Sau vụ cháy ở phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người tử vong, sự cố nứt cột trụ tòa nhà tại đường Khương Đình, Thanh Xuân một lần nữa cho thấy giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến chung cư mini là yêu cầu cấp bách.
Thống kê năm 2023 của EVN Hà Nội cho thấy tại Thủ đô có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung chủ yếu ở các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ. Còn tại TP HCM, theo ngành công an, có khoảng 42.000 nhà trọ kiểu chung cư mini.
Một thống kê khác ước tính cả nước có khoảng 10.000 chung cư mini, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Lý do số liệu thống kê khác nhau, phần lớn vì Luật Nhà ở hiện hành chưa có định nghĩa chung cư mini, chỉ đề cập nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở xã hội. Do vậy các địa phương không thống nhất về tiêu chí thế nào là chung cư mini.
Nhưng cứ lấy con số thấp nhất là 10.000, với ít nhất 50 người cư trú (mặc dù trong thực tế, nhiều chung cư mini có hàng trăm người ở) thì có thể nói, chung cư mini là nơi cư trú của hàng trăm nghìn gia đình, chắc chắn đa số là người nghèo.
Dù biết sống trong chung cư mini là nguy hiểm, là thiếu thốn các điều kiện sống cơ bản, những người này không còn lựa chọn nào khác tốt hơn. Ai ở trong tình cảnh đã dốc hết 500-700 triệu đồng bao lâu mới tích cóp được để có được chỗ “chui ra chui vào” ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM mà chỗ ở ấy nay cháy, mai nứt tường và ngày kế tiếp chưa biết còn chuyện gì xảy ra nữa, mới thấu hiểu nỗi khổ ải mà những người mua chung cư mini đang phải chịu đựng.
Cũng có người nói “mua chung cư mini” là dại. Nhưng liệu có lựa chọn nào tốt hơn cho người nghèo đô thị, khi giá đất, giá nhà Hà Nội, TP HCM cao chót vót, làm văn phòng, làm công nhân mấy đời không đủ tiền mơ? Và thực tế cuộc sống đã nhiều lần chứng minh, có cầu ắt có cung. Chung cư mini là một “tất yếu” khi chỗ ở là một trong những nhu cầu lớn nhất, căn bản nhất của con người, trong khi chính sách nhà ở vì nhiều lý do chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Phát biểu trên một tờ báo hồi cuối tháng 9/2023, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP HCM, cho rằng nếu không có chung cư mini, giới văn phòng, sinh viên mới ra trường sẽ không có chỗ ở. “Nếu nhà nước làm được nhiều nhà ở xã hội cho thuê tốt thì chung cư mini sẽ không còn đất sống”, ông Nghĩa được trích lời.
Như vậy, có thể thấy chung cư mini có đất sống nhờ sự thất bại của chương trình nhà ở xã hội. Sự ra đời của hàng chục nghìn chung cư mini còn bắt nguồn từ kẽ hở của luật pháp, từ việc buông lỏng do vô tình hay cố ý của một số cán bộ quản lý.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, luật quy định căn hộ chung cư là nhà ở xã hội được phép có diện tích tối thiểu 25 m2 sàn, do vậy không có cơ sở để cấm căn hộ diện tích nhỏ nói chung hay loại hình chung cư mini. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư "lách luật" từ việc có nhiều cơ quan quản lý để chuyển công năng nhà ở gia đình sang chung cư mini để cho thuê hoặc bán.
Tuy nhiên, dù ra đời với lý do gì, bằng con đường nào, sự tồn tại của hàng trăm nghìn căn hộ chung cư mini với hàng triệu người sinh sống trong đó là một thực tế cần có giải pháp.
Một số người cho rằng cần rà soát tổng thể các chung cư mini trên toàn quốc, có biện pháp quản lý chặt chẽ, luật hóa loại nhà ở riêng lẻ, nhà ở hộ gia đình được phép chuyển thành chung cư mini. Bên cạnh đó là áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cháy nổ và các điều kiện khác.
Tuy nhiên, sự cố nứt cột trụ chung cư mini ở Khương Đình, Thanh Xuân đang đặt ra câu hỏi hóc búa với cư dân ở đây và các nhà quản lý: Sẽ ra sao nếu căn nhà không sửa chữa được, phải đập bỏ? Và hàng chục nghìn chung cư mini khác, những công trình được xây dựng với mục đích cho thuê hoặc bán nhưng thiếu quy chuẩn, thiếu giám sát chuyên môn, còn tiềm ẩn những hiểm họa gì?
Có lẽ những câu hỏi này sẽ chỉ biến mất sau khi các cơ quan chức năng thực sự ngồi lại, thực hiện cuộc “đại giải phẫu” chung cư mini và cả chương trình nhà ở xã hội, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để người lao động thu nhập thấp và trung bình có thể thuê, thuê mua hay mua nhà theo các chương trình mà nhà nước thiết kế.