Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, TikTok đang trở thành một trong những mạng xã hội sở hữu lượng người dùng khổng lồ nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy, số người sử dụng lên tới 49,9 triệu, đứng thứ nhất ở khu vực Đông Nam Á. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố nhiều hành vi vi phạm của TikTok Việt Nam. Vào tháng 5 tới, sẽ có một đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới, không tuân thủ pháp luật sẽ không được chào đón, tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Tràn lan thông tin xấu độc
Việc mải mê chạy theo những trào lưu, xu hướng (trend) trên TikTok khiến không ít bạn trẻ tìm kiếm sự thỏa mãn trên ứng dụng ảo, dần ảo tưởng về chính mình và bất chấp tất cả, thậm chí là sức khỏe, tính mạng để “câu” view, tăng tương tác. Đó là thực trạng được đề cập trong suốt thời gian dài, kể từ khi TikTok chính thức lấn sân thành nền tảng thu hút hàng đầu của giới trẻ.
Đại diện TikTok Việt Nam nói gì?
Trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, vào ngày 3/2/2023, TikTok đã nhận được thông báo từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (ABEI) về việc sẽ có Đoàn thanh kiểm tra liên ngành theo kế hoạch (Bộ TTTT, Tổng cục Thuế, Bộ Công Thương) đến làm việc với TikTok tại Việt Nam trong quý II/2023.
Theo đại diện TikTok Việt Nam, đây là hoạt động thanh kiểm tra liên ngành theo kế hoạch của Chính phủ và pháp luật Việt Nam đối với các công ty hoạt động tại Việt Nam, không chỉ riêng TikTok.
"Chúng tôi rất trông chờ được đón tiếp đoàn công tác liên ngành của Chính phủ Việt Nam vì đây sẽ là cơ hội lớn để Tik-Tok lắng nghe các góp ý từ Chính phủ để có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để TikTok báo cáo với Chính phủ về những thành quả mà công ty đã đạt được cũng như những đóng góp của TikTok đối với sự phát triển của đất nước trong hơn 4 năm hoạt động tại Việt Nam", ông Thanh bày tỏ.
Tài khoản TikTok mọc lên “như nấm sau mưa”, bất kỳ ai cũng có thể khám phá, tạo và chia sẻ những nội dung mình yêu thích. Độ phủ sóng của TikTok rất rộng, nhất là sự ảnh hưởng của nó đến giới trẻ và thanh, thiếu niên.
TikTok hấp dẫn bởi nó không khắt khe về hình ảnh, phong cách, ngôn ngữ thể hiện, thoải mái đáp ứng tiêu chí “độc, lạ, vui" theo hàng loạt trào lưu đình đám. Tuy nhiên, sự lan tỏa quá nhanh của TikTok lại như con dao 2 lưỡi với không ít người dùng. Mặc dù nền tảng này đã xóa hàng triệu video vi phạm liên quan đến bạo lực, khiêu dâm, tự gây hại... Thế nhưng, không ít trào lưu độc hại vẫn đang diễn ra mà nền tảng không kiểm soát hết được như: Veneer Vlog (mài răng), Benadryl Challenge (Uống nhiều thuốc dị ứng để tạo ảo giác). Nhiều bạn trẻ cho rằng Benadryl vô hại, thế nhưng, những loại thuốc này còn có nhiều tác dụng phụ khác, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng), Penny Challenge (cắm hờ sạc điện thoại vào ổ điện, thả đồng xu vào khe hở để tạo tia lửa),…
Ngoài ra, trên TikTok còn xuất hiện nhiều trào lưu với nội dung người dùng tự gây hại cho bản thân, như "giả làm người thân trêu đùa trẻ em", "hướng nghiệp, chọn ngành học", “đúng nhận, sai cãi”…
Theo New York Post, nền tảng này đã phải xóa các nội dung chứa hastag #milkcratechallenge. Thử thách yêu cầu người dùng xếp các thùng sữa bằng nhựa theo hình kim tự tháp và cố giữ thăng bằng khi trèo lên đỉnh, sau đó bước xuống mà không bị ngã. Khi “đu trend” này, không ít người tham gia đã bị ngã và bị thương.
Tại Việt Nam cũng có không ít những trào lưu nguy hiểm đến sức khỏe của người dùng khi tham gia thực hiện như: thử thách kiểm tra sức khỏe lá phổi, trào lưu nấu ăn không cần nồi, trào lưu dán miệng khi ngủ, tự chế pháo…
Không chỉ có những thử thách gây hại, trên TikTok còn có hàng loạt các trend gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đơn cử như trào lưu "nake challenge", nhiều cô gái quay cảnh lột đồ, khỏa thân trước mặt người yêu, bạn bè, người thân... chỉ để ghi lại phản ứng của họ. Các video khoe thân phản cảm cũng liên tục xuất hiện trên nền tảng này. Bên cạnh đó video bạo lực, fakenews, thông tin tiêu cực… cũng tràn lan thiếu kiểm soát.
“Công cụ do thám” tự động
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cho biết, các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rõ, TikTok hiện tại đang thu thập dữ liệu rất nhiều từ hành vi đến các dữ liệu cá nhân của người dùng. Người sử dụng TikTok xem nội dung nào, TikTok cũng sẽ đưa ra các nội dung khuyến khích như vậy.
Theo đó, TikTok thu thập toàn bộ dữ liệu tìm kiếm, lịch sử truy cập cho tới những kí tự người dùng nhập trên bàn phím, nội dung tin nhắn, nội dung coppy và dữ liệu được lưu trữ trên khay nhớ tạm, thậm chí cả những dữ liệu sinh trắc học như: Face ID, giọng nói, dữ liệu nhạy cảm như vị trí địa lý người dùng… Đó là lý do tại sao người dùng chỉ cần nói hay search thông tin trên mạng là TikTok tự động hiển thị các nội dung đó bởi khả năng thu thập cũng như đồng bộ hóa dữ liệu của TikTok hoạt động rất tốt. Việc thu thập dữ liệu này đều không rõ ràng, hầu hết các dữ liệu thu thập không có trong điều khoản. Do đó, việc sử dụng các dữ liệu này thế nào cũng đặt ra nhiều nghi vấn và hệ lụy.
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho biết thêm, không ít trang báo uy tín nước ngoài đánh giá, TikTok giống như một công cụ do thám, chuyên đi lấy cắp thông tin dữ liệu mà cả thế giới đang lên tiếng.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, TikTok từng là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, với việc tin tặc truy cập thông tin nhạy cảm của người dùng như mật khẩu và số điện thoại. TikTok cũng đã bị chỉ trích vì các hoạt động kiểm duyệt của nó, với một số người dùng báo cáo rằng ứng dụng này cho phép lan truyền ngôn từ kích động thù địch, thông tin sai lệch và nội dung cực đoan...
Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu bảo mật đã tìm thấy các lỗ hổng bảo mật trong ứng dụng TikTok. Như việc tin tặc sử dụng tin nhắn SMS để có quyền truy cập trái phép vào tài khoản, cho đến các vấn đề xung quanh việc sử dụng HTTP và HTTPS khi phân phối video.
Theo ông Hiếu, thu thập hành vi sử dụng và thông tin cá nhân giúp TikTok đánh thẳng nội dung quảng cáo vào đúng hành vi đó. Ngoài ra thông tin về dữ liệu thiết bị, dấu hiệu sử dụng trên thiết bị được gửi thẳng về máy chủ của TikTok, trong khi mấu chốt là máy chủ không có tại Việt Nam. Thông tin này được TikTok và đối tác sử dụng ngoài mục đích quảng cáo còn có nguy cơ đề xuất các thông tin xấu độc.
Đáng nói là, những thông tin cá nhân được TikTok thu thập “bí mật” mà người dùng không thể phát hiện ra. Việc theo dõi của bên thứ ba vẫn xảy ra ngay cả khi người dùng không chọn cho phép theo dõi trong cài đặt của từng ứng dụng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thậm chí là an ninh mạng và các vấn đề an toàn cho trẻ em...
