Tôi đã thực hiện lời hứa với chính mình, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, đặt chân lên cột cờ Lũng Cú và những địa danh vùng Cực Bắc: Mèo Vạc, Mã Pì Lèng, Đồng Văn... Dù đã từng say đắm trước cảnh sắc của bao nhiêu vùng đất, ấy vậy mà tôi vẫn bị Hà Giang mê hoặc.
Trải nghiệm khó quên
Tôi thật may mắn khi kịp đến Hà Giang ngay trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Khi đó du lịch Hà Giang đã gần như bị “đóng băng” bởi nhiều tháng liền đường bay quốc tế bị đóng cửa. Khách ngoại không còn, khách nội cũng thưa thớt.
Trong cái rủi có cái may, tôi lại có cơ hội hiếm hoi được đắm chìm trong một Hà Giang xưa cũ với nét trong trẻo, yên bình, vắng lặng cố hữu. Và thật lạ lùng là vào thời điểm đó vẫn còn những bông hoa đào sót lại dù xuân đã cạn ngày.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, nằm ở ngay đầu thành phố Hà Giang, nơi yên nghỉ của 1.800 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Nhìn những hàng mộ chí, tôi nghe văng vẳng lời bài hát mà ca sĩ Thuý Lan đã hát rất xúc động trong những ngày tháng khốc liệt mùa xuân năm 1979: “Cầm bàn tay em mà anh nói gì nhiều đâu, cuộc đời đang xuân mà thôi nhé tạm biệt…”. Và tôi hiểu vì sao hoa đào biên viễn như thắm hơn trên rẻo đất này.
Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, xe của chúng tôi rong ruổi từ TP Hà Giang lên đến đỉnh Mã Pì Lèng mất gần một ngày. Nhưng không giống như bất kỳ nơi nào khác, người ta chỉ mong đến đích, với Hà Giang, cái đích chính là cả hành trình, kể từ khi chiếc xe lăn bánh để vào vùng cao nguyên đá Đồng Văn, thì nghĩa là bạn “đã đến”.
Tôi thậm chí không hề chợp mắt phút nào trong suốt chuyến đi, chỉ là vì không muốn mình bỏ lỡ một “scene” nào trong những thước phim đẹp như mơ trước mắt.
Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu nằm trải dài ở 4 huyện Vùng Cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Giống như lần đầu tiên đứng trước biển, khi đối diện với một không gian rộng lớn chỉ có một màu xám của đá và đá, tôi thấy mình thật nhỏ bé, và không thể không nghĩ đến bao kiếp nhân sinh đã trôi qua trong dòng thời gian vô tận, chỉ có những tảng đá tai mèo lớn nhỏ này vẫn đứng im lìm như “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Một trong những điểm dừng chân đáng nhớ của chúng tôi là dốc Thẩm Mã, một con đèo nổi tiếng với nhiều khúc cua lắt léo, vốn là nơi người xưa dùng để thử sức ngựa, giờ là điểm check-in không thể bỏ qua trên hành trình lên cao nguyên đá.
Ở đỉnh dốc, vài cô bé cậu bé mặc quần áo dân tộc, vai đeo những gùi hoa cải vàng rực bẽn lẽn mời khách chụp ảnh. Chuyện về những em bé vùng cao phải đi kiếm tiền sớm từ khách du lịch không hiếm nhưng ở đây, các bé rất ít làm phiền khách.
Điểm đến không thể bỏ qua tiếp theo là thung lũng Sủng Là, làng văn hoá Lũng Cẩm với ngôi nhà từng làm bối cảnh cho bộ phim “Chuyện của Pao”. Ngôi nhà có hàng rào đá đặc trưng của vùng đất này, có cây đào cây mận trước cửa luôn rực rỡ mỗi độ xuân về. Chị chủ nhà nói tiếng Kinh lơ lớ hồn nhiên kể đã xem bộ phim đó, thấy rất đẹp và chị sẵn lòng chụp ảnh với du khách.
Tôi cũng dừng lại ở Phố Cáo, gọi là phố mà chỉ có vài chục nếp nhà đơn sơ. Anh nhiếp ảnh gia vừa quen trong cuộc gặp gỡ tại một quán cà phê nơi đây kể rằng, đã lang thang ở con phố này cả một tuần liền, dậy từ tinh mơ, đi đến tối mịt chỉ để chớp được khoảnh khắc kỳ diệu nào đó của đá núi, mây ngàn. Rồi tôi cũng đi lang thang trong đêm phố cổ Đồng Văn, để thấm cái lạnh của rừng núi và cảm giác ấm áp, lạ lẫm khi nhấp một ly cà phê ở đây…
Nhưng có lẽ, cảm giác mạnh nhất là khi đặt chân đến Mã Pì Lèng, ngợp giữa bốn bề núi non trùng điệp, thăm thẳm phía dưới là dòng sông Nho Quế màu xanh ngọc. Mã Pì Lèng được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo”, hiểm trở vào bậc nhất của Việt Nam, dài tới 20 km.
