Ấn Độ đối mặt ‘đại dịch’ ô nhiễm

Hà Anh 19/11/2021 09:33

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ một lần nữa lại có nguy cơ bị phong tỏa, người dân Ấn Độ chấp nhận đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà. Nhưng nguyên nhân không xuất phát từ đại dịch Covid-19, mà bắt nguồn từ tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng của thành phố này.

Nguy cơ phong tỏa Thủ đô

Dân khó thở vì ô nhiễm không khí, tất cả các trường học được yêu cầu đóng cửa, một nửa công chức làm việc ở nhà, các xe tải không cần thiết cấm lưu thông... là những diễn biến mới nhất tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Trong chỉ thị mới nhất ngày 17/11, Ủy ban Giám sát chất lượng không khí New Delhi khuyến cáo tất cả các cơ sở giáo dục nên tạm thời đóng cửa cho tới khi nhận được thông báo mới.

Chỉ thị cũng nêu rõ, ngoại trừ các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, các xe tải không cần thiết khác đều bị cấm lưu thông tại thủ đô New Delhi cho đến ngày 21/11. Hầu hết các hoạt động xây dựng đều phải tạm ngừng. Bên cạnh đó, 6 trong 11 nhà máy nhiệt điện trong bán kính 300 km được yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Ủy ban trên cũng yêu cầu sử dụng "súng chống khói" và các vòi phun nước tại các điểm nóng ô nhiễm ít nhất 3 lần mỗi ngày đồng thời khuyến cáo ít nhất 50% nhân viên tại các cơ quan chính phủ làm việc từ xa và khuyến khích nhân viên các doanh nghiệp tư nhân thực hiện biện pháp tương tự.

Thậm chí, trong bối cảnh chất lượng không khí không cải thiện nhiều sau 2 ngày áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, ngày 18/11, Thủ đô New Delhi còn được đặt trong tình thế xem xét việc đóng cửa toàn thành phố. Tòa án cấp cao của Ấn Độ đang cân nhắc về biện pháp này - một biện pháp không xa lạ Ấn Độ, nhưng nhằm ngăn chặn ô nhiễm chứ không phải để kiểm soát sự lây nhiễm Covid-19.

Ông N.V.Ramana, Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ, yêu cầu chính quyền Trung ương phải có kế hoạch khẩn cấp để giải quyết vấn đề không khí độc hại và điều kiện khói bụi nguy hiểm của New Delhi.

"Tình hình ô nhiễm rất nghiêm trọng. Chúng tôi buộc phải đeo khẩu trang tại nhà. Ô nhiễm không khí ở Delhi sẽ còn nghiêm trọng hơn do trời có nhiều gió. Trong 2-3 ngày tới, gió sẽ đưa khói bụi đi xa hơn. Hãy ra quyết định khẩn cấp", ông N.V.Ramana.

Không rõ mọi việc sẽ đi bao xa, nhưng chính quyền New Delhi đã thể hiện sự sẵn sàng áp đặt lệnh khóa cửa khẩn cấp vào cuối tuần, tương tự như đã được thực hiện trong đại dịch. Hiện đang chờ phán quyết của Tòa án tối cao, quyết định có thể đến sớm nhất vào ngày 24/11.

Trong khi chính phủ đang thảo luận về việc liệu có đóng cửa các cơ sở sản xuất hay không, thì một số chuyên gia cho rằng, biện pháp phong tỏa sẽ không mấy hiệu quả trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí mà còn gây ra sự gián đoạn cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người.

“Đây không phải là giải pháp mà chúng tôi đang tìm kiếm, bởi vì điều này là vô cùng khó khăn. Cần nhớ rằng, nền kinh tế đã có nhiều áp lực và người nghèo sẽ là đối tượng gặp rủi ro hơn cả”, ông Anumita Roychowdhury, Giám đốc Điều hành Trung tâm Khoa học và Môi trường - một tổ chức nghiên cứu và vận động ở New Delhi, cho biết.

Tuy nhiên, Ban Hội thẩm của Bộ Môi trường liên bang vẫn ban hành các hướng dẫn nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và cho người dân thấy rằng chính phủ đang hành động để kiểm soát cuộc khủng hoảng môi trường diễn ra tại Delhi trong nhiều năm.

Tình hình có được cải thiện?

Bất chấp một số cải thiện nhỏ trong không khí ở New Delhi trong hai ngày qua, chỉ số về các hạt bụi mịn nguy hiểm hôm 18/11 vẫn cao gấp 7 lần mức an toàn, lên trên 300 microgam/mét khối ở một số khu vực của thành phố (Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định mức an toàn cho các hạt bụi mịn là 25 microgam/mét khối).

Các nhà dự báo cảnh báo, chất lượng không khí sẽ còn xấu đi trước sự xuất hiện những đợt gió lạnh vào tuần tới.

Trong số nhiều thành phố của Ấn Độ, New Delhi đứng đầu danh sách hàng năm về ô nhiễm không khí. Cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn đặc biệt vào mùa đông khi đốt dạ sau mùa thu hoạch ở các bang lân cận trùng với thời tiết lạnh trở thành “bẫy khói” chết người. Làn khói đó bay đến New Delhi, dẫn đến tình trạng ô nhiễm gia tăng ở thành phố hơn 20 triệu dân.

Khí thải từ các ngành công nghiệp không có công nghệ kiểm soát ô nhiễm, ô nhiễm từ pháo nổ liên quan đến lễ hội và bụi xây dựng cũng tăng mạnh trong những tháng mùa đông. Một số nghiên cứu đã ước tính rằng hơn một triệu người Ấn Độ chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

Thủ đô thường thử nghiệm việc hạn chế số lượng ô tô trên đường để giảm lượng khí thải của các phương tiện giao thông, sử dụng súng chống khói lớn và tạm dừng hoạt động xây dựng. Nhưng các bước đã có rất ít hiệu quả.

Người dân nói rằng chính phủ hành động đủ mạnh để cải thiện tình hình. Suresh Chand Jain, một chủ cửa hàng ở New Delhi, cho biết, các nhà chức trách nên đưa ra các quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc sử dụng ô tô và kiểm soát việc đốt dạ sau mùa thu hoạch ở các bang lân cận, khí thải đó góp phần rất lớn vào chất lượng không khí tồi tệ của Thủ đô. “Đóng cửa thành phố sẽ không chấm dứt tình trạng ô nhiễm, anh Jain nói.

Một báo cáo của tổ chức IQAir năm 2020 cho thấy 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Cùng năm, tạp chí Lancet cho biết 1,67 triệu người đã tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí tại quốc gia này trong năm 2019, trong đó, riêng ở thủ đô New Delhi ghi nhận gần 17.500 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ đối mặt ‘đại dịch’ ô nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO