Muối là loại gia vị chủ yếu trong món ăn hàng ngày và cũng là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối lại gây ra nhiều ảnh hưởng trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe.
TS Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Nếu ăn một bữa ăn sử dụng quá nhiều muối hoặc ăn liên tục muối trong một ngày, trước tiên chúng ta có thể cảm thấy bị đầy hơi. Điều này xảy ra bởi vì thận có thể không lọc được natri dư thừa ra khỏi máu. Natri tích tụ và cơ thể giữ thêm nước để cố gắng pha loãng natri. Ảnh hưởng của việc giữ nước có thể dẫn đến sưng tấy, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân.
Một bữa ăn nhiều muối cũng có thể khiến một lượng máu lớn hơn lưu thông qua các mạch máu và động mạch, có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. Ăn mặn cũng có thể khiến bị khô miệng hoặc cảm thấy rất khát, do đó uống nhiều nước hơn có thể đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Mặt khác, việc không uống chất lỏng sau khi ăn nhiều muối có thể khiến lượng natri trong cơ thể tăng lên vượt mức an toàn, dẫn đến tình trạng tăng natri máu. Việc này có thể khiến nước thoát ra khỏi tế bào và vào máu, nhằm làm loãng lượng natri dư thừa. Nếu không được điều trị, sự thay đổi chất lỏng này có thể dẫn đến lú lẫn, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy, ăn quá nhiều muối trong thời gian dài có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm”.
Đáng nói hơn, mặc dù những tác hại của việc ăn mặn đã được cảnh báo trong nhiều năm qua, thế nhưng nhiều người vẫn chủ quan.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người trưởng thành nên tiêu thụ không quá 5g muối mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người Việt Nam tiêu thụ trung bình khoảng 8,1g muối mỗi ngày - cao hơn nhiều so với khuyến cáo.
Theo kết quả điều tra toàn quốc, 89,2% người Việt Nam nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn); 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mỳ ăn kiền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...). Mặc dù hầu hết người Việt Nam có thói quen ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người khi được hỏi cho rằng bản thân có ăn mặn.
BSCKII Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết: “Thói quen sử dụng nhiều nước mắm, mắm tôm, bột nêm, bột canh và các loại gia vị mặn khác trong khi chế biến và khi ăn góp phần làm tăng lượng natri tiêu thụ hàng ngày. Nhiều món ăn phổ biến như canh chua, các món kho, đồ muối chua cũng chứa lượng muối cao, khiến việc kiểm soát lượng natri nạp vào cơ thể trở nên khó khăn.
Ngoài ra, xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh, vốn thường chứa nhiều muối để bảo quản và tăng hương vị, càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Kết quả là, tỷ lệ người bị tăng huyết áp ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đặt ra thách thức lớn cho hệ thống y tế và đòi hỏi sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người dân”.
Cục Y tế dự phòng nhận định, muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác. Tại Việt Nam, ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Số liệu cho thấy, hiện nay ở nước ta cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp là do các bệnh tim mạch.
Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào khi chế biến thức ăn. Chấm nhẹ tay, hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn.
Giảm ngay đồ mặn bằng cách hạn chế lựa chọn hay sử dụng thực phẩm có nhiều muối. Tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm, nhất là khi trong bữa ăn chỉ có các món đã chế biến đậm đà với các gia vị mặn rồi. Hãy pha loãng bát nước mắm của mình trước khi ăn. Có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt… để giúp tăng cảm giác ngon miệng, bù lại việc giảm sự ngon miệng do giảm vị mặn.