Đây cũng chính là phần khó khăn nhất của Con đường Hạnh phúc, con đường huyền thoại do 1.200 thanh niên xung phong từng đổ mồ hôi và máu phá từng cm núi đá để nối liền 4 huyện vùng cao của Hà Giang.
Từ Mã Pì Lèng, chúng tôi đi sang cột cờ Lũng Cú. Đứng ở nơi địa đầu Tổ quốc, nhìn về phía biên giới, nghe tiếng cờ bay phần phật trên đỉnh trời, mới hiểu thực sự Tổ quốc là 2 tiếng thiêng liêng.
Trong chuyến đi này, tôi cũng đã được du ngoạn trên dòng sông Nho Quế, ngắm vách núi dựng đứng của hẻm vực Tu Sản. Đoạn đường xuống bến để lên thuyền thật là một trải nghiệm nhớ đời, nhất là với một người không quen mạo hiểm như tôi.
Con đường mòn từ đỉnh Mã Pì Lèng (độ cao so với mặt nước khoảng hơn 800m) xuống đến bến dài gần 8 km với 49 khúc cua, bám vắt vẻo vào vách núi, lúc nào cũng cận kề miệng vực.
Chở khách là các tài xế người bản địa với những chiếc xe wave cũ mèm. Họ lao dốc với vẻ mặt vô cảm nhưng du khách thì mặt tái mét, tim đập thình thịch, vừa phải nỗ lực toàn thân để khỏi xô dúi vào người lái, vừa phải cầu nguyện để người đằng trước đừng có chệch tay lái…
Sự quyến rũ kỳ lạ
Hóa ra, cả vùng tưởng như chỉ toàn đá là đá, người ta vẫn trồng cấy, vẫn đời này nối đời kia bằng một dòng chảy văn hóa đặc sắc. Không có cơ hội đắm mình vào các lễ hội, tôi chỉ được lướt qua vùng văn hoá đặc sắc ấy nhờ vài nét ẩm thực.
Từ những hộc đất nhỏ hiếm hoi xen giữa những vạt đá, người dân có thể trồng rau, tra ngô, vun xới, rồi chờ mưa nắng của trời đất cho đến ngày đâm hoa kết trái. Ngô là thực phẩm chính nuôi sống người dân nơi đây, từ hạt ngô mà có mèn mén, một loại bánh bột ngô quen thuộc của đồng bào, có rượu ngô, thứ men say có thể khiến người ta quên trời quên đất.
Đặc biệt ở Hà Giang tôi ấn tượng với món cải cay, một thứ rau hình như chỉ có ở Hà Giang. Cải cay bán đầy chợ, có 6.000 đồng/mớ, non mỡn. Nhưng nếu cứ thế luộc lên, nó cũng chỉ có vị ngọt và đắng thông thường, muốn thành cải cay thì phải biết cách làm.
Theo hướng dẫn của đồng bào, cải phải trần nước nóng già, ngâm một lát cho rau tái đi, chắt hết nước, đậy vung để qua đêm rồi mới xào. Lúc này màu cải không còn xanh mướt nữa mà chuyển sang màu nâu vàng, vị đắng của cải cũng biến mất, chỉ còn vị ngọt và trở nên cay nồng, xộc lên mũi, đúng vị mù tạt. Nhiều người thích xào cải cay với thịt bò nhưng tôi thấy xào kiểu đồng bào, chỉ cần đập chút gừng là đủ vị.
Lên Hà Giang, có lẽ bạn cũng nên thử món đặc sắc là thắng cố. Nghe nói thắng cố bán ở phố cho khách du lịch giờ được cải biên nhiều. Còn thắng cố nguyên bản của đồng bào thì không phải ai cũng liều lĩnh dám thử, mà có thử rồi chắc cũng khó có bản lĩnh để ăn tiếp.
Một món nên thử nữa là cháo ấu tẩu. Củ ấu tẩu vốn có chất độc, nhưng với cách chế biến công phu của người Hà Giang, nó đã trở thành món cháo thơm ngon, bổ dưỡng, vừa có vị ngọt sâu của nước xương, vừa có vị nhằn nhặn đắng của củ ấu tẩu, rất lạ miệng. Cháo ấu tẩu thường bán vào buổi tối, nghe nói là thứ cháo phục hồi sức khoẻ rất tốt cho những người vừa đi đường xa hay trót quá mê man vào men rượu.
Dù có tả hay kể thế nào về Hà Giang cũng chỉ nói được một phần sự quyến rũ kỳ lạ của vùng đất này, muốn hiểu hơn thì phải tự mình cảm nhận. Một người bạn nước ngoài khi được hỏi nơi nào ấn tượng nhất ở Việt Nam đã không do dự trả lời đó chính là Hà Giang.
Và tôi cũng vậy, vẫn muốn sẽ trở lại vùng đất này. Bởi còn nhiều điều để khám phá nơi đây, các lễ hội vùng cao, những bản làng xa xôi đẹp như tranh, những cung đường hứa hẹn nhiều xúc cảm…