Thao túng tâm lý người dùng
Không chỉ bị chỉ trích trong việc tự động thu thập thông tin người dùng, các nội dung xấu độc tràn lan trên TikTok hiện nay cũng trở thành nguồn cơn của nhiều hệ luỵ liên quan đến tâm lý người dùng. Phân tích về ảnh hưởng của TikTok đối với giới trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, TikTok là mạng xã hội mà tỉ lệ người dùng ngày càng cao, do phù hợp với tâm lý giới trẻ.
Trên nền tảng này, người sản xuất nội dung không được đào tạo về sáng tạo nội dung, về các chuẩn mực đạo đức cũng như hiểu biết về quy chuẩn văn hóa ứng xử trên không gian mạng, họ chỉ cố gắng phát triển kênh của họ để duy trì view, độ hiện diện trên nền tảng này, do vậy nội dung của nó ngày càng chuyển sang dạng nhảm nhí. Ví dụ xây dựng những kênh phim drama, khai thác những khía cạnh mang tính chất cấm kị (tình dục, ngoại tình, bạo lực, hoặc những tình huống thể hiện những tâm lý xấu xí của con người…).
Cùng với thuật toán lan truyền của TikTok, giới trẻ tiếp cận nhiều với những video như vậy đến mức không phân biệt được đâu là thực tế, đâu là diễn, dù trên thực tế những câu chuyện đó không được phổ biến như vậy. Từ những video độc hại đó, người dùng dần thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, coi trọng chủ nghĩa vật chất, coi nhẹ việc học hành, nó cũng như cách thức "ru ngủ" ý chí của mọi người không cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp; cách nhìn về thế giới xung quanh trở nên méo mó. Người xem dần bị lệ thuộc vào mạng xã hội ảo mà bỏ bê cuộc sống đời thực, không cố gắng phát triển bản thân.
Theo ông Trần Thành Nam, sản phẩm trên không gian mạng giống như thực phẩm đưa ra thị trường, thực phẩm trước khi được ra thị trường cần được đảm bảo công tác tiền kiểm để đảm bảo nó không gây hại cho sức khoẻ cộng đồng. Tuy được kiểm soát gắt gao nhưng vẫn có lỗ hổng, TikTok lại là dạng “thực phẩm” cho não, liên quan đến thế giới quan, quan điểm, giá trị nhìn nhận của mọi người, thì cần phải có bộ sàng lọc, tiền kiểm nghiêm ngặt trước khi phổ biến.
Vì vậy, nếu xử lí muộn có thể gây “ung thư” về mặt tư tưởng, ảnh hưởng đến các thế hệ sau, sẽ ngày càng trở nên thực dụng, xa rời những giá trị tích cực, mà chỉ chìm đắm vào những cái tiêu cực mà họ được tiếp xúc từ những video độc hại trên mạng.
Ông Trần Thành Nam cũng cho rằng, đối với người trẻ, việc sử dụng TikTok để giải trí, làm việc,.. không xấu, nhưng cần cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, cần hạn chế, chọn lọc thông tin tiếp cận. "Cần trang bị kĩ năng sống an toàn trên mạng cũng như năng lực tư duy phản biện, những chương trình phổ biến của nhà nước nâng cao năng lực nhận thức trong việc sử dụng không gian mạng an toàn", ông Nam chia sẻ.
Sớm siết lại TikTok Việt Nam
Ngày 6/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã công bố nhiều hành vi vi phạm của TikTok Việt Nam. Theo đó, vấn đề nổi bật liên quan đến hoạt động của Bộ là việc chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của mạng xã hội xuyên biên giới, tiêu biểu là mạng xã hội TikTok.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, cơ quan quản lý tổng hợp và chỉ rõ 6 sai phạm của mạng xã hội TikTok tại Việt Nam, gồm: Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm pháp luật; Phát tán nội dung độc hại, phản cảm; Không có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng vi phạm pháp luật; Tạo trend thu lời từ nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa; Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền; Không có biện pháp quản lý người dùng.
Tháng 5 tới, sẽ có một đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trước những hành vi vi phạm của nền tảng này. “Sau khi kiểm tra toàn diện cùng với bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng sẽ có những đánh giá cụ thể. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới, không tuân thủ pháp luật sẽ không được chào đón, tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, việc đấu tranh với những sai phạm trên các nền tảng sẽ bằng kinh tế, kỹ thuật, pháp lý, truyền thông… và sự tham gia của cả xã hội. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, các bậc cha mẹ cần phải vào cuộc. Internet và các ứng dụng có mặt tiêu cực, thậm chí có các nguy cơ mà các gia đình cần biết.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng đồng quan điểm khi lưu ý: Để tránh TikTok nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ, vai trò giáo dục của cha mẹ vô cùng quan trọng. Gia đình cần kết hợp với nhà trường cùng giáo dục các con kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường thực và môi trường mạng. Nên trang bị cho trẻ kỹ năng sống an toàn trên mạng cũng như năng lực tư duy phản biện từ sớm. Cần có những chương trình phổ biến của nhà nước nâng cao năng lực không chỉ cho trẻ mà cho cả bố mẹ để giúp trẻ sử dụng không gian mạng an toàn.
Về việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới vi phạm pháp luật, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm: "Việt Nam có đủ các quy định, quy trình, thủ tục để thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh mạng, bao gồm: giới hạn, chặn hẳn ứng dụng vi phạm pháp luật. Những cuộc kiểm tra tới đây sẽ góp phần vào việc đó".
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Tăng cường các biện pháp xử lý
Không khó khăn để bắt gặp một nội dung chứa thông tin xấu độc, sai sự thật trên nền tảng TikTok. Nhiều nội dung còn có phần nhạy cảm và không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục khi lan truyền sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc.
Không thể phủ nhận TikTok đã giúp cho việc giải trí, học tập và kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, với đặc thù của mạng xã hội là tính đào thải cao, để kênh của mình tăng số người theo dõi, không ít người bất chấp chiêu trò, sáng tạo, đăng tải những thông tin sai sự thật. Trong khi đó đa số người theo dõi các kênh nội dung này đều là trẻ vị thành niên, chưa có đủ nhận thức các vấn đề xã hội nên rất dễ bị chi phối và làm ảnh hưởng.
Với các hành vi trên các TikToker có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật tùy vào mức độ và hành vi vi phạm.
Những hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, giả mạo, trước hết, nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP nếu thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Về quy định pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể điều chỉnh hành vi này trên nền tảng TikTok, tuy nhiên pháp luật Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh và xử lý những hành vi tung tin giả, tin xấu, độc khá đầy đủ và phù hợp yêu cầu quốc tế thể hiện rõ trong Hiến pháp, các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, hoặc các văn bản dưới luật như Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử... Cụ thể, Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm thực hiện đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, mặc dù, nền tảng này đã có những bộ tiêu chuẩn cộng đồng để thực hiện công tác kiểm duyệt nội dung, nhưng vẫn có nhiều lỗ hổng trong cách thức kiểm duyệt nội dung dẫn đến tình trạng các nội dung xấu độc vẫn lan tràn trên mạng xã hội.
Nhằm câu view, kéo tương tác cho mình, không ít những TikToker sử dụng những nội dung xấu độc, cố tình sai sự thật để đạt được những lợi ích của mình. Tuy nhiên, việc xử phạt có phần khó khăn bởi trang mạng xã hội này lại thuộc sở hữu của các nền tảng xuyên biên giới, không trực tiếp chịu sự chi phối và xử lý của pháp luật Việt Nam. Việc phối hợp, triển khai kịp thời các biện pháp xử lý khi có hành vi vi phạm do đó gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính hiện nay vẫn chưa tạo được sức răn đe, ngăn chặn, bởi so với những lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo, truyền thông trong một clip phổ biến thì mức phạt này là quá nhỏ.
Đa số người dùng là người trẻ và thậm chí có trẻ em, hậu quả của những nội dung này để lại là khó lường, ảnh hưởng xấu đến tình trạng an ninh trật tự xã hội. Để ngăn chặn được tình trạng này, cơ quan chức năng cần tích cực triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới; tăng cường đổi mới công nghệ trong việc rà quét, phân tích dữ liệu nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu sửa đổi để nâng cao mức hình phạt nhằm tạo được sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
HOÀNG CHIẾN (ghi)