Được đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, hàng năm Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem (tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) mỗi năm xuất xưởng hàng trăm nghìn tấn sản phẩm phân bón, thu về món lợi khổng lồ. Tuy nhiên, do không chú trọng công tác bảo vệ môi trường, Cty này liên tục gây ra các sự cố môi trường.
Bãi thải gyps chất cao như núi của Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem.
Bất an bên nhà máy phân bón nghìn tỷ
Nhà máy DAP số 2- Vinachem được xây dựng trên diện tích 72,4 ha tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng với tổng mức đầu tư lên tới hơn 5.170 tỷ đồng. Theo thiết kế, nhà máy gồm các phân xưởng: xưởng sản xuất axit sunphuaric công suất 420 nghìn tấn/năm, xưởng sản xuất axit photphoric công suất 162 nghìn tấn/năm và xưởng sản xuất DAP công suất 330 nghìn tấn/năm. Nhà máy này có năng lực sản xuất mỗi năm 330 nghìn tấn phân bón Diamon photphat. Ngày 28/12/2014, Nhà máy DAP số 2- Vinachem vui mừng tổ chức xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên, với sản lượng 900 tấn sản phẩm phân bón. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó, môi trường và cuộc sống người dân xung quanh khu vực nhà máy bị đe dọa nghiêm trọng.
Đến gần nhà máy này, hình ảnh khiến nhiều người “ớn lạnh” là khói bụi từ nhà máy phát ra khét lẹt, bốc mùi hóa chất nồng nặc khiến cả khu vực nhà máy trở nên ngộp thở. Đặc biệt, bãi thải gyps của nhà máy chất cao như núi, có nguy cơ rò rỉ, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hàng trăm hộ dân gần khu vực phải âm thầm chịu đựng tình trạng này nhiều năm qua mà chả biết kêu ai.
Mặt khác, nhiều năm qua, dòng nước thải chưa được xử lý triệt để của nhà máy DAP số 2 thải ra ngoài môi trường, hòa vào dòng suối phục vụ sản xuất của bà con khiến bà con nông dân chịu ít nhiều thiệt hại do nhà máy này gây ra. Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Đức Cường- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, Cty cổ phần DAP số 2 đã cơ bản hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường. Trong đó chỉ còn hạng mục xử lý nước thải sinh hoạt chưa đạt yêu cầu và chưa được ngành chức năng xác nhận.
Ông Cường cũng cho hay, khí thải ở nhà máy này rất lớn, nếu Công ty không đảm bảo thì tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường rất lớn. “Đặc thù là sản xuất phân bón có thêm cả hệ thống dây truyền sản xuất axit, khí thải của nó bao gồm các thành phần Fo2, Amoniac… Nếu không kiểm soát chặt chẽ khi thải ra môi trường sẽ tác động rất lớn. Khí thải chúng ta không thể nhìn bằng mắt, hôm nay chúng ta kiểm tra có thể là đạt yêu cầu nhưng ngày mai nó hoạt động có thể xảy ra sự cố vượt quy chuẩn…”- ông Cường nói thêm.
Liên tục gây họa
Được biết, ngày 25/7/2015, Cty cổ phần DAP số 2- Vinachem xảy ra sự cố bục zoăng cao su trong quá trình bơm vận hành khí NH3 vào bồn chứa gây rò khí NH3 ra môi trường xung quanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Do vậy, UBND tỉnh Lào Cai đã xử phạt Cty này số tiền 400 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả. Tiếp đó, ngày 7/9/2016, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục ra quyết định xử phạt Cty cổ phần DAP số 2- Vinachem số tiền 260 triệu đồng vì hành vi xả nước thải ra ngoài môi trường có độ PH = 4,63 vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải cho phép (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 40:2011/BTNMTquy định độ PH: 5,5-9) với lưu lượng nước thải từ 80m3/ngày đến dưới 100m3/ngày.
“Hành vi trên đã vi phạm tại Điểm g, Khoản 5, Điều 14, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: xả thải nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ PH từ 4,0 đến cận dưới Quy chuẩn cho phép (PH: 5,5)”- UBND tỉnh Lào Cai chỉ rõ.
Ngày 17/3/2017, tại thôn Tân Lợi xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt ở các ao nuôi cá của người dân. Theo thống kê đã có khoảng 7 tấn cá của nhân dân bị chết một cách bất thường. Sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng cá chết ở xã Xuân Giao, Sở TN&MT Lào Cai đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức lấy mẫu, kiểm tra rà soát các nguồn thải vào nguồn nước để xác định nguyên nhân. Tổ công tác đã mời lãnh đạo Cty cổ phần DAP số 2- Vinachem tiến hành rà soát các nguồn thải của nhà máy.
Qua kiểm tra phát hiện tại khu vực bãi thải gyps đường ống bơm hồi lưu nước thải bãi gyps về nhả máy để tái sử dụng có 1 vết bục. Nước từ đường ống chảy ra phía đường tỉnh lộ 151 thành dòng và liên tục. Kết quả đo nhanh mẫu nước chảy ra từ đường ống dẫn nước thải bị bục chỉ tiêu PH = 1,15 môi trường axit, nước có màu trắng đục. Từ kết quả kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn đến cá trong ao các hộ dân ở thôn Tân Lợi, xã Xuân Giao bị chết là do sự cố bục đường ống bơm hồi lưu nước thải từ bãi gyps của nhà máy DAP số 2 chảy vào suối Mã Ngan và nhập vào suối Trát. Làm việc với ngành chức năng tỉnh Lào Cai, lãnh đạo Cty cổ phần DAP số 2- Vinachem đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả về môi trường. UBND huyện Bảo Thắng đã có văn bản thông báo khuyến cáo cho nhân dân quanh khu vực thị trấn Tằng Loỏng, UBND xã Xuân Giao không sử dụng nguồn nước mặt xuất phát từ khu vực suối Trát sử dụng làm mục đích sản xuất. Tổ chức thống kê cụ thể khối lượng thiệt hại liên quan đến cá chết, hoa màu của nhân dân quanh khu vực, áp giá tính toán giá trị làm căn cứ bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai cũng tiến hành khảo sát kiểm tra các thửa ruộng lấy nước từ suối Trát vào, phát hiện thấy các bèo tấm tại các thửa ruộng có hiện tượng bị chết.
Sau khi có kiểm quả và kết luận nguyên nhân cá chết ở thôn Tân Lợi là do sự cố từ Cty cổ phần DAP số 2- Vinachem, ngày 5/4/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với Cty này, số tiền 300 triệu đồng. Ngoài việc phạt tiền, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Cty phải thực hiện các biện pháp khắc phục môi trường, bồi thường thiệt hại cho nhân dân bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thành Sinh- Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai cho biết, hiện tại nguồn nước suối Trát là nguồn chính cung cấp cho hơn 100ha lúa của xã Xuân Giao. Để theo dõi mức độ ảnh hưởng của nguồn nước đến diện tích nói trên, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giao cho Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với UBND huyện Bảo Thắng và UBND xã Xuân Giao tiếp tục theo dõi, nếu có nguy cơ bị ảnh hưởng báo cáo UBND tỉnh để xử lý kịp thời.