Ám ảnh đầm lầy

Thế Tuấn      (Nguồn tham khảo: Condé Nast Traveler) 05/11/2015 17:02

Năm 2011, giới khoa học công bố tìm được một thi thể có niên đại 4000 năm tuổi tại đầm lầy Laois, Ireland. Nếu đúng thì đây là “xác ướp” được tìm thấy có tuổi đời cao nhất thế giới. Từ đó người ta nhận ra rằng, khi bị vùi thây trong đầm lầy, rất có thể người xấu số đó được ướp một cách tự nhiên.

Cá sấu đầm lầy được coi là loài động vật hoang dã hung tợn nhất

1. Xác ướp tìm thấy trong vùng đầm lầy Laois được xác định là một nam thanh niên trẻ trong tư thế cúi, bị bao bọc toàn thân bởi lớp than bùn. Nguyên nhân của cái chết rất khó xác định, nhưng giả thuyết đáng tin cậy nhất cho rằng, thanh niên đó đã bị chết ngạt khi xa chân xuống đầm lầy và bị nó nuốt chửng. Còn một giả thuyết khác cho rằng, nam thanh niên đó đã bị vùi xuống bùn trong một nghi lễ hiến tế.
Giả thuyết đó được ông Eamonn Kelly, thuộc bảo tàng Quốc gia Ireland đưa ra, trên cơ sở khám nghiệm những vết thương trên cơ thể nạn nhân. “Tôi cho rằng sự việc này xảy ra trong giai đoạn cuối của thời kỳ đồ sắt”-ông Kelly cho hay và nói thêm: “Rất có thể nạn nhân vụ hiến tế này là một vị vua trẻ đã mất ngôi. Đó là hậu quả họ phải nhận sau khi để mất vương quyền”.
Dù gì đi nữa thì người ta cũng buộc phải nghiên cứu nhiều hơn về đầm lầy. Những gì ẩn sâu dưới bề mặt bùn nước vẫn là những điều bí ẩn. Không ai có đủ can đảm để đi tới cùng của đầm lầy, vì rằng cái chết bất thình lình là không thể tránh khỏi.

Đi trong đầm lầy, không thể thiếu một cây gậy dò đường

Đầm lầy là một vùng đất ngập nước, nước đọng lại lưu cữu mà không có đường thoát. Tuy nhiên, bề mặt của nó lại không bằng phẳng, có chỗ lồi, chỗ lõm, đất khô xen lẫn đất ướt. Chúng thường được bao phủ bởi thảm thực vật thủy sinh, hoặc thảm thực vật có khả năng chịu đựng ngập lụt. Chính vì thế chúng đem đến sự khó lường cho con người. Người ta rất khó để nhận biết chỗ nào sẽ nguy hiểm, chỗ nào không. Chỉ sơ xảy một chút là có thể bị nuốt chửng.
Trong đầm lầy lại tồn tại nhiều loài động vật hoang dã hung tợn, nhất là cá sấu. Cá sấu đầm lầy được coi là sát thủ kinh hoàng bậc nhất, chúng lặn ngụp dưới nước, dưới bùn để rình bắt con mồi. Nhưng kinh khủng hơn là cá sấu đầm lầy có khả năng rượt đuổi con mồi cả ở những vùng đất cứng. Tốc độ của chúng khi chạy trên đất cứng không kém tốc độ của một con bò.
Những con trăn đầm lầy cũng đem lại nỗi ám ảnh cho bất cứ ai vô phúc lạc vào vùng đất mênh mông ấy. Chúng có thể lặng lẽ bám theo bạn rồi bất ngờ quăng thân quấn chặt, dìm người ta xuống bùn cho tới chết.
Nhưng ghê sợ hơn còn là những loài rắn đầm lầy. Chúng nhiều vô số kể và trong số đó có nhiều loài mang nọc độc giết chết con mồi chỉ trong tích tắc. Người ta không biết chúng ở đâu để tránh vì chúng là một trong những loài hoang dã tinh quái bậc nhất.

