Là lực lượng có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, đặc biệt góp phần ổn định cán cân cung-cầu trong thị trường lao động, tuy nhiên, những người lao động phi chính thức lại là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, vì luôn nằm ngoài vùng “phủ sóng” của những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Trước thực tế này, Luật BHXH đã có nhiều quy định tạo điều kiện để đối tượng này tham gia BHXH tự nguyên. Song trên thực tế việc triển khai không dễ.
Tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội với lao động phi chính thức là một thách thức lớn
So với các loại hình lao động khác, lao động di cư là nhóm có nguy cơ tổn thương cao; đặc biệt đối với lao động di cư bán hàng rong và đồng nát thì những khó khăn vất vả thường gặp còn nhiều hơn nữa. Bởi vậy, ASXH vô cùng cần thiết và là nhu cầu chính đáng của đối tượng này, vậy làm thế nào để đối tượng này có thể tiếp cận được với các dịch vụ ASXH?
Thiệt đủ đường
Phường Chương Dương và phường Phúc Tân thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có lịch sử phát triển lâu đời và là điểm thu hút khá nhiều lao động di cư, đặc biệt là người bán hàng rong. Vấn đề quản lý, hỗ trợ cho lao động di cư bán hàng rong và đồng nát trên địa bàn hai phường tiếp cận với các chính sách ASXH và dịch vụ y tế, CSSK và tư vấn pháp luật còn rất hạn chế.
Trên thực tế theo kết quả khảo sát tiếp cận ASXH của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát tại 2 phường trên vừa được Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng (Light) công bố mới đây cho thấy, mặc dù tại 2 địa bàn 2 phường đã có một số đề án của chính quyền địa phương hỗ trợ lao động ngoại tỉnh nhưng còn hạn chế về quy mô cũng như nguồn lực, nên các vấn đề cơ bản trong ASXH, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động di cư bán hàng rong và đồng nát vẫn còn nhiều bất cập. Hoạt động thiết lập mô hình nhóm Tự Lực đã được triển khai để tập hợp những người di cư bán hàng rong nhằm nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của người lao động di cư – bán hàng rong và đồng nát hướng tới bảo vệ quyền lao động, quyền con người, ASXH…
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Light, tính đến thời điểm thực hiện khảo sát (11-2014), hầu hết người lao động di cư bán hàng rong và đồng nát trên địa bàn được hỏi chưa biết đến tổ chức và các hoạt động của nhóm này.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lao động di cư bán hàng rong và đồng nát là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh do tác động ô nhiễm môi trường, do làm việc quá sức, bệnh dịch, các bệnh về đường tình dục…
“ Bị đau, ốm đối với chúng tôi là một nỗi sợ, bởi đa số chúng tôi đều không có người thân, không có trợ giúp xã hội, một thân một mình đi làm ăn. Nếu ốm, đau không những bản thân bị mất đi thu nhập, mà còn bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ so với thu nhập để chi trả dịch vụ khám, chữa bệnh”- Chị Đỗ Thu Hoài (Nam Định) người có thâm niên 7 năm làm nghề đồng nát chia sẻ.
Nhiều rào cản
So với các loại hình lao động khác, thì lao động di cư bán hàng rong và đồng nát là nhóm có nguy cơ tổn thương cao. Họ phải chấp nhận xa gia đình, kiếm sống bằng những gánh hàng, rong ruổi khắp các đường phố đầy vất vả, nhọc nhằn; đối mặt với các nguy cơ bị lạm dụng, bệnh tật, tai nạn giao thông… nhưng lại không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía xã hội.
“Mặc dù là nhóm yếu thế, nhưng nhiều khi lao động di cư bán hàng rong được nhìn nhận như là loại hình lao động cần hạn chế, là nguyên nhân gây nên ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến trật tự an ninh và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ xã hội theo hộ khẩu và quy định pháp luật về cư trú hiện hành vô tình “gạt” lao động di cư bán hàng rong và đồng nát ra khỏi đối tượng hưởng lợi của hệ thống ASXH. ” – bà Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng nói.
Cũng theo bà Ngọc Anh, khi được hỏi đa số người bán hàng rong và đồng nát đều cho rằng, họ có nhu cầu về dịch vụ ASXH bởi với họ đó là chỗ dựa vô cùng quan trọng, thế nhưng để được tiếp cận cũng như hưởng chính sách này thì họ lại gặp một rào cản lớn.
Theo kết quả khảo sát, đa số người lao động di cư bán hàng rong và đồng nát tại hai địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân không biết đến các thông tin pháp luật về quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản của người lao động cũng như các quy định pháp luật liên quan đến lao động di cư bán hàng rong và đồng nát. Có tới 91% người lao động di cư (bán hàng rong) cho biết họ chưa từng biết đến các quy định Bộ luật Lao động 2012; 91,45% chưa từng biết đến Luật BHXH và 93,3% chưa từng biết đến Luật BHYT. Đây cũng chính là rào cản khiến họ khó tiếp cận được với chính sách ASXH của Nhà nước dành cho mình.
Một điểm đáng chú ý là đa số NLĐ di cư đều xuất thân từ các tỉnh/thành phố khác và có thời gian làm việc tại Hà Nội ít nhất là từ 1 năm, do vậy việc phải đăng ký tạm trú tại nơi ở hiện tại theo quy định là bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho thấy vẫn có tới 27,1% người trả lời chưa đăng ký tạm trú, và đáng lưu ý là có tới 30,6% lao động di cư cho rằng không cần thiết được tư vấn và đăng ký tạm trú.
Thực trạng này cho thấy vẫn còn nhiều kẽ hở trong việc quản lý nhân khẩu đặc biệt là với những lao động di cư trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. “Không được đăng ký tạm trú NLĐ sẽ không nhận được những hỗ trợ cần thiết từ phía chính quyền khi gặp những khó khăn, bất trắc như bị tai nạn, mất cắp, bị mất chỗ ở, giấy tờ cá nhân... Còn đối với chính quyền, việc không nắm bắt được hết số nhân khẩu đang sinh sống và làm việc trên địa bàn sẽ tạo ra những bất trắc đối với việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội” – bà Ngọc Anh nói.
(Còn tiếp)