Việc phải lọc máu quanh năm khiến cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận càng thêm khó khăn trong cơn bão dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Họ sống trong những căn phòng trọ chật hẹp nhưng chính quyền cũng như các nhóm thiện nguyện, mạnh thường quân luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ, giúp cho người bệnh thêm ấm lòng.
Những mảnh đời khốn khó
Giữa trưa hè miền Trung nắng gió, ông Lê Văn Hường (70 tuổi) trú xã Diễn Hải, Diễn Châu (Nghệ An) ngồi như ôm chiếc quạt điện để giải nhiệt. Căn phòng trọ chừng 10m2, trở nên chật chội bởi những thứ đồ lỉnh kỉnh, thuốc thang. “Hôm nay thế này còn đỡ vì có chút gió chứ mấy bữa nắng oi bức không chịu được. Cả đêm lẫn ngày không tài nào ngủ được”, ông Hường tâm sự.
Theo ông Hường, căn phòng nhỏ này được vợ chồng ông thuê chung với một bệnh nhân chạy thận khác để giảm chi phí. Do bị thận mãn, đa nang bên bụng ông lớn như mang thêm 1 chiếc trống. Ngoài 1 tuần 3 lần lọc máu, vài tháng ông còn phải hút dịch ở bụng cho đỡ to. Bệnh tật nên ngoài những lần vào viện lọc máu, ông không mấy khi ra ngoài. Ngày ngày chỉ ngồi trên chiếc giường nhỏ hướng mắt qua cửa sổ nhìn cuộc sống...
Để có thêm đồng ra đồng vào, hàng ngày, bà Ngô Thị Khả (vợ ông Hường) đi khắp các tuyến phố nhặt ve chai. Thông thường, bà nhặt bán được vài chục nghìn, có ngày được cả trăm nghìn. Tuy số tiền không nhiều nhưng cũng có thêm chi phí cho vợ chồng bà trang trải những ngày chạy thận.
Từ ngày dịch bệnh Covid-19 ập đến, bà Khả chỉ dám đi loanh quanh khu trọ nhặt ve chai nên thu nhập giảm hẳn. Những ngày thành Vinh tiến hành cách ly xã hội, bà Khả không còn dám ra ngoài nhặt ve chai được nữa, đồng nghĩa với việc không có thêm thu nhập nên sinh hoạt của ông bà cũng phải tằn tiện hơn.
“Khi thành phố bùng dịch, rồi đến cách ly xã hội, tôi không thể ra ngoài nhặt ve chai, tiền trang trải của 2 vợ chồng không còn nữa. Đợt trước con còn gửi được ít đồ, ít tiền chứ nay họ lập chốt phong tỏa các con không vào gửi đồ được nữa”, bà Khả đượm buồn.
Chúng tôi dạo quanh xóm chạy thận nhân tạo gần Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh, vốn là một trụ sở bỏ hoang được một người cải tạo và cho thuê. Nơi đây hiện đang có 15 bệnh nhân chạy thận sinh sống. Bệnh tật phải chạy thận quanh năm suốt tháng khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khó; nay dịch bệnh ập đến càng bế tắc nhiều hơn.
San sẻ những suất cơm
Đợt dịch Covid-19 vừa qua có thể là kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà Vang Thị Huyến (64 tuổi), trú huyện Tương Dương khi phải ở lại bệnh viện 2 ngày một đêm vì có ca nhiễm Covid-19 từng đến khám. Do không kịp thông báo với ai nên chồng bà Huyến cũng mất thông tin, ông tỏ ra rất lo lắng khi không thấy vợ về.
“Hôm đó tôi vào viện nhận tiền hỗ trợ cho chồng thì được thông báo tất cả mọi người phải ở lại làm xét nghiệm vì có ca bệnh từng đến viện khám. Tôi không thể thông báo về cho chồng đang ở xóm chạy thận nên ai cũng lo. Mãi sau 2 ngày 1 đêm khi có kết quả âm tính, chúng tôi mới được ra về. Về đến xóm thì mọi người xúm lại trêu chồng khóc như trẻ con vì nhớ vợ”, bà Huyến vừa kể vừa cười.
Ngồi bên cạnh, ông Lô Vĩnh Tình (chồng bà Huyền) gãi đầu nói ngượng: “Ai khóc đâu. Tôi lo quá thôi. Lỡ bà có bị gì thì tôi sống làm sao được”.
Trong lúc khó khăn, hoạn nạn mới thấu hiểu tình người, sự quan tâm của ruột rà máu mủ, của các tổ chức, nhóm thiện nguyện. Bệnh nhân chạy thận Tô Văn Lan (64 tuổi), trú huyện Quỳnh Lưu tâm sự: Từ khi dịch bùng phát, xóm trọ chạy thận này nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các nhóm thiện nguyện, họ mang đến cho người bệnh những bữa cơm miễn phí có đầy đủ rau, canh, thịt, cá. Hôm thì cả xóm nhận cơm của phường, hôm của bệnh viện, có hôm nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện đến thăm động viên, chia sẻ và trao tặng quà giúp cho các bệnh nhân được an ủi phần nào.
“Có bữa thì đủ suất cho cả xóm ăn; có bữa không đủ suất, mọi người lại san sẻ cho nhau. Giờ dịch bệnh thế này, chúng tôi đồng cảnh ngộ, càng gắn bó, thân thiết và nương tựa, giúp đỡ nhau nhiều hơn”, ông Lan chia sẻ.
Ông Lan có thâm niên 6 năm chạy thận ở Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh và gắn với xóm trọ chạy thận này phấn khởi kể: Chiều ngày 8/7, một đoàn thiện nguyện đã trao tổng số 960 hộp sữa cho 43 bệnh nhân tại 3 xóm trọ tập trung đông bệnh nhân chạy thận và một số bệnh nhân ở trọ rải rác trong những phòng trọ trước khu vực bệnh viện.
Ngoài ra, 15 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được một mạnh thường quân tặng 15 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Cách đó không xa, gần 3 tuần qua, hơn 140 bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An được bệnh viện này bố trí cho ăn, ngủ miễn phí ngay trong bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19, cũng như giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An chia sẻ: “Bệnh nhân chạy thận phần lớn là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Để bệnh nhân không phải lo lắng về cái ăn trong những ngày này, phía bệnh viện cũng kêu gọi hỗ trợ thêm kinh phí từ các nhà hảo tâm để mua lương thực, thực phẩm cung cấp thức ăn cho họ. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì công việc này cho đến hết tháng 7, xem xét tình hình dịch rồi sẽ có phương án tiếp theo”.