Ẩn trong khung cảnh thơ mộng là sự nguy hiểm chết người của đầm lầy

2. Trên thế giới có một số đầm lầy lớn. Nhưng lớn nhất chính là đầm lầy Vasyugan (phía tây Siberia của Liên bang Nga). Đầm lầy này rộng hơn cả nước Thụy Sĩ. Cùng đó có thể kể đến đầm lầy Sudd ở Okavango của châu Phi; đầm lầy Atchafalaya ở nước Mỹ...
Tuy cực kỳ nguy hiểm nhưng đầm lầy vẫn là nơi cuốn hút những người thích du lịch mạo hiểm, bởi lẽ đầm lầy chính là nơi thiên nhiên hoang dã nhất. Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler đã bình chọn 8 đầm lầy, rừng ngập nước đẹp nhất, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Đến đầm lầy Atchafalaya (Louisiana, Mỹ), người ta có thể băng rừng khám phá thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, muốn sống sót, người ta phải đi bằng thuyền và mang theo mình nhiều loại vũ khí phòng vệ, kể cả súng và lựu đạn. Còn với đầm lầy Okavango ở Botswana, người ta sẽ thích thú chứng kiến cuộc sống tự nhiên của trâu, hà mã, cá sấu… Người ta cho rằng, đây là một thế giới nguyên sơ như cõi mộng.
Ở châu Á, đầm lầy Asmat Swamp (Indonesia) cũng hết sức nổi tiếng. Đây là vùng đầm lầy phù sa lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 30.000 km². Nó được tạo thành từ nhiều sông suối, khu vực trũng nước. Đời sống sinh thái tại đây đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, loài làm nên “thương hiệu” cho đầm lầy Asmat Swamp chính là loài rồng Komodo nổi tiếng.
Còn tại Brazil, phía nam lưu vực sông Amazon, phía đông dãy Andes, đầm lầy Pantanal được biết đến với tư cách là đầm nước ngọt lớn nhất thế giới. Đây cũng là ngôi nhà lý tưởng các loài động thực vật. Đầm lầy này được cho là khu sinh thái tuyệt vời nhất trong 200 khu vực sinh thái toàn cầu mà WFF đang bảo tồn.
Trở lại mối nguy hiểm của đầm lầy, kể từ năm 1993 đến nay tại khu vực gò đất cao ở vùng đầm lầy Trikhvin, Saint Petersburg (Nga) đã phát hiện tới 16 xác chết. Người ta không lý giải được tại sao tất cả các xác chết đều không có quần áo. Khi mổ để khám nghiệm tử thi, người ta cũng không phát hiện được chất độc nào trong cơ thể những người bị chết.
Nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó có nguyên nhân những người đó đã bị giết rồi quẳng xác xuống đầm lầy. Nhưng, trước khi vứt xác, những kẻ sát nhân lột quần áo của họ làm gì? Câu hỏi đó đã loại bỏ khả năng những người kia bị giết, mà chắc chắn rằng họ đã xa chân xuống đầm lầy. Còn vì sao họ không mặc quần áo? Rất có thể khi bị “nuốt” dần dần, họ đã vùng quẫy, tự cởi quần áo để hy vọng trồi lên được.
Theo TS Sergeu Nikitin (Viện Giám định Y khoa Moskva) thì có thể nhận thấy tất cả các nạn nhân đều bị chết trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 là những tháng khí hậu, thời tiết ấm áp. Không có dấu vết bạo lực gây ra tử vong. Trước khi chết, các nạn nhân đều mất trí và họ đã làm những việc khó hiểu.
Về nguyên nhân cái chết, vẫn theo TS Nikitin, rất có thể là do việc lưu thông máu ngừng trệ và xảy ra hiện tượng mất nhiệt ngoài da đột ngột khi bên trong cơ thể người còn rất nóng. Sự mất cân bằng nhiệt nghiêm trọng đã gây tử vong cho con người. TS Nikitin cho rằng, đã có một loại độc tố nào đó mà khoa học chưa biết tác động lên những người này làm cho nhiệt độ cơ thể họ tăng vọt, dẫn đến sự mất trí.

Bí kíp thoát khỏi đầm lầy

Càng vùng vẫy thì càng bị lún nhanh hơn và cũng mau chóng tiêu hao sức lực hơn. Hãy bình tĩnh sử dụng một trong hai phương pháp sau:
-Thứ nhất, ngả người ra phía sau, nằm ngửa mặt hướng lên trên. Đồng thời giang rộng hai tay để tăng diện tích tiếp xúc với mặt lầy. Nếu có gậy dò đường thì lót nằm ngang ở dưới cơ thể. Sau đó nhẹ nhàng rút chân lên, dùng tư thế như bơi ngửa chậm rãi di chuyển về phía đất cứng vừa mới đi qua. Với tay lên đầu, nếu có gốc cây, gốc cỏ… thì nắm lấy để mượn lực mà kéo người tới.
-Thứ hai, dang tay nằm sấp xuống, bụng và ngực ép sát trên bùn, lót gậy dò đường xuống dưới ngực. Tìm cách rút một chân lên, co lại, dùng toàn bộ cẳng chân đó tì lên mặt lầy rồi từ từ rút chân kia lên. Khi đã rút được hai chân lên rồi, thì từ từ trườn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh đầm lầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO