Những năm trước, cứ mỗi mùa mưa bão đến, hàng chục hộ dân tại các bản làng của xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) lại sống thấp thỏm, lo sợ cảnh sạt lở, ngập nước. Khi khu tái định cư Piêng Luống hình thành, cuộc sống của bà con được an vui trên vùng đất mới.
Nhớ lại, năm 2009, một trận lũ quét xảy ra tại huyện Quỳ Hợp đã khiến cho hàng chục hộ dân của 8 bản làng nơi đây thất kinh. Sau đó nhiều năm, hơn 40 hộ dân thuộc các bản như: Tiến Thành, Trung Thành, bản Cô, bản Bon, Na Án, xã Châu Thành đã phải sống trong lo âu, thấp thỏm. Vì sau trận lũ ấy, những tai hoạ sạt lở có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Rồi đồng bào nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, khu tái định cư Piêng Luống hình thành. Là một trong những gia đình về Piêng Luống sớm nhất, ông Quang Văn Tuấn, xã Châu Thành cho biết: Nhớ lại nơi ở cũ, ông vẫn chưa quên cảnh chạy lụt, sống thấp thỏm mỗi khi mưa ập đến. “Ở chỗ cũ sợ lắm rồi, mỗi khi mưa bão đến cả đêm không dám ngủ. Giờ lên đây cao ráo, sạch đẹp, mình dựng nhà, dựng cửa an cư lâu dài, giờ có mưa bão cũng không phải lo nữa”- ông Tuấn nói.
Đó cũng là niềm vui của hàng chục hộ dân tại khu tái định cư này. Bởi nhớ lại những năm trước, mỗi mùa mưa bão, các hộ dân của 5 bản xã vùng cao Châu Thành phải sống thấp thỏm trong cảnh lo sợ. Giờ đây, họ được sống yên vui trên vùng đất tái định cư Piêng Luống. Những ngôi nhà khang trang mọc lên, mọi người đang phấn khởi xây dựng cuộc sống mới, yên ổn lao động sản xuất, yên tâm gắn bó với nơi này.
Gia đình bà Lô Thị Mai là người dân tộc Thái, có ba thế hệ với 10 nhân khẩu cùng chung sống ở bản Tiến Thành, xã Châu Thành thuộc diện trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao được bố trí nơi ở mới để dựng nhà cách đây 2 năm. Trong niềm phấn khởi có nơi ở mới, bà Mai hồ hởi khoe: “Gia đình tôi chật chội lắm, nên khi được chính quyền địa phương lên kế hoạch tập trung di chuyển tài sản, vật liệu để đến nơi ở mới, tôi rất mừng. Từ nay, con cháu có nơi làm ăn, nơi ở không chật chội cũng như không còn lo sợ bị sạt lở xuống vực nữa”.
Tuy nhiên, để có được nơi ở mới an toàn hơn, cũng là cả một quá trình đằng đẵng.
Cụ thể, sau trận lũ năm 2009, tình trạng sạt lở và mất an toàn đối với hàng trăm hộ dân tại xã Châu Thành, Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp khiến chính quyền đau đầu. Dự án định canh, định cư Piêng Luống được kiểm tra khảo sát lập quy hoạch di dân nội vùng đóng tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp được triển khai xây dựng từ năm 2009-2011, với tổng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương gần 18,7 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đưa 50 hộ dân với 217 nhân khẩu của 5 bản: Tiến Thành, Trung Thành, bản Cô, bản Bon và Na Án nằm trong vùng nguy cơ sạt lở của sông Dinh đến ở. Từ năm 2009 đã thực hiện triển khai thi công các hạng mục: San ủi mặt bằng, phân lô cho 50 hộ tại khu vực Piêng Luống, làm đường nội vùng, xây dựng hệ thống đường điện và 01 trạm biến áp, công trình hệ thống nước sinh hoạt tự chảy vào khu định canh, định cư…
Do nhiều khó khăn, đến năm 2019, công trình dự án Piêng Luống tiếp tục được triển khai thực hiện và đến năm 2021, những ngôi nhà đầu tiên tại khu tái định cư Piêng Luống được xây dựng. Thời điểm này, có 50 hộ được xét duyệt lại thuộc 7 bản gồm: bản Cô, Na Hán, Tiến Thành, Trung Thành, bản Cải, Chăm Hiêng, Bình Tiến…
Theo ông Lương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Châu Thành cho biết: Các hộ dân ở khu tái định cư Piêng Luống được giao mỗi hộ từ 370-400m² đất, được hỗ trợ 15 triệu đồng tiền vận chuyển, di dời nhà ở. Bên cạnh đó, có 30/50 hộ đặc biệt khó khăn nhất được hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Dự án nhằm mục đích đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và xã hội để đưa các hộ dân bị ảnh hưởng của ngập lụt và sạt đất ở xã Châu Tiến vào tái định cư. Giúp người dân ổn định sản xuất và sinh hoạt, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Với anh Hà Văn Lương, ở bản Na Án, xã Châu Thành khi chưa về Piêng Luống, hầu như năm nào anh và gia đình cũng sống trong cảnh lo sợ mỗi khi mưa bão, luôn canh cánh nỗi lo sạt lở, chạy lũ. Tuy nhiên, sau 2 năm về Piêng Luống giờ đây nỗi lo chỉ còn là quá khứ khi gia đình anh, ngoài việc được Nhà nước cấp 400m2 đất ở, còn hỗ trợ tiền làm nhà, tặng bò sinh sản.
Tuy nhiên, dù là dự án di dân khẩn cấp, bên cạnh niềm vui về nơi ở mới, người dân khu tái định cư Piêng Luống cũng chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở bởi hệ thống nước hiện nay chưa ổn định. Sau các đợt mưa lũ đường ống bị hư hỏng nên nước sạch thỉnh thoảng bị mất, nguyên nhân một phần do đập tràn chứa nước bị đất đá, cát vùi lấp 70% thân đập.
Hai bể lọc bùn và bể hút nước đầu nguồn dẫn vào đường ống đi về các bể chính bị đất, cát, rác thải vùi lấp trên 60%, dẫn đến đường ống dẫn nước bị tắc không thể dẫn nước về theo đường ống và các bể chính. Đường ống dẫn nước (dài khoảng 3,9km) bị đứt gãy 3 đoạn do được bắc qua các sườn đồi và sườn núi đá có độ dốc đứng, không có điểm tựa vững chắc nên liên tục bị hư hỏng sau các đợt mưa lũ.
Ngoài ra, một số vị trí xung quanh bờ bao có xảy ra sạt lở. Chính quyền địa phương đã làm văn bản báo cáo kiến nghị UBND huyện Quỳ Hợp cử đoàn kiểm tra thực địa công trình nước sinh hoạt tự chảy khu tái định cư Piêng Luống, đồng thời có biện pháp lập phương án, dự toán sửa chữa. Sau hơn 2 tháng mất nước sinh hoạt thì hiện nay, công trình nước đã được sửa chữa, nước sạch đã về lại.
Dù còn một số tồn tại, tuy nhiên nhìn chung nơi ở mới Piêng Luống đã cơ bản tốt hơn nơi ở cũ, người dân không phải lo lắng chạy lũ mỗi mùa mưa bão.
Ông Lương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Châu Thành cho biết: Sau thời gian khá dài do chưa bố trí được nguồn vốn, đến nay dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở đất xã Châu Thành đã được triển khai và đảm bảo tiến độ, quy mô phù hợp với điều kiện thực tế. Niềm mong mỏi của chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đã trở thành hiện thực. “Thời gian tới, xã tiếp tục giúp đỡ bà con hoàn thành chương trình xây dựng nhà ở trong thời gian sớm nhất, ổn định cuộc sống”, ông Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Vy Quán Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Những năm qua, nhờ thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống kinh tế của người dân có nhiều chuyển biến rõ rệt. Dự án khu tái định cư Piêng Luống, xã Châu Thành và dự án tái định cư ở xã Châu Tiến bước đầu đã giúp người dân có nơi ở mới an toàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với các cơ quan chức năng hỗ trợ thêm cho bà con để ổn định cuộc sống lâu dài.