Ấn Độ trong cuộc đua vaccine

Thế Tuấn 07/11/2021 06:48

Ngày 4/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa Covid-19 có tên Covaxin của Ấn Độ. Đây là quyết định quan trọng mở ra triển vọng sử dụng Covaxin trên toàn cầu. “WHO đã đưa Covaxin vào danh sách sử dụng khẩn cấp, bổ sung vào danh mục vaccine đã được WHO xác nhận để phòng chống Covid-19” - thông báo của WHO.

Theo đó, Covaxin được phê duyệt sử dụng cho tất cả các nhóm tuổi từ 18 trở lên, với 2 liều cách nhau 4 tuần. Việc WHO công nhận vaccine ngừa Covid-19 của Ấn Độ được xem là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua tìm kiếm vaccine toàn cầu, vì Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới (hơn 1,3 tỷ dân) và cũng từng là quốc gia hứng chịu thảm họa tàn khốc của đại dịch Covid-19 với biến thể Delta.

Trụ cột của chiến dịch vaccine Ấn Độ

Khi Covaxin của Ấn Độ được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp đồng nghĩa là vaccine sản xuất tại quốc gia này sẽ được công nhận bởi các quốc gia khác và người Ấn đã tiêm Covaxin có thể không cần phải cách ly hoặc bị hạn chế khi ra nước ngoài. Quyết định cấp phép của WHO còn đồng nghĩa với một sự công nhận dành cho các nhà khoa học Ấn Độ vì Covaxin là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được đưa vào sử dụng trên người.

Trước đó, vào tháng 4/2021,nhà sản xuất Bharat Biotech đã nộp đơn lên WHO xin cấp phép khẩn cấp với Covaxin. Tới tháng 7, họ đã cung cấp các dữ liệu bắt buộc cho WHO. Nhưng quá trình phê chuẩn của WHO đã kéo dài do những quy trình đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và ổn định của vaccine, cũng như việc kiểm tra cơ sở sản xuất.

Tờ Indian Express cho biết, Covaxin là 1 trong 6 loại vaccine Covid-19 đã được cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp và đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, cùng với 2 loại khác là Covishield (do Viện Huyết thanh Ấn Độ phát triển) và Sputnik V (do Nga phát triển).

Đến nay, Covaxin vẫn là trụ cột chính trong chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 của Ấn Độ với trên 1,2 tỷ liều của hai vaccine này đã được tiêm với hiệu quả 77,8% ngăn ngừa mắc Covid-19 có triệu chứng và 65,2% bảo vệ chống lại biến thể Delta.

Trước khi Covaxin của Ấn Độ được công nhận, thì WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu các loại vaccine phòng Covid-19 do Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm và Oxford-AstraZeneca phát triển và sản xuất.

“Hoàng tử vaccine”

Tuy không phải là nhà sản xuất vaccine Covaxin, nhưng Viện Huyết thanh Ấn Độ vẫn là cơ sở phát triển vaccine lớn nhất quốc gia này. Và xét về khối lượng tổng các loại vaccine thì họ đứng đầu thế giới.

Adar Poonawalla - tỷ phú 39 tuổi, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII). Để chống trả sự tấn công của virus SARS-CoV-2, chủ trương lớn của SII là nhập khẩu dây chuyền sản xuất từ những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài.

Viện Huyết thanh Ấn Độ được Cyrus Poonawalla - cha của Adar Poonawalla, thành lập cách đây 55 năm, sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine phòng sởi, rubella, uốn ván và nhiều bệnh khác mỗi năm. Các lô hàng chủ yếu được phân phối trong nước và một số quốc gia thu nhập thấp. Poonawalla ước tính hơn 50% trẻ sơ sinh trên thế giới tiêm vaccine được sản xuất tại Viện này.

Theo Blooberg, ông Cyrus Poonawalla hiện là người giàu thứ 7 Ấn Độ với số tài sản trị giá hơn 16 tỷ USD. Còn con trai ông, Adar Poonawalla, đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành từ năm 2011 và được truyền thông Ấn Độ gọi bằng biệt danh “Hoàng tử vaccine”, trong khi cha ông được gọi là “Vua vaccine”.

Trước khi phát triển thành công vaccine Covaxin, Viện Huyết thanh Ấn Độ dưới sự “trị vì” của gia đình nhà Poonawalla đã hợp tác phát triển vaccine AstraZeneca đến từ Anh, với khoản đầu tư khoảng 800 triệu USD, cùng cam kết đầy tham vọng là “cứu thế giới” thông qua chương trình COVAX toàn cầu của LHQ.

Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 2021, làn sóng Covid-19 thứ hai tấn công Ấn Độ thì tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Vào lúc đỉnh điểm, Ấn Độ ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tại thời điểm đó, mới chỉ 2% trong tổng số 1,3 tỷ dân Ấn Độ được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Do không có nguồn dự trữ lớn, các bang tại Ấn Độ dần cạn kiệt số vaccine vốn hạn chế.

Chính trong lúc nguy cấp đó, Poonawalla quyết định hạ giá vaccine AstraZeneca do mình sản xuất; và cùng đó họ đã đầu tư rất lớn với quyết tâm thúc đẩy phát triển vaccine trong nước.

“Đây là một kế hoạch đầy rủi ro đã được lường trước” - Poonawalla đề cập đến quyết định đầu tư sản xuất vaccine Covid-19. “Nhưng thật ra lúc đó tôi không thấy lựa chọn nào khác. Tôi chỉ cảm thấy mình sẽ hối hận nếu không đưa ra bất cứ cam kết nào cho đất nước tôi cũng như những nơi khác trên thế giới cần vaccine để chống lại Covid-19”.

Tăng tốc xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19

Dịch bùng phát dữ dội, đầu tháng 7/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ, ông Harsh Vardhan từ chức. Ngồi vào “ghế nóng” thay ông Vardhan là ông Mansukh Mandaviya - người đã phải liên hệ với các nhà sản xuất gần như mỗi ngày để tìm kiếm vaccine cho đất nước.

Khi “bão” Delta lắng xuống, Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19, kể từ đầu tháng 10. Tới nay, với vacine Covaxin phát triển trong nước chắc chắn Ấn Độ sẽ xuất khẩu nhiều hơn nữa. Đây được coi là đóng góp quan trọng của Ấn Độ khi mà lượng vaccine trên phạm vi toàn cầu vẫn thiếu hụt, cùng đó nhiều quốc gia đã quyết định tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) và hạ thấp độ tuổi tiêm vacine cho trẻ em.

Được biết, sản lượng vaccine Covaxin do Ấn Độ sản xuất có thể đạt tới 900 triệu liều trước khi năm 2021 kết thúc. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Y tế Mandaviya, ước tính tổng sản lượng vaccine trong nước sẽ vượt quá một tỷ liều trong giai đoạn tháng 10 - 12.

“Chúng tôi sẽ giúp thế giới và hoàn thành trách nhiệm của chúng tôi với COVAX” - ông Mandaviya nói, khi Ấn Độ không chỉ nhận “sản xuất ủy thác” từ các hãng dược nước ngoài mà còn tự mình đã có loại vaccine được WHO phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ trong cuộc đua vaccine