Ngày mai, 3/11, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập. Cũng trong thời điểm này, miền Trung vẫn đang phải gồng mình chống chọi với bão lũ. Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, nơi bị thiệt hại nặng nề do mưa bão đã dành cho Đại Đoàn Kết một cuộc trao đổi.
PV: Thưa ông, hiện miền Trung đang chịu ảnh hưởng của bão lũ và tới đây Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập. Là một ĐBQH ở vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề, cá nhân ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Ngọc Phương: An toàn hồ đập là vấn đề quan trọng. Bởi biến đổi khí hậu đang diễn ra thì vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập càng được đặt lên trên hết. Tôi đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này. Bộ trưởng cũng đã xác định vấn đề hồ đập hiện nay đang có những nguy cơ. Cho nên cần yêu cầu tất cả các nơi quan tâm, rà soát để tránh xảy ra những sự cố. Vấn đề hồ đập và thủy lợi ảnh hưởng đến nhà cửa, các dòng sông hiện nay khi hai bên dòng sông đang bị xói lở, gây ra những sự cố, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Tại Quốc hội khóa XIII, các ĐBQH đã nêu lên những sự cố bất lợi của các công trình thủy điện. Chính vì thế Bộ Công thương cũng đã rà soát, cắt giảm phần lớn các công trình thủy điện dự kiến sẽ làm. Sau khi Quốc hội có ý kiến, đã rà soát và cắt giảm hơn 400 dự án thủy điện nhỏ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng thủy điện nhỏ vẫn đang còn khá lớn, nó có nguy hại vì làm thủy điện sẽ chặt phá rừng. Chưa kể, có nhiều doanh nghiệp khi làm thủy điện không đảm bảo an toàn, không lường hết được các tình huống xảy ra.
Cho nên, từ thực tế đang diễn ra tôi đề nghị tiếp tục rà soát, chỗ nào không đảm bảo an toàn cần cắt giảm. Bây giờ phải tập trung củng cố, sửa chữa, nâng cấp các công trình không đảm bảo an toàn để tránh xảy ra những biến cố, đặc biệt là những vùng có nhà ở của người dân, trụ sở cơ quan nhà nước và doanh nghiệp ở ven bờ sông, các đồi núi có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, cần di dân ra khỏi khu vực đó để đảm bảo an toàn.
Vậy theo ông làm sao để từ việc giám sát về an toàn hồ đập, Quốc hội cần đưa ra ngay giải pháp kịp thời để xử lý đảm bảo an toàn, nhất là an toàn các hồ thủy điện nhỏ?
- Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp. Nhưng tôi nghĩ trong tình hình hiện nay khi đã xảy ra những sự cố sạt lở thì cần nhanh chóng trích một phần ngân sách để nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ đập có nguy cơ sao cho đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa bão lũ để đảm bảo cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Cá nhân ông là một ĐBQH ở vùng xảy ra bão lũ, ông có kỳ vọng gì sau cuộc giám sát này?
- Thời gian tới theo tôi phải có nghị quyết về việc khắc phục những hậu quả do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Quốc hội cần đưa vào chương trình giám sát để phát hiện, nêu thực trạng. Từ đó, bố trí nguồn ngân sách để duy tu sửa chữa các công trình thủy điện, hồ đập.
Bên cạnh đó, trước hết các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp, xem xét tất cả các công trình hiện nay đang xảy ra sự cố, có giải pháp để xử lý và phòng ngừa rủi ro. Thứ hai cần xem xét tất cả các dự án thủy điện đã được phê duyệt cần bổ sung điều kiện như thế nào? Xem xét lại các dự án thủy điện đang nằm trong dự kiến có nên tiếp tục cho vận hành nữa hay không? Miền Trung có nhiều dự án thủy điện, nếu không đảm bảo an toàn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Do đó theo tôi cần cắt giảm các dự án thủy điện nhỏ không cần thiết.
Từ thực tế thiệt hại do thiên tai tại miền Trung, ông có cho rằng Chính phủ cần gói hỗ trợ để đồng bào vượt qua khó khăn, nhất là giai đoạn sau bão, thưa ông?
- Trước những thiệt hại do mưa bão hiện đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung, tôi cho rằng Chính phủ cần sớm có gói hỗ trợ cho người dân. Bởi gói hỗ trợ này còn cấp bách và cần thiết hơn gói hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại bởi dịch Covid-19. Vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người lao động không làm trong doanh nghiệp có thể chuyển sang làm lĩnh vực khác để kiếm sống. Còn hiện tại ở vùng mưa bão có nhiều gia đình không còn nhà cửa, tài sản, tư liệu sản xuất, đồ ăn nước uống, khổ gấp nhiều lần so với bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tất nhiên các chính sách hỗ trợ người dân do bị ảnh hưởng của dịch vẫn cứ triển khai. Tuy nhiên, Chính phủ cần dành nguồn lực để có gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thiệt hại do mưa bão gây ra.
Trân trọng cảm ơn ông!