô của cung điện hay lăng tẩm.
Đến nay, những “chắp mối” và suy luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và cộng sự vẫn tỏ ra có chút “căn cứ” và “xuôi tai” hơn cả. Nhóm nghiên cứu lịch sử họ Hồ và người viết sau khi tiếp nhận các hồ sơ của ông Xuân thấy rằng: Rất cần thiết tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ VHTTDL, Viện Khảo cổ học tiếp tục mở rộng quy mô và vị trí khảo cổ. Vì chỉ có khảo cổ, tìm được các hiện vật, mới có thể chứng minh được một cách chắc chắn.
Chắc rằng, sau những lần “tận pháp trừng trị”, lăng mộ vua Quang Trung vẫn còn sót lại một chút gì đó để thông tin lại với hậu thế.