An toàn bữa ăn trường học

Đức Trân 13/09/2023 10:00

Năm học mới đã bắt đầu, an toàn thực phẩm của các bữa ăn bán trú tại trường học luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh.

Đồ ăn vặt cổng trường tiềm ẩn nhiều mối nguy hại tới sức khỏe học sinh.

Nguy cơ từ bếp ăn tập thể

Ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể, nhất là những bếp ăn nấu cho học sinh không phải là chuyện hiếm trong những năm qua. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 7/2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 89 người mắc, 1 trường hợp tử vong. Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người mắc, trong đó có 12 người tử vong. Điều này cho thấy không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mà nguyên nhân từ bếp ăn tập thể tại trường học.

Sự vụ tại Trường Tiểu học Kim Giang, Hà Nội là một ví dụ. Vụ ngộ độc bếp ăn tập thể đã khiến 50 trẻ phải nhập viện. Được biết, trường học này tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (địa chỉ tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm.

Kết thúc chuyến thăm quan, khoảng hơn 50 học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, trong đó 2 cháu có biểu hiện tiêu chảy 2 - 3 lần. Ngay sau đó nhà trường đã đưa các cháu đến bệnh viện để kiểm tra.

Vào tháng 4/2023, tại địa bàn TPHCM cũng ghi nhận 38 học sinh dùng bữa ăn trưa tại Trường THCS Rạng Đông (phường 12, quận Bình Thạnh) bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân ngộ độc là do vi sinh vật gây ra trong món cơm trắng ăn cùng chả trứng hấp thịt.

BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các bếp ăn tập thể, bếp ăn đông người tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn. 80% các vụ ngộ độc này có thể do vi sinh vật như tụ cầu vàng, E.coli, Salmonella. Khi ăn, người bệnh thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần, một số trường hợp có thể bị đau đầu, hôn mê… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị ngộ độc thực phẩm có thể nguy hiểm tới tính mạng.

“Đặc biệt, tại các bếp ăn tập thể, nếu môi trường không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn từ đất, nước, không khí ô nhiễm có thể xâm nhập vào dụng cụ chứa đựng, chế biến thức ăn. Người chế biến không mang găng tay, để thực phẩm sống chín gần nhau, dùng chung dao thớt cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc” - BS Hưng nhấn mạnh.

Trẻ em, đặc biệt trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, do đó dễ bị ngộ độc nếu thức ăn không đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm. Trẻ độ tuổi mầm non bị ngộ độc thường rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, vì thế, phụ huynh và nhà trường cần chú ý vào khẩu phần ăn của trẻ.

Nỗi lo từ các hàng quán quanh cổng trường

Đáng lo ngại hơn, nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các trường học không chỉ xuất phát từ các bữa cơm bán trú tại trường học mà còn từ hàng loạt những quán bán hàng rong xung quanh khu vực cổng trường.

Thực tế, tình trạng các phụ huynh cũng như học sinh “xếp hàng” để mua những loại kẹo, đồ ăn vặt từ các quán bán rong này mỗi khi tan học không hề hiếm thấy ở các trường học. Khảo sát nhanh tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội), với đoạn đường 50m trước cổng đã ghi nhận hàng chục hàng quán bán đồ ăn vặt cho học sinh. Các hàng rong này chỉ phục vụ trong khoảng 1 giờ đồng hồ với những món ăn nhanh, giá thành rất rẻ, chỉ từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng cho mỗi que thịt xiên, chả cá xiên, xúc xích…

Đặc điểm dễ nhận thấy của các thực phẩm ăn nhanh này là được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thế nhưng, những món ăn vặt này vẫn cuốn hút được học sinh và trở thành mối lo của những bậc phụ huynh.

Gần đây, sau khi ăn các loại kẹo sữa, nước đóng gói bán ở cổng trường, 25 học sinh Trường Tiểu học Việt Chu (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) bị đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nghi bị ngộ độc; trong đó có 6 trẻ phải nhập viện. Vụ việc này xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm từ những hàng quán bán rong xung quanh khu vực cổng trường.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để giải quyết triệt để các quán hàng rong tại cổng các trường học cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Theo đó, phụ huynh cần quan tâm giáo dục con em mình về những tác hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc đối với sức khỏe. Tại các nhà trường nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc. Còn cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường học, thực phẩm nhà bếp nhập về phải có giấy kiểm định, thực phẩm phải tươi trước khi chế biến, bếp ăn phải đặt ở vị trí cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh. Bếp sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực chế biến: Khu sơ chế, nấu nướng, bảo quản, rửa… Dụng cụ chế biến thức ăn phải được phân loại sống, chín riêng biệt. Nguồn nước phải bảo đảm chất lượng. Nhân viên nhà bếp phải có đồ bảo hộ lao động đầy đủ, có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn bữa ăn trường học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO